Trong 2 tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp lớn có kế hoạch IPO, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), cùng những cái tên như: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC, đợt thoái vốn của SCIC tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)…
Nếu tính theo hồ sơ đã được các sở công bố chính thức, sẽ có 7 phiên đấu giá trong tháng 11 tại HNX và 4 phiên tại HOSE.
Sở dĩ các đợt IPO có diễn biến sôi động và hấp dẫn dòng tiền bởi đây đều là các doanh nghiệp đầu ngành, hoặc hoạt động trong lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tốt, quy mô lớn. Chưa kể, theo Thông tư 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sau IPO sẽ tự động lên sàn UPCoM sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá.
Chính vì vậy, nhà đầu tư mạnh dạn “xuống tiền” hơn cho các đợt đấu giá này. Đáng chú ý, trong các đợt IPO vừa qua và dự báo trong thời gian tới, sẽ có nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm và tham gia.
Trong số các đợt IPO được mong chờ, BSR là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất được mang ra cổ phần hóa ở thời điểm hiện nay, với con số 35.000 tỷ đồng. Mới đây, Công ty đã công bố thông tin về chuyến thăm và làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa BSR của Tập đoàn Tín Thành. Đặc biệt, Tín Thành sẽ xem xét mua 5% cổ phần của BSR có giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của Công ty. Theo kế hoạch tiến hành IPO trong quý IV, hiện BSR đang xây dựng kế hoạch IPO, gửi thư mời nhà đầu tư tham gia mua cổ phần và đầu tư vào công ty đến các ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
9 tháng đầu năm nay, BSR tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu đạt 54.982 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 6.522 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 341,7% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) là 16,09% cao hơn con số cùng kỳ là 3,62%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 9,94%, trong khi 9 tháng năm 2016 là 2,24%.
Hai đợt đấu giá đáng chú ý khác cũng thuộc PVN là PV Oil và PV Power, trong đó, PV Oil là một trong 2 doanh nghiệp phân phối bán lẻ xăng dầu hàng đầu, dự kiến chào bán 20%, tương đương 210 triệu cổ phần và kế hoạch bán 44,7% cổ phần cho đối tác chiến lược. Nếu đấu giá thành công và tìm được nhà đầu tư chiến lược, vốn nhà nước tại doanh nghiệp này sẽ giảm xuống còn 35,1%.
Bên cạnh đó, PV Power là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 trên cả nước, dự kiến IPO trong tháng 12 thông qua việc chào bán 20% vốn điều lệ 21.774 tỷ đồng (tương đương hơn 468 triệu cổ phần), giá khởi điểm dự kiến 14.329 đồng/cổ phần.
Một cái tên không thể không nhắc tới là “đại gia” bất động sản Bình Dương - Becamex IDC. Becamex gây ấn tượng với dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thu hút khoảng 660 dự án với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD; dự án Khu công nghiệp và Đô thị Mỹ Phước (4.500 hecta), Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bàu Bàng (trên 4.000 hecta); dự án Thành phố mới Bình Dương. Hiện Becamex đang có khoảng 28 công ty thành viên, trải rộng trên nhiều lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, dược phẩm, y tế, giáo dục và khai thác khoáng sản…
Theo phương án cổ phần hóa, Becamex IDC sẽ đấu giá hơn 311,2 triệu cổ phần trong tổng số vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, giá khởi điểm dự kiến khoảng 31.000 đồng/cổ phần, Nhà nước vẫn giữ chi phối 51% sau cổ phần hóa. Sau IPO, Becamex sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược (dự kiến) là 267.000.000 cổ phần. nếu đấu giá thành công với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, Becamex IDC có thể thu về khoản tiền hơn 9.600 tỷ đồng.