Đòn bẩy giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận "lên hương"

(ĐTCK) Với đường bờ biển dài 192 km, nhiều danh thắng, hàng năm, Bình Thuận là một trong những địa phương thu hút khách du lịch lớn của cả nước. Đây được đánh giá là đòn bẩy giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận phát triển.
Ngành du lịch Bình Thuận có tốc độ phát triển rất tốt trong những năm gần đây... Ngành du lịch Bình Thuận có tốc độ phát triển rất tốt trong những năm gần đây...

Nhiều lợi thế

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận ngày 18/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, cách TP.HCM 198 km, cách TP. Vũng Tàu 150 km, TP. Đà Lạt 175 km, TP. Nha Trang 250 km; có Quốc lộ 1, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Vùng biển thuộc biển Đông, tiếp giáp đường hàng hải quốc tế. Theo Thủ tướng, đây là thế mạnh mà không phải tỉnh nào cũng có, nó sẽ là đòn bẩy cho kinh tế Bình Thuận phát triển.

Cũng nhờ những lợi thế đó, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào tỉnh Nam Trung bộ này để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến (thuỷ sản, may mặc), vật liệu xây dựng, nước khoáng, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, điện... Bên cạnh đó, Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn của cả nước (52.000 km2), trữ lượng hải sản khoảng 240.000 tấn, sản lượng khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, có diện tích hơn 4.100 ha phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại.

Bên cạnh các ngành trên, ngành du lịch cũng là thế mạnh cho địa phương này. Báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận mới đây cho thấy, chỉ trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch tỉnh đang phát triển mạnh, bắt đầu thu hút khách quốc tế tới thăm quan nghỉ dưỡng. Bình quân hàng năm lượng khách du lịch đến đây tăng từ 12 - 14%, doanh thu tăng từ 19 - 20%.

... Nhưng vẫn còn những dự án bất động sản bị bỏ hoang. Ảnh: Gia Huy 

Cụ thể, năm 2016 có hơn 4,5 triệu lượt khách đến, tăng gần 8,8% so với năm 2015, trong đó có 503.800 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 9.046 tỷ đồng (đạt 100,5%), tăng 18,4% so với năm 2015. Năm 2017, phấn đấu đón 5 triệu lượt khách (12% là khách quốc tế), duy trì tốc độ tăng trưởng 10% tổng lượng khách đến, tăng trưởng 20% doanh thu du lịch.

Tính riêng trong quý I/2017, ngành du lịch Bình Thuận đón 1.207.032 lượt khách (đạt 23,65% kế hoạch), tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 156.843 lượt khách (đạt 27,86% kế hoạch), tăng 19,92% so với cùng kỳ 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 2.900 tỷ đồng (đạt 26,33% kế hoạch), tăng 20,61% so với cùng kỳ.

Bình Thuận lôi cuốn du khách bởi những bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông… Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Poshanư, chùa Núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang…

Địa phương này đã và đang hình thành các quần thể du lịch giải trí - thể thao biển - leo núi - du thuyền - câu cá - sân golf - nghỉ dưỡng - chữa bệnh, khu vui chơi giải trí tại khu vực suối nước nóng Bưng Thị, huyện Hàm Thuận Nam, khu vực đường 706B, TP. Phan Thiết, đường Hòa Thắng - Hòa Phú, huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong… Trong đó, khu vực Mũi Né là khu du lịch quốc gia, TP. Phan Thiết là đô thị du lịch và đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia.

Hiện nay, toàn tỉnh có 424 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 13.190 phòng. Đã xếp hạng 225 cơ sở lưu trú với 9.071 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao có 3 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có 28 cơ sở với 3.142 phòng, 3 sao có 18 cơ sở với 1.379 phòng, 2 sao có 33 cơ sở với 1.427 phòng, 1 sao có 37 cơ sở với 852 phòng.

Ngoài ra, Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 1) đã thu hút đầu tư lấp đầy. Các khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Tuy Phong đang thu hút đầu tư; các khu công nghiệp Sông Bình, Tân Đức, Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II đang triển khai thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có 21 cụm công nghiệp, trong đó 6 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng, sẵn sàng thu hút các dự án công nghiệp vào đầu tư.

