Dồn lực thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang dồn toàn bộ nguồn lực, thi công 3 ca 4 kíp nhằm hoàn thành đoạn tuyến phía Đông dài 25,3 km của Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào quý III/2024.
Thi công Gói thầu A6.2 thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành. Thi công Gói thầu A6.2 thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Căng thẳng nguồn cát

Sau gần 3 năm “ngủ đông” do lâm vào cảnh “giáp hạt vốn”, đến thời điểm này, không khí thi công rầm rộ đã trở lại tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, đặc biệt là các gói thầu xây lắp thuộc đoạn tuyến phía Đông. Đây là đoạn tuyến sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được khởi động lại cách đây chưa lâu sau khi Quốc hội tái bố trí vốn ODA cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào giữa tháng 6/2023.

Trong 3 gói thầu xây lắp thuộc đoạn tuyến phía Đông, tính đến hết tháng 8/2023, mới chỉ có Gói thầu A5 dài 3,45 km đã hoàn thành công tác xây lắp. Gói thầu A6 dài 16,5 km đã chấm dứt hợp đồng, phải tổ chức đấu thầu lại thành các gói thầu A6.1, A6.2, A6.3, A6.4 và A6.5. Gói thầu A7 dài 5,3 km do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 thi công từ tháng 1/2018 cũng đã nối lại việc thi công, giá trị ước khoảng 75% giá trị hợp đồng.

Theo ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý dự án phía Nam của VEC, đường găng của đoạn tuyến phía Đông đang nằm ở Gói thầu số A6. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng vào tháng 2/2022, gói thầu này mới đạt giá trị sản lượng 34% với rất nhiều đoạn nền đường còn chưa hoàn tất xử lý nền đất yếu.

Chính vì vậy, để hoàn thành toàn bộ 5 gói thầu xây lắp được tách ra từ Gói thầu A6 sau 12 tháng thi công, đòi hỏi các nhà thầu phải huy động ngay nhân lực, thiết bị, hoàn thành dứt điểm công tác gia tải trong tháng 8/2023, nếu muốn hoàn thành toàn bộ 16,5 km thuộc Gói thầu A6 cũ vào quý II/2024 như yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Đây là lý do khiến chỉ trên phần công địa dài chưa đầy 10 km, các nhà thầu đã huy động cả trăm thiết bị đặc chủng, ken dày mặt đường để tổ chức thi công 3 ca liên tục. Bản thân chủ đầu tư cũng tổ chức một văn phòng hiện trường ngay sát công địa Gói thầu A6 cũ để túc trực 24h/24h đôn đốc, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trên công trường.

Do công tác giải phóng mặt bằng trên chính tuyến đã hoàn tất, vốn bố trí đủ, quy trình thanh toán được rút ngắn, nên các nhà thầu thi công yên tâm dồn máy và nhân lực ra mặt đường.

Khó khăn lớn nhất đối với Gói thầu A6 cũ và toàn Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là thiếu cát xây dựng. Theo tính toán, Dự án còn cần khoảng 600.000 m3 cát, nhưng do khan hiếm nguồn cung, nên mỗi tuần các nhà thầu chỉ mua được vài sà lan có khối lượng 2.000 - 3.000 m3 từ các mỏ cát ở An Giang và Vĩnh Long.

“Do Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành không thuộc diện ưu tiên phân phối cát, nên rơi vào cảnh ăn đong vật liệu dù đã chấp nhận mua với chi phí cao hơn giá bỏ thầu tới 30%, lên tới 300.000 đồng/m3”, một nhà thầu thi công Gói thầu A6.2 cho biết.

Sớm tái khởi động toàn dự án

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến cao tốc có “hồ sơ” thi công truân chuyên bậc nhất trong ngành giao thông. Dự án khởi công tháng 10/2014 với nguồn vốn vay từ ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến Dự án không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án, nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công khỏi công trường và giá gói thầu cũ không còn phù hợp sau thời gian dài biến động lớn về giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công…, nên một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Về hiệp định vay, Dự án hiện chỉ còn Hiệp định vay ADB lần 2 (286 triệu USD) cho các gói thầu đoạn phía Đông có hiệu lực đến ngày 31/12/2023 và Hiệp định vay từ JICA lần 2 (31,328 tỷ yên) cho các gói thầu đoạn JICA có hiệu lực đến ngày 17/7/2024.

Toàn tuyến hiện có 15 gói thầu xây lắp chính, trong đó 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu chấm dứt hợp đồng, đấu thầu lại, 8 gói còn lại đang thi công.

Đối với đoạn phía Tây gồm 5 gói thầu từ A1 - A4, VEC cho biết, tính đến đầu tháng 8/2023, đoạn tuyến này đã hoàn thành 84% tổng giá trị, trong đó gói thầu A2-1 và A3 cơ bản hoàn thành; gói thầu A1, A2-2 và A4 đã chấm dứt hợp đồng. Hiện VEC và các đơn vị tư vấn đã phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu A1; hoàn thiện hồ sơ mời thầu, trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu A2-2 và A4.

Đối với đoạn JICA tài trợ, bao gồm 3 gói thầu xây dựng cầu lớn từ J1 - J3, khối lượng khoảng 85%. Cụ thể, Gói thầu J2 - xây dựng sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ đã hoàn thành; Gói thầu J1 - xây dựng cầu Bình Khánh, nhà thầu đã đồng ý tái khởi động và đang thực hiện các công tác phụ trợ để thi công từ tháng 7/2023.

Đối với Gói thầu J3 - xây dựng cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ (đã chấm dứt hợp đồng), VEC đang tích cực làm việc với JICA để thống nhất chủ trương đấu thầu các hạng mục còn lại của Gói thầu J3 và trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, VEC tiếp tục làm việc với các nhà thầu để đàm phán, giải quyết các thủ tục còn lại theo quy định hợp đồng và pháp luật hiện hành.

“Hiện những vướng mắc về pháp lý liên quan đến thời gian thực hiện và nguồn vốn đã được Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Dự án hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối tháng 9/2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện VEC thông tin.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục