Dồn lực xây dựng khu công nghiệp xanh

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Khai xuân bằng dự án khu công nghiệp xanh

Trong lễ ra quân đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sáng ngày 15/2/2024, Tổng công ty Viglacera - CTCP chính thức công bố KCN Xanh và Thông minh “Thuan Thanh Eco-Smart IP” tại thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong những năm qua, Viglacera đã tiên phong ứng dụng công nghệ xanh với các sản phẩm vật liệu xanh, giúp giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng... Dự án Thuan Thanh Eco-Smart IP là bước đi tiếp theo của

Viglacera trong hành trình xây dựng các KCN xanh, thông minh, hướng tới KCN sinh thái, nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “dấu chân carbon”.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera - CTCP cho biết: “Thuan Thanh Eco-Smart IP đánh dấu sự thay đổi đáng kể của doanh nghiệp qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn, bắt nhịp xu hướng phát triển xanh của các ngành sản xuất”.

Nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững của nhà đầu tư nước ngoài được dự báo ngày càng tăng. Các địa phương sẽ có cơ hội lựa chọn nguồn vốn chất lượng hơn khi sở hữu các KCN xanh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh

Tại Thuan Thanh Eco-Smart IP, doanh nghiệp sẽ tái sử dụng 5 - 25% nước thải làm nước tưới cây, tái sử dụng bùn thải không nguy hại với định lượng khoảng 406 kg/ngày. KCN cũng ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng pin năng lượng mặt trời tập trung, tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hạn chế năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo tính toán, các giải pháp xanh hóa sẽ giúp hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn carbon/năm trong những năm đầu, tương đương mức phát thải của gần 500 ô tô chạy xăng hàng năm.

Có thể thấy, đầu tư mới các KCN theo mô hình xanh, thông minh, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao... đang là đích đến của các “ông lớn” bất động sản KCN.

Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc) cũng khẳng định, chuyển hướng đầu tư các KCN xanh là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh các nhà mua hàng yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững và Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc cho hay, các KCN của Kinh Bắc đều đang hướng đến mô hình KCN xanh.

Kinh Bắc hiện có 30 KCN, thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện giảm khí thải trong các KCN rất quan trọng, được doanh nghiệp dành ưu tiên lớn. Khách hàng chính của Kinh Bắc chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao như LG, Haengsung Electronics…

Kỳ vọng hút dòng vốn chất lượng

Không phải ngẫu nhiên, mà Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chọn KCN xanh VSIP III tại Bình Dương để đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD. Mô hình KCN xanh của VSIP sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường… đáp ứng yêu cầu từ các nhà sản xuất.

Liên minh châu Âu (EU), một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của nước ta đã thực hiện Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn, hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030. Thị trường này cũng áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thông qua việc đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại.

Không chỉ EU, các thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng ngày càng nâng chuẩn về môi trường trong sản xuất.

Từ yêu cầu của các nhà mua hàng toàn cầu, các nhà đầu tư KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Theo đó, với các dự án đầu tư mới, tiêu chuẩn đầu tư đạt được sẽ là xanh, thông minh, cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, giảm ô nhiễm môi trường. Với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được các chủ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.

“Định hướng của Kinh Bắc là chuyển đổi các KCN cũ để tiến lên xanh hơn. Còn với các KCN đầu tư mới, sẽ lắp đặt toàn bộ điện mặt trời áp mái, đảm bảo tiêu chí KCN xanh, thu hút các nhà đầu tư lớn vào lập nhà máy sản xuất”, ông Đặng Thành Tâm nói.

Còn với Viglacera, sau hơn 20 năm phát triển KCN, thu hút gần 15 tỷ USD vốn FDI từ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Tổng công ty xác nhận, các dự án KCN giai đoạn tới đều phải đạt các tiêu chí xanh để thỏa mãn yêu cầu cao từ các đối tác, khách hàng..

“Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thiện KCN ở mức hoàn hảo nhất, đáp ứng ở mức cao nhu cầu của nhà đầu tư với một KCN xanh, thông minh, thỏa mãn đồng thời các yêu cầu của địa phương, nhà đầu tư, các nhà mua hàng toàn cầu”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục