Đơn giản thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN bảo hiểm

(ĐTCK-online) Năm 2011 là mốc quan trọng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam khi nhiều chế định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện thêm một bước sau hơn 11 năm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được ban hành. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN bảo hiểm, vẫn còn nhiều rào cản thủ tục hành chính ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường.
Các DN bảo hiểm gặp nhiều vướng mắc trong việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện Các DN bảo hiểm gặp nhiều vướng mắc trong việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện

Hiện nay, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, DN bảo hiểm muốn triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh cần phải có đề án kinh doanh. Các DN cho rằng, quy định này là không cần thiết vì bản thân mỗi DN đều có định hướng kinh doanh nhất định khi hướng tới một đối tượng bảo hiểm mới. Theo đề xuất của các DN, chỉ cần DN đáp ứng được điều kiện về năng lực tài chính, vốn theo các quy định của pháp luật thì Bộ Tài chính nên cấp phép để DN triển khai. Việc kinh doanh lỗ/lãi là bài toán kinh doanh mà DN phải tự tính toán. Không nên yêu cầu gửi đề án kinh doanh của sản phẩm, gây mất thời gian cho các DN vì xét cho cùng, đối với mỗi dự án kinh doanh chưa triển khai thì khó mà ước tính được kết quả kinh doanh hàng năm, số lượng khách hàng dự kiến.

Các DN bảo hiểm cũng gặp vướng mắc trong việc thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện. Lý do là các văn bản hướng dẫn thủ tục thành lập chi nhánh chưa đầy đủ và thống nhất. Trong đề án thành lập và hoạt động của chi nhánh mới, DN phải trình bày nhiều nội dung không cần thiết. Theo các DN, Bộ Tài chính nên liệt kê toàn bộ các văn bản, hồ sơ cần thiết có liên quan khi xin giấy phép để các DN có thể chuẩn bị đầy đủ trước khi gửi hồ sơ. Thực tế, với một số DN bảo hiểm, rất nhiều hồ sơ được Bộ Tài chính yêu cầu bổ sung sau khi đã khẳng định là đầy đủ.

Nội dung đề án thành lập và hoạt động của chi nhánh mới cũng nên ngắn gọn hơn, chỉ nên tập trung vào mục đích thành lập; tư cách pháp lý; nội dung và phạm vi hoạt động; mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ; kế hoạch kinh doanh 3 năm.

Theo Thông tư số 155/2007/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục báo cáo khi thay đổi địa điểm, DN phải gửi đến Bộ Tài chính các tài liệu sau: văn bản đề nghị thay đổi địa điểm; văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền của DN theo quy định tại Điều lệ DN về việc thay đổi địa điểm và bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm. Thông tư 155 không quy định rằng, việc thay đổi địa điểm phải có công văn chấp thuận của Bộ Tài chính. Trong khi đó, Điều 12.1(b) Nghị định 41/2009/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền 30 triệu đồng đối với DN bảo hiểm thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN bảo hiểm mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản".

Trong một văn bản mới ban hành, Thông tư 93/2010/TT-BTC, Bộ Tài chính lại chỉ yêu cầu thông báo bằng văn bản và không buộc DN phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Quy định này ban hành vào tháng 6/2010, sau khi Nghị định 41 có hiệu lực. Vậy liệu Thông tư 93 có thể thay thế quy định của Nghị định 41?

Các DN bảo hiểm đề xuất, bỏ quy định tại Điều 12.1 (b) Nghị định 41 vì việc thay đổi địa điểm của các văn phòng trực thuộc DN chỉ là hành vi hành chính thông thường trong công việc kinh doanh và sự thay đổi địa điểm này vẫn hoàn toàn nằm trong khu vực tỉnh/thành phố đã được Bộ Tài chính cấp phép. Các DN kiến nghị, thay câu "phải có công văn chấp thuận của Bộ Tài chính" bằng câu "phải gửi công văn thông báo đến Bộ Tài chính ít nhất là 15 ngày trước ngày thay đổi địa điểm".

Liên quan đến thủ tục cung cấp hồ sơ bệnh án, hiện có tình trạng xảy ra trên cả nước là việc thu thập hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn từ phía các bệnh viện. Mặc dù đã có Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định về việc các bệnh viện được cung cấp bệnh án cho các DN bảo hiểm, nhưng trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, các bệnh viện từ chối cung cấp hoặc yêu cầu DN bảo hiểm phải có giấy uỷ quyền của bệnh nhân đã được cơ quan nhà nước xác nhận hoặc chỉ cho đọc bệnh án tại chỗ. Do đó, các DN kiến nghị, trong quy chế bệnh viện nên xem xét đưa vào nghĩa vụ cung cấp thông tin bệnh án có liên quan để phục vụ công tác xem xét chi trả bồi thường bảo hiểm.

Về thủ tục đăng ký kinh doanh, thời hạn cấp giấy phép kinh doanh và ghi nhận những sửa đổi, bổ sung trong giấy phép của các sở kế hoạch và đầu tư thường trễ hơn so với thời hạn 5 ngày mà Nghị định 43/2010/NĐ-CP đã quy định nếu hồ sơ đã hợp lệ. Các DN bảo hiểm kiến nghị, trong trường hợp sở kế hoạch và đầu tư không thể thực hiện đúng thời hạn thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho DN nếu thiệt hại này là hậu quả trực tiếp của việc sở không tuân thủ đúng quy định về thời hạn.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục