Dọn dẹp điều kiện kinh doanh kiểm toán: Giảm nguy cơ “đi đêm”

(ĐTCK) Việc Bộ Tài chính đề xuất cắt bỏ điều kiện về số lượng khách hàng của năm liền trước khi xin được chấp thuận kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, được kỳ vọng sẽ giảm nguy cơ doanh nghiệp kiểm toán có thể “đi đêm” với khách hàng.
Dọn dẹp điều kiện kinh doanh kiểm toán: Giảm nguy cơ “đi đêm”

Trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh áp dụng với các công ty kiểm toán lần này, Bộ Tài chính đề xuất phương án “làm thoáng” khá nhiều điều kiện áp dụng đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, để được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng, tổ chức kiểm toán phải đáp ứng nhiều điều kiện, như có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; có hệ thống kiểm soát chất lượng được xây dựng phù hợp với quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định; không thuộc các trường hợp không được xem xét, chấp thuận theo quy định; nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán theo quy định…

Xét thấy các quy định này là không cần thiết, hoặc đã nằm trong các quy định khác, Bộ Tài chính đề xuất bỏ các điều kiện trên.

Điểm đáng chú ý là trong lần đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này, Bộ Tài chính còn đề xuất bỏ điều kiện “trường hợp tổ chức kiểm toán đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ, thì phải có thêm điều kiện là đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm (hoặc báo cáo soát xét báo cáo tài chính) cho tối thiểu 20 đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán”. Đề xuất này đã nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán.

Một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán nhìn nhận, điều kiện này tạo sức ép lớn phải giữ chân khách hàng lên công ty kiểm toán. Bởi chỉ cần không đáp ứng điều kiện này, công ty kiểm toán sẽ bị loại ra khỏi sách đơn vị kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Đáng nói là khi bị loại khỏi danh sách được kiểm toán trong năm kế tiếp, doanh nghiệp kiểm toán mất luôn 100% khách hàng là doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán đã ký hợp đồng kiểm toán của năm cũ. Áp lực giữ khách hàng đang làm tăng sức ép công ty kiểm toán phải thỏa hiệp nhiều hơn với khách hàng. Hệ quả là tác động tiêu cực đến chất lượng kiểm toán.

Cũng theo vị chuyên gia này, kinh nghiệm ở nhiều thị trường trên thế giới cho thấy, để tránh cho công ty kiểm toán chịu sức ép thỏa hiệp với khách hàng, họ chỉ khống chế trong thời gian bao lâu, thì doanh nghiệp niêm yết phải thay đổi công ty kiểm toán. Như vậy, sẽ loại bỏ được những tác động tiêu cực do yếu tố thân quen, mà không đặt ra các điều kiện như trên...

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến tán đồng với đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kiểm toán, thì vẫn còn một số băn khoăn với phương án Bộ Tài chính đưa ra lần này. Cụ thể, theo quy định hiện hành, để được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, tổ chức kiểm toán phải còn phải đáp ứng điều kiện có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 15 người trở lên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất bỏ cụm từ “trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”… Nhiều người đặt câu hỏi: Điều này liệu có đồng nghĩa với việc các tổ chức kiểm toán phải có thêm kiểm toán viên hành nghề để đáp ứng điều kiện 15 người là kiểm toán viên hay không?

Nếu đúng, điều này có thể làm hẹp thêm “cánh cửa” với các công ty kiểm toán được tham gia vào phân khúc khách hàng này, vô hình trung dồn khách hàng vào một số công ty kiểm toán, tạo áp lực lên chất lượng của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, liên quan đến điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Luật Kiểm toán độc lập quy định, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện như có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật… Bộ Tài chính đề xuất cắt các giảm điều kiện này khi sửa Luật Kiểm toán độc lập.

Có ý kiến nhìn nhận, kiểu cắt giảm điều kiện như trên nặng về hình thức, bởi dù có cắt giảm hay không các điều kiện trên, các tổ chức kinh doanh muốn được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực kiểm toán đã phải định hình pháp nhân trước khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này.     

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục