Trước đó, trong phiên 13/01, tổng cộng có hơn 137,1 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được giao dịch, trong đó hơn 134,1 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 3.421 tỷ đồng, tương đương mức giá 25,505 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, khối ngoại đã bán gần 132,8 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 3.388 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 01 đến phiên 13/01, đã có gần 191 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị 4.959 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 26.008 đồng/cổ phiếu.
Vào cuối tháng 12/2022, ngân hàng này cũng ghi nhận nhiều giao dịch với giá trị "khủng". Chỉ trong hai ngày 21/12 và 22/12/2022, đã có gần 212 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị hơn 5.916 tỷ đồng, tương đương hơn 17,2% cổ phần của ngân hàng.
Trong đó, 204,7 triệu cổ phiếu được giao dịch bằng phương thức thoả thuận, giá trị giao dịch gần 5.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 27.900 đồng/cổ phiếu, hay phiên 28/12 với 49,2 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận.
Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông chiến lược đang nắm giữ 15% tại Eximbank. Còn tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank hiện ở mức 18,95%.
Trước đó, SMBC chính thức trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2007, với tỷ lệ nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank, trị giá 225 triệu USD.
Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. Ngân hàng Nhật Bản cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, cuộc chiến "vương quyền" xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỷ qua khiến những kế hoạch của SMBC chệch hướng. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.
Đề nghị chấm dứt liên minh chiến lược của Sumitomo Mitsui Banking vừa được HĐQT Eximbank đồng ý hôm 7/2/2022 dù đã đưa ra từ đầu tháng 1/2022.
Đến ngày 18/3/2022, SMBC đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank và ông Võ Quang Hiển, đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC cũng thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này.
Với động thái này, các giao dịch mua/bán cổ phiếu EIB của SMBC không cần đăng ký trước, như đối với trường hợp người có liên quan. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ngày 18/10/2022 đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank", có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký.
SMBC cho biết, dù chấm dứt liên minh với Eximbank, nhưng định chế tài chính vẫn tiếp tục nâng cao hơn nữa chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại của tổ chức này tại Hà Nội, TP.HCM mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank SMBC Finance (FE Credit).
Đáng chú ý khi đầu năm 2022, SMBC đã mua 49% vốn của công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam FE Credit. Thương vụ có giá trị tương đương 1,26 tỷ USD. Vì thế, trên thị trường còn xuất hiện thông tin khả năng MSBC rút vốn khỏi Eximbank để tham gia vào HĐQT VPBank, với ý định mua lại cổ phần tại Ngân hàng này.
HĐQT Eximbank (EIB) chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11/2022 để tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 16/1/2023 bầu thêm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
HĐQT Eximbank cũng ban hành Nghị quyết thông qua việc đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đến cuối quý III/2022, HĐQT của ngân hàng gồm 7 thành viên với bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, Eximbank cũng đã có thông báo đến cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử là 11/11/2022. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.
Theo kế hoạch đưa ra, ngày 6/12/2022, Eximbank trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT diễn ra sau khi 2 thành viên HĐQT của ngân hàng đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây.
Trước đó, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/2/2022. Đây là 2 nhân sự đại diện cho nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công. Bà Hồng Anh còn được biết là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.
Nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.
Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 1,005%).
Thông tin trên thị trường tài chính xuất hiện lâu nay, Eximbank sẽ có cổ đông mới tham gia là một tập đoàn bất động sản, sau khi đạt thỏa thuận nhận chuyển nhượng cổ phần của một vài cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Thế nhưng, đến nay, sau gần 1 năm, chỉ có cổ đông lớn của Eximbank thoái vốn và chưa xuất hiện nhân tố mới, nhưng khả năng sẽ sớm có sự thay đổi cơ cấu cổ đông.
Eximbank được xem là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp “thượng tầng” trong nhiều năm trước, nhưng cuộc chiến “vương quyền” đã chấm dứt.
Kết quả kinh doanh khởi sắc từ hoạt động kinh doanh của Eximbank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng có sự thay đổi về mặt nhân sự cấp cao khi bà Lương Thị Cẩm Tú lên nắm giữ ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng kể từ sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2/2022 thành công.
Đầu tháng 12/2022, ngân hàng cũng đã công bố nghị quyết về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình đại hội đồng cổ đông với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với con số dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng.
Tổng tài sản năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14%, đạt 146.600 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 11,8% lên 165.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,6%.