Đổi tiền mới, chuyện cũ vẫn mới

(ĐTCK) Mọi năm, ngay từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng khắp nơi, nhưng năm nay, dù sắp đến ngày ông Công, ông Táo, nhưng không khí Tết vẫn khá ảm đạm.
Đổi tiền mới, chuyện cũ vẫn mới

Tuy nhiên, có một câu chuyện đến hẹn lại lên, nằm ngoài những mảng màu xám của nền kinh tế trong nước và thế giới, “sôi” ngay từ đầu tháng Chạp, “sôi” nhất khi qua Rằm đã trở thành “quy luật”, đó là đổi tiền lẻ mới. Dù người dân có ăn Tết khiêm tốn, thì mọi gia đình đều đi đổi tiền lẻ mới để mừng tuổi trẻ con hay đi lễ chùa chiền trong những ngày đầu năm.

Một lãnh đạo cấp cao của NHNN cho biết, thời điểm cuối năm, NHNN tập trung chi tiền mặt cho các NHTM để đảm bảo cơ cấu các loại tiền trong lưu thông, trong đó, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tiền mới của người dân. Chính vì vậy, tiền mệnh giá từ 50.000 đồng trở xuống ít hơn mọi năm. Đặc biệt, năm nay khan hiếm tiền mệnh giá 500 đồng, vì NHNN đã dừng việc in ấn và phát hành, bởi giá trị lưu thông thực sự của đồng tiền này trên thị trường không cao.

Do vậy, người dân bình thường không thể vào ngân hàng để đổi tiền lẻ mới, kể cả trong trường hợp gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đó. Theo khảo sát của ĐTCK, các ngân hàng chủ yếu dành số tiền mới ít ỏi của mình cho khách hàng doanh nghiệp “chí cốt” và một số khách hàng cá nhân thực sự “đặc biệt”. Theo nhân viên giao dịch của một số NHTM, chính họ cũng đang chật vật để đổi được tiền lẻ mới.

Thậm chí, những doanh nghiệp “chí cốt” ở một số ngân hàng còn bị cắt “quota” đổi tiền lẻ mới, nên người dân bình thường muốn đổi được tiền lẻ mới cho ngày Tết cần lên kế hoạch hỏi trước những người quen biết làm việc trong ngành ngân hàng từ sớm.

Một câu chuyện cũng đến hẹn lại lên đó là đổi tiền lẻ mới trong ngân hàng thì không được, hoặc khó khăn, nhưng tại cổng chùa hay trên phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí (Hà Nội) vẫn tồn tại dịch vụ đổi tiền. Các mệnh giá như 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 VND polymer nguyên seri, chưa qua sử dụng bao nhiêu cũng có, được đổi theo tỷ lệ 10 “ăn” 9. Với các loại mệnh giá nhỏ hơn thì phí đổi cao hơn. Tiền mệnh giá 200 VND cũng có nguyên một seri, chứ chưa nói đến tiền mệnh giá 500 VND.

Mặc dù trên thị trường tự do vẫn đổi được tiền lẻ mới, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, người dân nên dần thay đổi thói quen đổi tiền mới trong dịp Tết Nguyên đán. Thứ nhất là chi phí cao. Thứ hai, bên cạnh áp lực rất lớn đối với cơ quan phát hành và hệ thống ngân hàng là nhu cầu tiền mới, mệnh giá nhỏ tăng đột biến trong một thời gian ngắn, thì khi Tết qua đi sẽ tạo sự “dư thừa” và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá. Điều này ảnh hưởng đến công tác điều hòa lưu thông tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, đồng thời gây lãng phí về của cải của toàn xã hội.

“Trên thực tế, những ngày bình thường, khi ngân hàng trả tiền tiết kiệm, khách hàng luôn yêu cầu trả tiền mệnh giá càng cao càng tốt, chứ ít khách hàng hài lòng khi được trả tiết kiệm bằng những loại tiền mệnh giá thấp”, Trưởng phòng Giao dịch của OceanBank trên đường Nguyễn Thị Định (Hà Nội) nói.

Thủy Nguyên
Thủy Nguyên

Tin cùng chuyên mục