Tháng 6/2016, UBND TP. Hà Nội mới có quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (khu B) tỷ lệ 1/500, mở đường cho Tập đoàn Vingroup thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Vinhomes Thăng Long, nhưng đến nay, Vinhomes Thăng Long đã căn bản hoàn tất các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và các khu nhà liền kề và biệt thự để bàn giao cho khách hàng.
Đây cũng là khu vực có hệ thống đường giao thông, cảnh quan hoàn thiện bậc nhất tại Nam An Khánh, thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng có nhu cầu mua nhà tại khu vực phía Tây Hà Nội.
Ngoài Vinhomes Thăng Long, tại đây còn có các dự án như Golden An Khánh của Công ty cổ phần Sông Đà - Hoàng Long, Thăng Long Victory của Công ty Phúc Hà, Gemek Tower của Geleximco và Mekong Land…
Đó là dự án của các chủ đầu tư thứ cấp nhận chuyển nhượng hạ tầng từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).
Khu đô thị mới Nam An Khánh có quy mô hơn 280 ha, thuộc địa bàn 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép đầu tư năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009.
Việc các chủ đầu tư thứ cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đang mang đến diện mạo mới cho Khu đô thị mới Nam An Khánh vốn nằm bất động một thời gian dài trước đó. Với hạ tầng kỹ thuật căn bản hoàn thiện và hạ tầng xã hội như trường học, trung tâm thương mại, khu dịch vụ đa tiện ích trong dự án của các chủ đầu tư thứ cấp, Nam An Khánh hứa hẹn trở thành khu đô thị sầm uất và sôi động trong tương lai gần.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy hoạch của Hà Nội thực chất là quy hoạch về hướng Tây - Tây Nam, lấy trục Thăng Long là chính, vì thế địa ốc phía Tây sẽ vẫn là nguồn cung chính trong các năm tới.
Thực tế, hàng loạt dự án nhà ở quy mô lớn như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Mễ Trì, Golden Place A... đã và đang được xây dựng, tạo nên một khu vực đô thị với hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.
Trong một diễn biến khác, cũng tại Khu đô thị mới Nam An Khánh, trong khi phần diện tích được Sudico nhượng lại cho các chủ đầu tư thứ cấp phát triển, tốc độ xây dựng được thi công rất nhanh, thì các sản phẩm bất động sản do Sudico đầu tư xây dựng lại triển khai khá chậm chạp.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016, Phó chủ tịch HĐQT Sudico Nguyễn Văn Bình cho biết, Nam An Khánh là dự án trọng điểm của Công ty trong năm 2016. Theo ông Bình, năm 2016, Sudico và đối tác dự kiến hoàn thành các hạng mục hạ tầng, bao gồm đường, cây xanh, cảnh quan đô thị và hệ thống trường học liên cấp cùng siêu thị quy mô lớn... Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có các dự án của đối tác được triển khai theo kế hoạch, trong khi các lô biệt thự, nhà vườn và thương mại của Sudico mới hoàn thành việc xây thô, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn dang dở.
Báo cáo tài chính quý IV/2016 của Sudico cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của đơn vị này, khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 95,2% và 91% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi đó, hàng tồn chiếm tới 46,3% tổng tải sản.
Lý giải thực tế trên, ông Trần Anh Đức, Tổng giám đốc Sudico cho biết, trong quý IV/2016, Công ty tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chưa triển khai kinh doanh tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh. Chính vì vậy, lợi nhuận kinh doanh quý IV/2016 của Sudico giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Thực tế cho thấy, năm 2017, nhiều khả năng Sudico còn gặp khó khăn hơn khi các chủ đầu tư thứ cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và kinh doanh, các sản phẩm bất động sản do Sudico đầu tư xây dựng có nguy cơ ngày càng trở nên cũ kỹ, xuống cấp và kém cạnh tranh hơn trong mắt khách hàng.