“Mức độ được”
Đó là nguyên văn cụm từ mà ông Muôn sử dụng để nói về sức hấp thụ của thị trường hiện tại đối với lượng cổ phần mà các DNNN chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) từ đầu năm tới nay, tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), do đơn vị này phối hợp với nhà tư vấn - CTCK BSC tổ chức cuối tuần qua.
Câu trả lời trên được ông Muôn đưa ra để giải đáp cho câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm là: Sức hấp thụ của thị trường hiện khá hạn chế, nhưng tại sao Nhà nước lại dồn dập tổ chức IPO hàng loạt tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Vietnam Airlines. Ông Muôn còn cho biết thêm, 10 tháng đầu năm 2014, đã cổ phần hóa được 100 DNNN, nâng số DNNN được CPH tới nay lên con số hơn 4.000. Nhìn lại giai đoạn từ 2011-2013, số lượng DN CPH rất thấp, không phù hợp với lộ trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, do đó, giai đoạn 2014-2015, Chính phủ đưa ra kế hoạch CPH 432 DN...
Cũng theo ông Muôn, thời gian qua, có nhiều công ty đưa ra IPO đã được thị trường mua hết, hoặc gần hết số cổ phần chào bán, như trường hợp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, một số tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải…
Nhiều tổng công ty đang xây dựng phương án CPH, IPO theo hướng bán 100% cổ phần ra bên ngoài. Tuy nhiên, có những công ty đưa cổ phần ra IPO, nhưng thị trường không hấp thụ hết. Chủ trương của Chính phủ là với những DNNN chưa tổ chức IPO được, thì vẫn chuyển đổi sang công ty cổ phần, với cổ đông Nhà nước nắm giữ chủ yếu, cùng với các cổ đông khác gồm: người lao động, tổ chức công đoàn, cổ đông chiến lược hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)…
Đây là bước tạo hàng hóa sẵn, để khi thị trường, NĐT có nhu cầu, Nhà nước sẽ bán bớt cổ phần tại các DN. Thị trường cần nhiều, thì Nhà nước tổ chức nhiều đợt bán cổ phần, còn mua ít thì bán ít.
“Cổ đông Nhà nước, DNNN và NĐT giống như hai mặt của một tờ giấy. Khi Nhà nước đưa ra phương án CPH, IPO, mà thiếu sự quan tâm của NĐT thì khó thành công. Sự quan tâm của NĐT trong và ngoài nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến trình CPH…”, ông Muôn nói và cho biết thêm, CPH DNNN có nhiều mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là xã hội hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DNNN, cải thiện quản trị DN, để DN sau CPH hoạt động tốt hơn. DNNN nói chung, Vietnam Airlines nói riêng còn nhiều khuyết tật, nên chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần là để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Tiến lên phía trước thì sẽ có nhiều con đường, còn ngồi một chỗ chỉ có một con đường. Đứng trước tình huống phải quyết định, thì tốt nhất là khi đưa ra quyết định đúng, cái gần như tốt nhất là quyết định sai, còn tồi tệ nhất là chúng ta không quyết định gì cả”, ông Muôn chia sẻ cách nhìn về triển khai CPH.
Giải đáp mối quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước liên quan trực tiếp đến phương án CPH, IPO Vietnam Airlines, ông Muôn cho biết, sau CPH, Bộ Giao thông Vận tải vẫn là đơn vị đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại tổng công ty này, chứ chưa chuyển về SCIC. Phần thặng dư vốn từ bán cổ phần trong đợt IPO sắp tới là tiền của Nhà nước. Phần vốn này sẽ do Nhà nước quản lý và sử dụng cho mục đích tăng phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines sau CPH.
Không dễ tìm cổ đông chiến lược
“Nhiều DNNN khi chưa CPH được nhiều người quan tâm. Tôi làm việc ở Văn phòng Chính phủ, có nhiều NĐT đến đề nghị ủng hộ họ trở thành cổ đông chiến lược của nhiều DN. Nhưng vấn đề là hai DN có làm việc được với nhau, có tìm ra được điểm chung hay không. Chúng ta đề ra tiêu chí, điều kiện khi tìm NĐT chiến lược, nhưng phía NĐT, họ cũng có điều kiện chi tiết khi định trở thành cổ đông chiến lược của một DN nào đó”, ông Muôn chia sẻ và cho biết thêm, từ kinh nghiệm tìm cổ đông chiến lược cho VCB, BIDV, thì đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp.
Tuy nhiên, ông Muôn khẳng định, dù chưa tìm được cổ đông chiến lược, Vietnam Airlines vẫn chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chứ không có gì phải… hoảng hốt. Khi nào tìm được cổ đông chiến lược đáp ứng tốt yêu cầu đề ra thì mới bán, để hỗ trợ Vietnam Airlines hoạt động hiệu quả hơn so với hiện tại.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, sau IPO, Vietnam Airlines sẽ niêm yết trên sàn UPCoM (HNX), hay niêm yết thẳng lên HOSE, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines cho biết, từ nay đến tháng 3/2015, Tổng công ty tập trung vào mục tiêu hoàn thành CPH. Tiếp đó, Vietnam Airlines cam kết sẽ tích cực thực hiện đúng quy định về niêm yết cổ phiếu trên TTCK, tuy nhiên, hiện Tổng công ty vẫn chưa chốt phương án đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE hay HNX. |