Đón nắng ở Mũi Né

(ĐTCK) Đặc sản của Mũi Né là "nắng". Cái nắng trong vắt như pha lê, khô và sạch trải dài suốt hơn 300 ngày mỗi năm đã đủ để làm nên một thiên đường nghỉ dưỡng cho những người yêu du lịch biển.
Đón nắng ở Mũi Né

Cho đến bây giờ các cồn cát tuyệt đẹp và bãi biển nắng ấm quanh năm vẫn là lý do để khách du lịch lựa chọn Mũi Né. Kỳ nghỉ tránh đông mỗi dịp Tết Nguyên đán, Mũi Né đón khoảng 5 vạn lượt khách du xuân, trong đó có hơn một vạn là khách du lịch quốc tế. Nhưng số khách du lịch này chỉ loanh quanh ở bãi biển và nghĩ dưỡng trong resort.

Các tuyến du lịch thăm làng chài, làng cổ, đi thăm chợ cá, đi Lầu ông Hoàng, tháp Chăm, đi Bàu Trắng. chiến khu Lê… bán được rất ít. Có thể thấy sự chọn lọc này bắt nguồn từ xu hướng mà Mũi Né tự chọn cho mình từ việc xây quá nhiều khu nghỉ dưỡng tiện nghi bên cạnh một địa danh cho cảnh quan tuyệt vời.

Thứ nữa, dựa vào cơ sở hạ tầng vốn có như thế mạnh, Mũi Né rất dễ trở thành địa danh nhàm chán mà các cơ quan, doanh nghiệp và tư nhân sở tại còn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của khu du lịch này.  

Khách du lịch ở xứ ôn đới lạnh lẽo của châu Âu thích phát cuồng bãi biển như vồng ngực nhô ra trên biển Đông. Hiếm hoi có khu khu dịch nào có mùa làm ăn quanh năm như Mũi Né. Người ta đến đây để đón nắng, không ai nghĩ đến chuyện phải "né" điều gì như tên gọi của bãi biển tuyệt đẹp này.

Không xa khỏi các bàu cát Mũi Né có một hệ thống vết địa tầng xói mòn lớn lộ ra các vỉa đất đỏ gây ngạc nhiên về cảnh quan địa chất gọi là Suối Tiên. Khách du lịch gọi con suối đặc biệt này là Hẻm núi đỏ của Việt Nam.

Đã rất nhiều lần, ngay sau mỗi kỳ nghỉ đông khách ở Mũi Né, địa phương thường phải ban bố lệnh đóng cửa đối với một địa điểm tham quan đặc sắc của khu vực này là Suối Hồng, Bãi Rạng... vì ngập đầy rác. Đây là một khe nước từ đồi cát chảy ra biển, xói mòn tạo thành lòng suối với các nhũ sa màu đỏ như son.

Tuy nhiên, vì quá gần khu dân cư đông đúc, dòng suối này bị rác và nước thải xâm nhập. Các vỉa sa thổ dạng thung lũng cát bị đổ nát mất đi vẻ hoang sơ đặc trưng rất khó phục hồi. Những người thích khám phá địa chất mất đi cơ hội được chiêm ngưỡng tận mắt cảnh quan thiên nhiên đặc biệt này, đồng thời Mũi Né cũng mất đi phần nào sự bí ẩn và hấp dẫn.

Không xa khu du lịch Mũi Né là một bàu cát Trắng, gọi là Bàu Ông, cạnh Bàu có một đầm sen nở hương thơm ngát. Việc có một đầm sen ở giữa một bàu cát nóng như nung và cát bay quanh năm suốt tháng quả là gợi trí tò mò thế nhưng rất ít người biết đến.

Hấp dẫn nhất là các làng chài Hàm Tiến, nơi người dân đi đánh cá về có thể nấu ngay cho du khách một món nhậu dưới rặng dừa mắc võng thì thảng hoặc mới có người ghé đến. Món mực một nắng, nước mắm Phan Thiết cũng được làm tại các làng biển ở đây nhưng quy mô và danh tiếng về sản phẩm thương hiệu có chỉ dẫn địa lý này vẫn chưa bay xa.

Quy hoạch Hàm Tiến, Mũi Né thành trung tâm dịch vụ du lịch được UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện từ năm 2010. Hơn 1.000 ha đất liền và mặt nước của khu vực này sẽ được sử dụng để xây dựng và chỉnh trang thành khu du lịch hiện đại. Tuy nhiên, có một rào cản lớn cho địa phương khi nếp sống suồng sã của một bộ phận dân cư ven biển không thay đổi.

Họ có thói quen xả rác, vứt hải sản, ngư lưới cụ hỏng hóc ra bờ biển. Thậm chí có thói quen đi vệ sinh ở ngoài biển, ngay trong các bãi cát, hốc đá và rặng dừa cạnh các khu du lịch sang trọng. Một số tàu bè đánh bắt hải sản sơ chế nấu nướng ngay trên bãi, và vứt lại vỏ nhuyễn thể và bao dứa rách ở bờ biển.

Dân địa phương Hàm Tiến - Mũi Né vốn rất thân thiện, dễ mến, nhưng không đồng nghĩa với việc nơi đây có được một ngành du lịch mến khách.

Vài năm trở lại đây, khách du lịch đến Mũi Né ngày càng nhiều. Khu vực Hàm Tiến với con đường chạy dọc bờ biển đã trở thành Phố Tây - danh từ quen gọi cho những dãy phố thường có khách du lịch nước ngoài lui tới. Việc đó vô hình chung làm tây hóa nhịp sống của dân cư địa phương.

Hệ thống nhà hàng khách sạn và các resort đón khách du lịch ở đây thường vắng vẻ và đắt đỏ. Xen lẫn trong đó là nếp sinh hoạt hiền lành đến tội nghiệp của tầng lớp lao động bình dân. Ở đây, cuộc sống bình dị của dân địa phương vẫn diễn ra thường nhật nhưng không ai để ý tới.

Khách du lịch bị hút vào các khu nghỉ dưỡng khiến người dân chủ nhân của vùng đất này gần như nằm ngoài guồng quay của hệ thống du lịch. Đó là bài toán đầu tư dịch vụ du lịch của Mũi Né khiến mảnh đất giàu tài nguyên này không thể giàu lên.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo địa phương, họ vẫn nhắc đến nghề cá của ngư dân như chủ đạo của phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trong khi Mũi Né luôn là địa danh du lịch biển đầu bảng có bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Có thể nói những lùm xùm quanh chuyện tiêu cực về đất đai ở Mũi Né cũng đã ảnh hưởng không nhỏ trong dẫn đến thực trạng này. Ở đây rất nhiều biển đề đất bán và cho thuê dài hạn, hậu quả của những hợp đồng mua bán đất vội vàng và đầu cơ. Trong ngành du lịch tồn tại một khái niệm là "kinh doanh sự thân thiện".

Song phương thức để giữ gìn sự thân thiện của vẻ đẹp cảnh quan và con người nơi đây mới là điều khó bàn tới. Bởi lẽ một khu du lịch phát triển nóng rất dễ mất đi sự hoang sơ cần thiết, đồng thời mất đi sự cân đối giữa phát triển du lịch và đời sống dân cư địa phương. Khi người dân sẵn sàng sang nhượng và cho thuê mảnh đất sống lâu đời của mình thì Mũi Né cũng phải chịu sự chi phối của thương mại hóa.

Hàng trăm resort nhỏ lẻ đã mọc lên sát biển và đang không ngừng được xây dựng thêm nữa cho xứng với tên gọi "thủ đô của resort Việt Nam". Quy mô các resort nhỏ lẻ này không thể mở rộng thêm khiến con đường ven biển chật như nêm, chạy đua hạ giá vào kỳ vắng khách và tăng giá vào mùa cao điểm. Điều gì sẽ xảy ra khi áp lực của mật độ dịch vụ du lịch này phủ lên bãi biển duyên dáng nhất của Nam Trung Bộ? Đó là câu hỏi đặt ra cho chính quyền địa phương.

Mật độ resort ken dày đẩy những rặng dừa vốn là cảnh quan đặc trưng của Mũi Né dần thu hẹp lại, khuất sau những mái ngói mới của các khu nghỉ dưỡng.

Mũi Né lại bước vào một mùa nắng mới, chỉ tài nguyên nắng chưa được tận dụng triệt để cho làm giàu cho nơi này mà thôi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trương Thúy Hằng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục