Cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ hào hứng đón nhận báo cáo việc làm mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo thêm 379.000 việc làm trong tháng 2/2021, cao hơn nhiều so với con số 210.000 được các chuyên gia dự báo trước đó, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,3% xuống 6,2%.
Tốc độ tuyển dụng mạnh nhất được nhìn thấy ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vốn chịu tác động lớn do những hạn chế kinh doanh do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với 355.000 việc làm mới được tạo ra.
Dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến cho thấy chương trình tiêm chủng vắc-xin và kích thích tài chính từ chính quyền đang tạo ra động lực mạnh mẽ đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng
Mặt khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thiết lập đỉnh cao mới của một năm ở mức 1,626% trước khi đóng cửa ở mức 1,567% trong phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, đỉnh mới của lợi suất không còn gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu như trong những phiên trước và đà tăng ổn định của lợi suất trái phiếu Mỹ góp phần hỗ trợ xu hướng đi lên của Phố Wall.
Trong khi đó, dự luật viện trợ tài chính trị giá 1.900 tỷ USD đã được Thượng viện thông qua vào hôm thứ Bảy sau phiên họp căng thẳng kéo dài 2 ngày với số phiếu sít sao 50/49 và không có thượng nghị sĩ Cộng hoà nào bỏ phiếu thuận. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký duyệt dự luật này trước khi các gói trợ cấp thất nghiệp hết hạn ngày 14/03.
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Dow Jones tăng 572,16 điểm (+1,85%), lên 31.496,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 73,47 điểm (+1,95%), lên 3.841,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 196,68 điểm (+1,55%), lên 12.920,15 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,82%, chỉ sổ S&P 500 tăng 0,81%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,06%.
Chứng khoán châu Âu đóng cửa giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu do chịu áp lực trước đà tăng vững chắc của lợi suất trái phiếu Mỹ, bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực tại nền kinh tế lớn nhất lục địa.
Cụ thể, các đơn đặt hàng đối với hàng hóa do Đức sản xuất đã tăng gấp đôi so với dự kiến trong tháng 1/2021 do nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nước ngoài. Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu tại thị trường nước ngoài sẽ hỗ trợ sản xuất của khu vực đồng euro trong năm nay.
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,36 điểm (-0,31%), xuống 6.630,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 135,65 điểm (-0,97%), xuống 14.056,34 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 48,00 điểm (-0,82%), xuống 5.782,65 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,27%, chỉ số DAX tăng 0,97%, chỉ số CAC40 tăng 1,39%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu lớn, chịu ảnh hưởng việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Chứng khoán Trung Quốc đi ngang trong bối cảnh chính phủ nước này công bố mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn chỉ trên 6%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm sâu với đà bán ồ ạt tại nhóm cổ vật liệu và công nghệ. Chứng khoán Hàn Quốc cũng suy yếu do chịu ảnh hưởng của phiên lao dốc đêm trước đó trên phố Wall.
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 65,79 điểm (-0,23%), xuống 28.864,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,50 điểm (-0,04%), xuống 3.501,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,5 điểm (-0,47%), xuống 29.098,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 17,23 điểm (-0,57%), xuống 3.026,26 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,20%, chỉ số Hang Seng tăng 0,41%, chỉ số KOSPI tăng 0,44%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu nhích nhẹ không đáng kể khi dòng tiền bắt đáy xuất hiện nhờ việc vàng đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.700 USD/ounce trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 5/3, giá vàng giao ngay tăng 3,20 USD USD (+0,19%), lên 1.700,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,20 USD (-0,13%), xuống 1.698,50 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,04%, giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,75%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, có 4 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 8 người cho rằng giá vàng giảm và 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.482 người tham gia, 40% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 16% cho rằng giá vàng giảm và 44% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua, chạm mức cao nhất trong hơn một năm, được hỗ trợ bởi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến của Mỹ và quyết định không tăng nguồn cung cho đến cuối tháng 5 của OPEC+.
Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II và 80 USD/thùng trong quý III năm nay. UBS đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và WTI lên 72 USD trong nửa cuối năm 2021.
Kết thúc phiên 5/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,26 USD (+3,42%), lên 66,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,62 USD (+3,78%), lên 69,36 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 7,4%, dầu Brent tăng 5,2%.