Đón cơ hội từ các đợt thoái vốn của Vinachem

(ĐTCK) Không ít mã cổ phiếu trong danh sách thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được nhận định là cơ hội đầu tư tốt như PAC, DRC, CSM…
Đón cơ hội từ các đợt thoái vốn của Vinachem

Nhiều ý kiến cho rằng, Vinachem cần thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp trong năm ngoái, nhưng một phần do thị trường diễn biến khó lường, từ quý II/2018 đã không như kỳ vọng, nên năm 2018 chưa có động thái thoái vốn cụ thể nào. Ðây chính là áp lực buộc Vinachem phải nỗ lực thực hiện thoái vốn trong năm 2019, nếu không thì rất có thể sẽ “vỡ kế hoạch”.

Việc Vinachem thoái vốn được kỳ vọng là động lực hỗ trợ cho giá cổ phiếu, đặc biệt khi có nhiều hơn một nhà đầu tư tiềm năng bày tỏ quan tâm và khả năng sẽ thoái vốn qua sàn theo quy định mới.

Diễn biến rõ ràng hơn ở một số doanh nghiệp cho thấy, bản thân doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho một cuộc thay đổi cơ cấu sở hữu lớn. Trong năm 2018, lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) cho rằng, nhanh nhất là quý IV/2018 và chậm nhất là năm 2019, Vinachem sẽ thoái vốn tại CSM, với xu hướng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%, đến năm 2020 tiếp tục thoái vốn và CSM trở thành công ty đại chúng thực sự.

Tương tự, đại diện Vinachem chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng (DRC) rằng, Bộ Công thương đã phê duyệt đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại DRC xuống 36% và số lượng cổ phiếu bán ra tương đương 14,51% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Còn tại Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PAC), Bộ Công thương cũng đã phê duyệt đề xuất giảm sở hữu của Vinachem xuống 36%, với khối lượng bán ra tương đương 15,43% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Thông thường, quá trình hoàn tất các thủ tục thoái vốn kéo dài gần 5 tháng, nên thời điểm thoái vốn được kỳ vọng sẽ diễn ra vào cuối năm 2018, nhưng thực tế, việc này đã không diễn ra và mốc thời gian mới được dự báo là trong nửa đầu năm 2019.

Riêng đối với PAC, nguồn tin của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, trong quý III/2018, đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo định giá để xác định giá thoái vốn tại PAC. Dĩ nhiên, thời điểm thoái vốn cuối cùng vẫn do Vinachem quyết định.

Sở dĩ CSM, DRC, SRC và PAC được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi đây là những doanh nghiệp có nền tảng hoạt động ổn định, được thị trường đánh giá là cổ phiếu cơ bản và có dư địa tăng trưởng.

Ðối với PAC, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp FDI, thị phần của Công ty vẫn duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Ðáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của PAC, Furukawa Battery (FB) là cổ đông lớn thứ hai, sở hữu khoảng 10,54% vốn điều lệ và được xem là đối tác chiến lược của Công ty. Theo một số nguồn tin, cổ đông này bày tỏ sự quan tâm tham gia mua cổ phần PAC mà Nhà nước sẽ thoái vốn.

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, trong năm 2018, FB và PAC chưa có ký kết nào về việc chuyển giao công nghệ, nguyên nhân chính là FB đưa ra những yêu cầu quá khắt khe, khiến PAC khó đáp ứng được, chẳng hạn mức giá chuyển giao công nghệ cao; không được phép xâm nhập vào thị trường hiện tại của FB…

Với DRC và CSM, cả hai doanh nghiệp đều được xem là đầu ngành, có lợi thế về quy mô, thương hiệu, năng lực sản xuất cũng như hệ thống phân phối. Một số công ty chứng khoán nhận định, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cao su đến từ thị trường lốp ô tô vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, với dự báo tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng trưởng 22,6%/năm trong giai đoạn 2018 - 2025.

Thị trường săm lốp thế giới được dự báo tăng bình quân trên 6%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020, tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương, là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp săm lốp trong nước.

Dù diễn biến giá nguyên liệu chính là cao su thiên nhiên và dầu thô thế giới biến động, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành, cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa cũng như lốp giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng cả DRC, CSM đều được đánh giá là cơ hội đầu tư đáng xem xét trong trung và dài hạn.

Nguồn tin của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán chia sẻ, mức giá thoái vốn nhà nước tại DRC và CSM dự kiến cao hơn so với thị giá hiện nay. Trên sàn, giá cổ phiếu CSM đang tích lũy ở vùng 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu; DRC quanh 22.000 đồng/cổ phiếu. Ðặc biệt, một trong hai doanh nghiệp này đã xuất hiện nhóm cổ đông muốn gom mua cổ phần từ đợt thoái vốn của Vinachem.         

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục