Trước đó, một số nhà quản lý quỹ đã bắt đầu rút khỏi các thị trường đang phát triển, một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tác động tới triển vọng toàn khu vực. Tuy nhiên, sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, song đã bắt đầu chuỗi tăng điểm trở lại thời gian gần đây (đặc biệt là chứng khoán Mỹ) nhờ những tín hiệu khởi sắc hơn trên thị trường dầu mỏ.
Các chuyên gia đánh giá, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất và tỷ giá đồng USD giữ ổn định, thì cơ hội đầu tư tại các thị trường đang phát triển là rất lớn, nhất là khi triển vọng tăng trưởng của những nền kinh tế này vẫn cao hơn so với nhóm các thị trường phát triển.
Chiến lược gia đầu tư toàn cầu, Richard Turnill tại BlackRock cho biết, đầu tư vào các thị trường đang phát triển hiện là một phần của kế hoạch cân bằng danh mục đầu tư của quỹ này. “Chứng khoán của các nền kinh tế đang phát triển trở nên hấp dẫn hơn khi tỷ giá và cán cân thương mại đã được điều chỉnh và ít rủi ro hơn khi đồng USD tăng giá mạnh”, Turnill nói.
Chia sẻ quan điểm này, Jeffrey Kleintop, nhà chiến lược đầu tư tại Charles Schwab cũng cho rằng, tăng cường đầu tư quốc tế, trong đó có các thị trường đang nổi, đem lại sự đa dạng hơn và giúp tạo dựng một bộ đệm phòng vệ cho danh mục đầu tư của bạn một khi thị trường bất ổn.
Bên cạnh đó, nhóm các thị trường đang phát triển, từ Mỹ Latinh cho tới Đông Nam Á, đang tách mình khỏi vòng xoáy tăng trưởng thấp trên toàn cầu. Theo báo cáo công bố trong tháng Sáu vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, các nền kinh tế đang nổi có thể tăng trưởng trung bình 3,5% trong năm nay, so với mức tăng tương ứng chỉ 1,7% của nhóm các quốc gia phát triển.
Ngân hàng UBS trong tuần này đã nâng triển vọng của chỉ số chứng khoán MSCI nhóm các thị trường đang nổi và dự báo mức tăng 10% trong cả năm 2016. UBS tin rằng, chứng khoán tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ không chứng kiến làn sóng bán tháo, nhất là sau khi Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, một phần từ hệ quả của Brexit.
Tháng 8 năm ngoái, giới đầu tư hoảng loạn rút khỏi các thị trường đang phát triển, đặc biệt sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá mạnh đồng Nhân dân tệ. Các quỹ ETF đầu tư vào nền kinh tế mới nổi đều bị lỗ rất nặng, iShares MSCI Emerging Market ETF (EEM) giảm tới 17% trong quý III/2015, song đã tăng trở lại tới 9,5% kể từ đầu năm tới nay.
Đáng chú ý, việc Fed duy trì lãi suất nhìn chung đã giữ chỉ số đồng USD trong biên độ vừa phải, giúp ngăn chặn làn sóng phá giá đồng tiền tại các nền kinh tế đang phát triển. Một khi đồng USD mạnh lên, sức ép đối với các thị trường đang nổi sẽ xuất hiện trở lại, song BlackRock và UBS cho rằng đây là một kịch bản ít có khả năng xảy ra.
“Đồng USD yếu hơn trong quá khứ thường song hành với màn trình diễn rất tốt của chứng khoán tại các nền kinh tế đang phát triển. Sự bất ổn sau Brexit đã tạm thời khiến Fed chưa thể tăng lãi suất và điều này tạo ra ít rủi ro hơn đối với thế giới đang phát triển”, báo cáo của BlackRock khẳng định.
Mặt khác, đồng USD chưa thể mạnh lên giúp Trung Quốc giữ nhịp độ giảm giá đồng Nhân dân tệ một cách từ từ. Mặc dù vậy, Chiến lược gia Richard Turnill tại BlackRock cho rằng, ông sẽ không quá lạc quan về các thị trường đang nổi cho đến khi có thêm bằng chứng về cải cách cấu trúc thiết yếu tại những khu vực như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo phân tích của WB, gần 2/3 tầng lớp trung lưu trên toàn cầu sẽ tập trung ở khu vực châu Á vào năm 2030. Do đó, xu hướng đầu tư mới sẽ tập trung vào phong cách sống của tầng lớp trung lưu, với những tác động cực lớn tới các nhà cung cấp toàn cầu trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ.