Đánh thức những siêu dự án ngủ quên
Theo các chuyên gia quy hoạch, khu Tây Bắc là khu vực hết sức quan trọng với sự phát triển của TP.HCM, đặc biệt là theo hướng phát triển lâu dài của Thành phố thì đây sẽ là “khu đô thị Thủ Thiêm thứ 2”.
Với tầm quan trọng đó, năm 2000, TP.HCM đã công bố quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn). Mục đích của quy hoạch này là biến khu Tây Bắc thành khu đô thị vệ tinh của Thành phố nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển nhanh khu vực, kể cả các huyện giáp ranh của tỉnh Long An, Tây Ninh; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp; sử dụng có hiệu quả hơn quỹ đất hiện hữu, góp phần cải thiện đời sống người dân qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm mới; tăng quỹ đất phát triển đô thị ở ngoại vi Thành phố, góp phần giảm áp lực dân cư trong khu vực nội thành, điều hoà dân số, lao động ở các khu vực hiện tập trung quá đông, quá tải về giao thông và khó khăn về tổ chức môi trường sống đô thị.
Khu đô thị này gồm nhiều dự án thành phần như Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT), diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, do Công ty Berjaya Land Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, được UBND TP.HCM cấp phép từ năm 2008.
Với tiềm lực tài chính mạnh của chủ đầu tư đến từ Malaysia, nhiều người tin rằng, dự án sẽ giúp khu vực này “lột xác” toàn diện, tạo diện mạo mới cho phía Tây Bắc Thành phố. Song hàng chục năm qua, dự án này vẫn “án binh bất động”, đẩy người dân trong vùng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Ảnh: Gia Huy
Một siêu dự án khác ở khu vực này là Dự án Khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH một thành viên An Phú, có tổng diện tích hơn 650 ha, nằm trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn. Khi bắt đầu triển khai đầu tư, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ xây dựng An Phú Hưng không thua kém Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở quận 7, nhưng đến nay, chủ đầu tư mới đền bù được 0,56% diện tích, tương đương 7 ha và chưa có phương án tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, còn hàng chục dự án đô thị khác gồm cả nhà phố, biệt thự, chung cư cũng nằm trong quy hoạch này. Mặc dù vậy, đến nay, các dự án này cũng chưa hề động đậy.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc chưa thể phát triển được vì giao thông kết nối tại đây nhiều năm qua chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, quy hoạch trước đây giới thiệu tổng quan Khu đô thị Tây Bắc không phù hợp với thời điểm hiện tại.
Do đó, tháng 7/2017, UBND TP.HCM đã sửa đổi bản quy hoạch dự án này để dễ kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc của Thành phố.
Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ theo hướng kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch các khu chức năng đô thị mới 4.500 ha và quy hoạch chỉnh trang khu dân cư hiện hữu 1.600 ha.
Với dự án sân golf Củ Chi, Thành phố giao UBND huyện Củ Chi và Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc phải giải quyết dứt điểm tồn đọng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 6,4ha để bàn giao mặt bằng dự án cho nhà đầu tư.
Đòn bẩy cho dự án hồi sinh
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, không còn cách nào khác là phải đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Do vậy, trong thời gian qua, Thành phố đã và đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông hướng tâm như Quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15…
“Hiện nay, Sở đã thẩm định xong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp đồng BT), đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76 km, thuộc công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60 km/h. Dự kiến, thời gian thi công trong 2 năm 2017-2019 với tổng mức đầu tư 1.047 tỷ đồng”, ông Tám nói.
Trước đó, đầu năm 2017, TP.HCM đã tiến hành xây dựng hầm chui giao lộ An Sương (quận12 - Hóc Môn đi tỉnh Long An, Tây Ninh) nhằm giải quyết cấp bách điểm ùn tắc giao thông nặng nề nhất TP.HCM.
Công trình với số vốn đầu tư 514 tỷ đồng, thiết kế hầm chui đôi, gồm một hầm cho các loại xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh đi Quốc lộ 22 và một hầm cho xe lưu thông chiều ngược lại. Mỗi hầm rộng 9 - 9,5 m cho 2 làn xe, kể cả xe siêu trường, siêu trọng lưu thông với vận tốc 50 km/h.
Ngoài ra, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) với số vốn 2.173 tỷ USD cũng bắt đầu được xây dựng, nối Bến Thành (quận 1) về đường Trường Chinh và tới bến xe An Sương.
Thêm vào đó, tuyến đường vành đai 4 với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8 km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An (dài 32 km, đi qua huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM (dài 3,8 km đi qua huyện Nhà Bè), đã được hai địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng.
Ông Phạm Văn Hùng, Giảng viên Khoa vận tải, Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM cho rằng, hạ tầng giao thông như một cây đũa thần để phát triển giao thông khu Tây Bắc, góp phần biến nơi này sớm thành khu đô thị vệ tinh. Tuy nhiên hiện nay, giao thông đến với khu kinh tế Tây Bắc TP.HCM chủ yếu qua nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh - Ngã Tư An Sương - Quốc Lộ 22. Những nút giao thông này hiện nay đang quá tải, nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của cả khu Tây Bắc.
“Với các công trình giao thông trọng điểm đang và sẽ xây dựng tại khu Tây Bắc, trong tương lai không xa, khoảng cách giữa khu Tây Bắc với trung tâm Thành phố sẽ thông suốt và rút ngắn thời gian. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”, ông Hùng đánh giá.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com