Bất động sản bắt đầu “lên hương”

Tuy nhiều lợi thế, nhưng thị trường bất động sản tỉnh Bình Thuận vẫn được đánh giá chưa phát triển đúng tầm. Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận đánh giá, đang có những tín hiệu tốt đến với thị trường bất động sản Bình Thuận.

Tín hiệu này đến từ làn sóng M&A như Tập đoàn TTC mua lại hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Mũi Né và TP. Phan Thiết, hay Công ty Bất động sản Phúc Khang đầu tư khu biệt thự nghỉ dưỡng tại Mũi Né, Công ty Địa ốc Thắng Lợi, Tập đoàn Dubai… đã bắt đầu phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn tại tỉnh Bình Thuận trong năm 2016.

Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận hiện vẫn chủ yếu là các khu nghỉ dưỡng cho thuê, các dự án xây dựng bán chưa nhiều

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng, thị trường vẫn cần đòn bẩy ở nhiều mặt để phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đầu tiên, tỉnh sẽ phải tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm, các điểm du lịch tiềm năng, nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các khu du lịch, các trục đường ven biển.

Phát huy tốt hệ thống Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Nha Trang, nâng cấp Quốc lộ 28, Quốc lộ 55, Quốc lộ 55B… Song song đó, Bình Thuận sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo. Bên cạnh là một điểm đến với loại hình du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lễ hội, tham quan sinh thái tự nhiên, du lịch Bình Thuận còn gắn với điểm đến của thương hiệu khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, Hòn Rơm, Hòa Thắng, La Gi, Hòn Lan…

Một điểm nhấn cho quy hoạch tỉnh Bình Thuận là xây dựng Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích trong hai giai đoạn xây dựng là 543 ha tại TP. Phan Thiết. Sân bay được khởi công tháng 1/2015 và dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2020, công suất 300 hành khách/giờ cao điểm, tương đương với 5.000 khách mỗi năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn định hướng đến năm 2030, ước tính đạt 1 triệu lượt khách và khoảng 50.000 tấn hàng hóa/năm. Chi phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 5.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để thu hút được khách du lịch và nhà đầu tư, một quy hoạch phát triển trọng tâm nữa cũng được tỉnh đưa ra thực hiện là phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển, tạo nguồn cung phòng lưu trú lớn, hấp dẫn khách du lịch tới nghỉ dưỡng.

Theo tìm hiểu phóng viên Đầu tư Bất động sản, nắm bắt được định hướng quy hoạch này, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển của Bình Thuận cũng đã vào guồng phát triển. Nổi bật là khu Sealinks của Tập đoàn Rạng Đông. Dự án này đã đưa vào kinh doanh từ 2010. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án condotel khác cũng đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai tại địa phương này.

Đánh giá thị trường bất động sản Bình Thuận, CBRE Việt Nam cho rằng, sức cầu còn yếu bởi, Phan Thiết chưa có thế mạnh về giao thông và quy hoạch, nên chưa thu hút được khách đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tỉnh có quy hoạch và bắt tay vào xây dựng các hạ tầng giao thông, thì tình hình đã thay đổi.

Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng các dự án triển khai tại đây có tốc độ bán hàng khá tốt trong năm 2016. Cụ thể, Dự án Qeen Pearl (TP. Phan Thiết) của Danh Khôi, bán được khoảng 500/900 nền, Dự án Sentosa của Hưng Thịnh bán được khoảng 200/250 nền... Đa phần khách hàng mua loại hình này đến từ TP.HCM.

“Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận hiện vẫn chủ yếu là các khu nghỉ dưỡng cho thuê, bên cạnh đó là các dự án phân lô bán nền, các dự án xây dựng bán chưa nhiều. Với sự phát triển về hạ tầng trong những năm sắp tới, kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng bán của Bình Thuận sẽ có nhiều tiềm năng hơn trong năm 2017”, CBRE nhận định.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Bình Thuận cần cân nhắc trước những dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Trước khi chọn nhà đầu tư, cần xem xét kỹ về các nhà đầu tư này, tránh tình trạng nhà đầu tư về ôm đất dự án rồi không phát triển. Hoặc cẩn trọng trong chấp thuận đầu tư những dự án bất động sản gần biển để không ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên của tỉnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục