Đơn hàng xuất khẩu còn gặp khó ít nhất đến hết quý II

0:00 / 0:00
0:00
Sức cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường lớn đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều ngành hàng lớn dự báo, xuất khẩu còn gặp khó về đơn hàng ít nhất đến hết quý II năm nay.
Đơn hàng xuất khẩu còn gặp khó ít nhất đến hết quý II

Vẫn chưa hết khó

Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép sụt giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 8,2 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu túi xách giảm 6,5%, mang về 1,553 tỷ USD. Như vậy, sau 5 tháng, cả giày dép và túi xách đạt 9,75 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, mức độ sụt giảm đơn hàng của ngành hiện khoảng 30%, phản ánh đúng tình hình kinh tế hiện nay. Thiếu đơn hàng dẫn tới doanh nghiệp gặp khó, lao động thiếu việc làm.

Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.

Đặc biệt, các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng khoảng 10% sản lượng cho thị trường nội địa, còn 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu.

Dự báo tình hình thị trường xuất khẩu trong những tháng tới, bà Xuân nhận định: “Khó khăn còn kéo dài đến hết quý II. Có thể, từ quý III, thị trường mới dần hồi phục”.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại này cũng chỉ ở mức tốt hơn so với quý I và II/2023, rất khó để đạt được mức tăng trưởng như những năm trước. Theo đó, ngành da giày khó đạt được kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tôm vốn là mặt hàng đóng góp kim ngạch lớn nhất của ngành thủy sản, nhưng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối chiếu con số thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cùng kỳ năm trước, riêng tháng 4/2022, con tôm mang về 442 triệu USD, tăng 47%, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm 4 tháng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp ngành tôm.

Kinh tế khó khăn, lạm phát tăng, khiến người tiêu dùng tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều giảm mua tôm từ Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm) giảm mua tới 45%. Qua 4 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ mới đạt 159 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng tôm vào Mỹ quý I thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Không chỉ Việt Nam, hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu đều thận trọng nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến tháng 8/2023, nhập khẩu tôm tại Mỹ mới có thể sôi động trở lại”, Vasep dự báo.

Nhìn rộng ra toàn ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng giảm tới 28%, đạt 3,371 tỷ USD, tình hình xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc về đơn hàng.

Kỳ vọng sức mua cuối năm

Trong báo cáo hoạt động công nghiệp, thương mại 5 tháng đầu năm công bố đầu tuần này, Bộ Công thương cho biết, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.

Cụ thể, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; còn các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á, thì ít chịu tác động hơn.

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ, đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.

“Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp”, Bộ Công thương nhận định.

Một điểm tựa được các ngành hàng kỳ vọng là hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, với những ưu đãi về thuế quan, sẽ tiếp tục giúp hàng hóa của Việt Nam tăng sức cạnh tranh, mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục