
Thị trường khách quốc tế mục tiêu lý tưởng
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch Hà Nội về hoạt động trao đổi khách du lịch hai chiều giữa Hà Nội với doanh nghiệp lữ hành vùng Viễn Đông (Liên bang Nga) mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Á - Âu Malinovskii Roman thông tin, thời gian gần đây, du khách Nga và khối CIS (Cộng đồng Các quốc gia độc lập) tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam tăng 35%. Trong đó, các thành phố như Nha Trang, Phú Quốc, Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng có lượng tìm kiếm tăng đến 130%.
“Kết quả này cho thấy, với vẻ đẹp tự nhiên, thời tiết nhiệt đới dễ chịu cùng nhiều trải nghiệm độc đáo, Việt Nam đang vượt trội hơn nhiều điểm đến khác ở châu Á”, ông Malinovskii Roman nhận định.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phân tích, lý do khiến người dân Nga lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho kỳ nghỉ còn bắt nguồn từ mối quan hệ hữu nghị, tình cảm gần gũi giữa hai dân tộc. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu những đường bờ biển dài tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa quanh năm, nền văn hóa đậm đà bản sắc và ẩm thực phong phú, đủ sức níu chân bất kỳ vị khách khó tính nào. Họ đến để tận hưởng nắng ấm miền nhiệt đới, để đắm mình trong làn nước biển xanh ngọc, để được chào đón bằng nụ cười nồng hậu và sự mến khách chân thành từ người Việt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Lan Hương, Giám đốc Công ty Ấn Tượng Nga, thành viên Hiệp hội Lữ hành Nga nhận định, khách Nga đặc biệt chuộng những điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, nơi có bãi biển đẹp, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
“Họ đi vào mùa đông, khi nước Nga chìm trong tuyết trắng, để tận hưởng cái nắng dịu dàng, biển xanh cát trắng, hải sản tươi ngon và những gói dịch vụ trọn gói tiện lợi”, bà Hương nói.
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, mặc dù người Nga không đi du lịch quá thường xuyên, nhưng có mức chi tiêu khá cao - khoảng 2.000 USD cho một chuyến đi, trong đó có 610 USD chi cho ngoài tour, cao hơn 40% so với mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, đây là thị trường khách quốc tế mục tiêu lý tưởng mà Việt Nam cần dồn lực thu hút để đạt mục tiêu tăng doanh thu.
Chìa khóa giữ chân du khách Nga
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2024, ngành du lịch đón hơn 232.300 lượt khách Nga, tăng 84,9% so với năm 2023. Đây là một con số đáng khích lệ sau giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch và căng thẳng địa chính trị.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, có gần 80.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, tăng 204% so với cùng kỳ năm ngoái. Nga hiện là thị trường lớn nhất trong các quốc gia châu Âu đưa khách đến Việt Nam.
Điều gì đang tạo ra làn sóng khách Nga trở lại Việt Nam mạnh mẽ đến vậy sau 3 năm gián đoạn? Theo ông Oleg Kozyrev, Giám đốc marketing của Travelata.ru, vị thế của Việt Nam trên thị trường du lịch có tổ chức của Nga đang nhanh chóng trở lại mức trước đại dịch. Ông đặc biệt nhấn mạnh yếu tố then chốt là việc khôi phục và mở rộng các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các thành phố lớn của Nga.
Nhằm tạo cú hích mạnh mẽ cho thu hút khách Nga trở lại Việt Nam, từ ngày 16/3/2025, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho Azur Air khai thác các chuyến bay thẳng từ 11 thành phố của Nga đến Cam Ranh (Khánh Hòa), với tần suất 14 chuyến/tuần. Trong khi đó, Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot cũng đã nối lại đường bay thương mại từ Mátxcơva đến TP.HCM và khai thác đường bay Mátxcơva - Nha Trang từ ngày 22/3, với tần suất 3 chuyến/tuần. Vietnam
Airlines dự kiến khai trương đường bay Mátxcơva - Hà Nội vào tháng 5/2025. Những tuyến bay này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn mang lại sự tiện lợi, đặc biệt hấp dẫn với những gia đình Nga đi nghỉ dưỡng dài ngày.
Theo nền tảng du lịch Yandex Travel, lượng vé máy bay đến Việt Nam trong thời gian gần đây đã tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chi phí trung bình cho một chuyến bay là khoảng 81.000 ruble (tương đương 950 USD).
Russian Express cho biết, doanh số bán vé trên các tuyến bay đến Việt Nam đã tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong thời gian tới, con số này sẽ tăng khoảng 20% nhờ sự mở rộng mạng lưới đường bay và chính sách hỗ trợ du lịch ngày càng thông thoáng.
Giá tour hiện tại cũng được đánh giá là vô cùng cạnh tranh. Công ty du lịch Satmarket cho biết, một chuyến du lịch kéo dài 2 tuần tại khách sạn 5 sao dành cho 2 người trong tháng 7/2025, bao gồm bữa ăn nửa ngày, chỉ có giá khoảng 1.500 USD - mức giá "hiếm có khó tìm" trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để thực sự “giữ chân” và phát triển bền vững thị trường Nga, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Phó tổng giám đốc Saigontourist cho biết: “Nhu cầu của khách Nga là nghỉ biển dài ngày tại một địa điểm, không thích di chuyển nhiều, nên việc thiếu phòng khách sạn cao cấp vào mùa cao điểm là một thách thức không nhỏ”. Ngoài ra, việc nhiều vùng của Nga chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam khiến việc di chuyển trở nên phức tạp và tốn kém. Đáng lo hơn, cả nước hiện chỉ có 418 hướng dẫn viên biết tiếng Nga là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) nhấn mạnh, khách Nga thường lưu trú rất dài ngày, nên nếu không có sản phẩm du lịch phong phú, trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo, họ sẽ dễ cảm thấy nhàm chán.
“Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sản phẩm kỹ lưỡng, nhất là các tour biển đảo, tour nghỉ dưỡng, tour văn hóa... để khách có thể khám phá sâu hơn văn hóa bản địa”, ông Nhựt nói.
Về quảng bá, xúc tiến, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, việc xúc tiến du lịch tại chỗ, tận dụng sức mạnh của các nền tảng số và nội dung bằng tiếng Nga là vô cùng quan trọng.
Báo chí Nga nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm không chỉ với Thái Lan - điểm đến đang trở nên quá tải, mà còn cạnh tranh trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Một lợi thế không nhỏ là khoảng cách từ Siberia và vùng Viễn Đông của Nga đến Việt Nam ngắn hơn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách Nga.