Đơn hàng cải thiện, sản xuất gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam bận rộn ngay từ đầu năm nhờ vào lượng đơn đặt hàng mới từ nhiều thị trường lớn được cải thiện.
Dệt may và da giày đang có sự khởi sắc trở lại trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch xấp xỉ 8 tỷ USD, bất chấp khoảng thời gian này có gần chục ngày nghỉ Tết. Ảnh: Chí Cường Dệt may và da giày đang có sự khởi sắc trở lại trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch xấp xỉ 8 tỷ USD, bất chấp khoảng thời gian này có gần chục ngày nghỉ Tết. Ảnh: Chí Cường

Sản xuất bận rộn

Nhiều ngành công nghiệp chính yếu của Việt Nam bận rộn ngay từ đầu năm khi số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 2/2021.

Dữ liệu công bố tháng 2 của IHS Markit (Công ty chuyên cung cấp các thông tin, phân tích và các giải pháp quan trọng cho các ngành và thị trường lớn) cho thấy, mức cải thiện tích cực trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Theo IHS Markit, đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục được duy trì, trong khi sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, từ đó giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh tổng thể. Như vậy, đây là tháng thứ 6 liên tiếp, Việt Nam có số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới được hỗ trợ khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại cùng những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thị trường quốc tế cải thiện.

Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, Andrew Harker, cho rằng, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát Covid-19 và nếu lần này tiếp tục thành công, lĩnh vực sản xuất hy vọng tiếp tục tăng trưởng.

Xuất khẩu sụt giảm gần 6 tỷ USD trong năm 2020, dệt may và da giày đang có sự khởi sắc trở lại trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch xấp xỉ 8 tỷ USD, bất chấp khoảng thời gian này có gần chục ngày nghỉ Tết.

Phân tích kỹ hơn, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu hàng dệt và may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ, giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% đã cho thấy sự phục hồi.

Tuy vậy, khởi sắc ấn tượng hơn cả lại là đồ gỗ, khi xuất khẩu 2 tháng ghi nhận 2,45 tỷ USD, tăng 51%, trong đó sản phẩm gỗ đạt 1,954 tỷ USD, tăng tới 66%. Sản xuất gỗ nhận thêm nhiều đơn hàng trong cả năm 2020 trong khi nhiều ngành giảm tốc vì dịch bệnh và tiếp tục ghi điểm về sản xuất, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2021.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố chính dẫn đến sản lượng tăng trở lại và các công xưởng, nhà máy sáng đèn nhiều giờ trong ngày. IHS Markit do đó đã dự báo sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng 6,8% trong năm nay.

Doanh nghiệp tuyển thêm lao động

Sản xuất được cải thiện, đơn hàng gia tăng đã kéo theo nhu cầu lớn về lao động. Ra Tết, nhiều doanh nghiệp đã công bố tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa thông tin, với 200 doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn tỉnh, sử dụng gần 100.000 lao động, dệt may đang chịu cạnh tranh lao động với các ngành sản xuất khác như điện tử, giày dép, hàng tiêu dùng…

Khu vực đóng đô nhiều doanh nghiệp dệt may lớn của cả nước với hàng loạt KCN tại Bình Dương cũng trong dòng chảy tiếp nhận lượng đơn hàng tăng trở lại, từ đó kích cầu sản xuất, xuất khẩu .

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEX) thông tin, nhiều doanh nghiệp trong các KCN tại đây đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8. Riêng May Sài Gòn 3 đã ký đơn hàng quần jeans, kaki xuất sang Nhật đến hết quý II. Saigon Garmex, Việt Tiến... cũng có đơn hàng tốt.

“Việt Nam đang có lợi thế là lao động ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, nên các nhà mua hàng yên tâm đặt hàng trở lại, thêm cả đơn hàng mới, thuận lợi cho doanh nghiệp nhấn ga sản xuất”, ông Hồng nhận định.

Theo khảo sát xu hướng tuyển dụng mới nhất của ManpowerGroup Việt Nam, đối với 442 đại diện doanh nghiệp thuộc 16 ngành nghề khác nhau trên toàn quốc hồi tháng 1/2021 ghi nhận, các doanh nghiệp trong nước thuộc nhiều ngành nghề khác nhau dự đoán nhu cầu tuyển dụng sẽ phục hồi.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết xu hướng tuyển dụng trong nửa đầu năm 2021 được dự đoán sẽ tăng cao hơn so với hai quý cuối năm 2020. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 56% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng, và 37,3% cho biết, vẫn duy trì số lượng nhân viên hiện tại. Chỉ có 6,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ giảm tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng cấp cao và Tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, với việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ và ý thức chấp hành chống dịch tốt của người dân, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực với nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng.

Thêm nữa, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trong nước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2021 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất kim loại tăng 30,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 10,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,1%.

Nguồn: Bộ Công thương

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục