Đối xử với … “phòng nhì”

(ĐTCK) Căn nhà thứ hai được ví von là… phòng nhì. Mà chẳng phải để nói cho vui. Thực sự tính chất cơ bản của sự việc này không khác nhau là mấy!
Đối xử với … “phòng nhì”

1. Cách nay hơn một năm, tôi đi công tác tại Đà Nẵng. Trước khi đi, tôi nói chuyện với cậu em trai đồng môn rằng sẽ ghé một trong những căn nhà của cậu để ở theo lời mời giao kết trước đây. Là một trong những nhà đầu tư Hà Nội vào Đà Nẵng khá sớm, cậu đã xây dựng 5 căn villa, quy mô lớn có, nhỏ có để cho người nước ngoài thuê, rồi chờ giá lên thì sẽ bán.

Thời gian đầu mọi chuyện suôn sẻ, nhưng rồi giá nhà tại Đà Nẵng cũng nằm trong cơn địa chấn sụp đổ trên toàn quốc, không thể khác hơn được nữa: giá cho thuê sụt giảm, bán đi ngay chưa được, đành để đó chờ thời. Trong số 5 căn ấy, cậu em giữ lại 1 để xây dựng trở thành căn nhà thứ hai của gia đình, nói theo người nước ngoài là “second home”.

Vì công việc làm ăn, ông chủ trẻ thành đạt ấy cứ 1 tuần ở Hà Nội, 1 tuần ở Đà Nẵng; việc ở trong nhà của mình đương nhiên sẽ thoải mái và thích thú hơn là khách sạn. Và đẳng cấp trong xã hội vì thế cũng khác nhau.

Nghe tôi điện thoại sẽ ra Đà Nẵng, cậu em dắt tới 1 trong những căn villa của mình để giao chìa khóa. Căn nhà xây dựng với bãi cỏ lớn phía trước. Sân vườn rộng, có xích đu, có cây hoa sứ trắng lớn, vô cùng lãng mạn. Nhà chỉ có tầng trệt với phòng ngủ kiêm phòng khách, nhà tắm vừa phải. Bếp và phòng giặt đồ nằm riêng phía sau. Giá tiền xây dựng căn nhà này được gói gọn trong 400 triệu đồng. Nói chung phù hợp với người độc thân thuê ở dài hạn.

Trước khi tôi đến ở, cậu em kể căn nhà được cho 1 giáo viên nước ngoài thuê với giá 500 USD. Tuy nhiên, sau 12 tháng thì anh bạn này chuyển vào trong nội thành để di chuyển đến chỗ làm dễ dàng hơn, cho dù căn nhà khá gần biển, thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng. Vì lý do ấy mà nhà hiện nay đang để trống.

Chỉ vào đám cỏ đã lên cao chưa có ai cắt tỉa, vào chiếc khăn tắm mới được người giúp việc mang tới đặt lên giá để đồ, ông chủ kể chuyện: “Để duy trì được căn nhà có thể ở được bất cứ lúc nào không phải là chuyện đơn giản. Đến như David Beckham cũng còn phải chào thua khi ‘nuôi’ căn nhà thứ 4. Tất cả những cách đối xử với căn nhà thứ hai trở đi, tốn kém kinh khủng. Chẳng khác gì nuôi thêm cô bồ trẻ đẹp, lại có sẵn tính đào mỏ chuyên nghiệp trong người!”.

2. Sau lần tôi ở lại căn villa để trống ấy, thì cậu em thông báo đã trưng biển để bán hoặc cho thuê tiếp, nhưng cho thuê chỉ là cách tạm thời. Việc bán đi để thu hồi vốn cũng như chấm dứt tình trạng ông chủ đi phục vụ tài sản là điều tối thượng. Tiền bạc và tài sản là phương tiện để làm “osin” cho cuộc sống của con người chứ không phải ngược lại.

Với các căn villa khác, rất hên là khách ở thuê dài hạn và ổn định. Chỉ riêng căn “second home” có hồ bơi đẹp đẽ mà cậu em giữ lại đang ở, thì cũng rất khó khăn để duy trì mọi thứ lúc nào cũng phải lung linh và sạch sẽ. Nhà của mình, nhưng gần như là người giúp việc ở suốt. Thậm chí, họ đưa cả gia đình đến bơi và sinh sống trong những ngày ông bà chủ vắng mặt.

Điều ấy dẫn đến sự khó chịu nên phải ngưng không thuê mướn người trông coi nữa. Và quyết định này lại đưa tới chuyện khác thật sự cũng chẳng dễ chịu gì hơn: cứ mỗi lần bay từ Hà Nội vào, ông bà chủ phải kêu người gấp tới lau nhà, thay dọn hồ bơi, coi lại máy lạnh, kiểm tra bình ga còn hay hết.

Nói tóm lại, sự tốn kém quá nhiều dẫn đến những mệt mỏi không đáng có. Đối xử với ngôi nhà thứ hai phải cần nhiều tình cảm lắm lắm, mới không trở thành người phũ phàng và keo kiệt.

Sau nhiều năm đi lại như thế, mới đây, cậu em thông báo đã bán khá nhiều bất động sản để tập trung xây dựng khách sạn ven biển. Có lẽ khi khách sạn đi vào hoạt động, thì căn “second home” kia chắc cũng cho thuê dài hạn, hoặc cũng có thể bán luôn cho thoải mái tinh thần!


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục