Đó là chưa kể một số vụ còn đang trong giai đoạn thu thập chứng cứ như mặt hàng lò xo tại thị trường Mỹ,… So với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, con số này không nhiều. Song nếu tính theo thời gian và riêng tại VN thì những con số này không thể xem thường.
Đến hết quý I/2006, chúng ta mới chỉ đối phó với 24 vụ kiện, nhưng chỉ trong năm 2007- năm đầu tiên chúng ta gia nhập WTO và 2 quý đầu của năm 2008 đã có thêm tới 9 vụ kiện diễn ra thì quả là việc ra biển lớn, ắt sẽ gặp nhiều sóng to! Có thể điểm qua các mặt hàng của VN đã bị kiện như cá tra, cá basa, tôm, giày mũ da, xe đạp, bóng đèn… Theo dự báo của các chuyên gia, số vụ kiện sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Hậu quả để lại từ một số vụ kiện, đặc biệt là những vụ kiện liên quan đến những mặt hàng thâm dụng lao động cao như cá tra, cá basa (năm 2002) và bị kiện tôm (năm 2003), mới đây nhất là Ủy ban châu Âu (EC) kiện DNVN bán phá giá mặt hàng giày mũ da là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của từng ngành có sản phẩm bị kiện. Đối với các DN liên quan thì phải mất một thời gian mới có thể hồi phục được. Còn với những công nhân lao động sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, đời sống và nhiều khả năng bị thất nghiệp… Thực tế, tại một số nước, có những DN đã bị phá sản khi đối mặt với các vụ kiện bán phá giá.
Điều đáng lưu ý, mặc dù số vụ kiện không ngừng tăng cao nhưng có khá nhiều DN vẫn chưa quan tâm tới các vụ kiện cũng như việc theo kiện. Theo TS Nguyễn Thu Trang, Ban Pháp chế VCCI, đã có những trường hợp DN bị kiện bán phá giá và đã bị áp bán thuế chống bán phá giá nhưng đến 2 tháng sau mới liên hệ với các cơ quan chức năng xin tư vấn, hỗ trợ. Gần đây nhất, một số DN trong ngành da giày bị kiện tại thị trường EU nhưng họ vẫn chưa có khái niệm về bán phá giá.
Bài học từ vụ kiện cá tra, cá basa và tôm tại thị trường Mỹ trong những năm qua cho thấy, các hiệp hội ngành hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đối phó và hỗ trợ các DN bị kiện. Theo đó, mức thuế áp bán phá giá đối với các DN cao hoặc thấp cũng chính là do sự năng động của các hiệp hội. Trên thực tế, tại VN số hiệp hội thực sự có năng lực, chuyên môn như Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo điều tra mới nhất của VCCI, trong số 64 hiệp hội sản xuất, có tới 75% không có đủ năng lực tài chính nói chung chứ chưa nói tới khả năng tài chính để theo đuổi các vụ kiện; 52% thiếu nhân lực có trình độ, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến chống bán phá giá và trợ cấp… Thực trạng này rất đáng lo ngại.
Một trong những yếu điểm của các DN có hàng hóa xuất khẩu thường có thói quen, hễ thấy thị trường nào hút hàng là chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường ấy mà quên đi việc “chia trứng ra nhiều giỏ” khác nhau để phòng khi bất trắc. Vấn đề này cần khắc phục càng sớm, càng tốt.
Càng hội nhập, DN sẽ va chạm nhiều với các vụ kiện và các hàng rào thương mại mọc lên ngày càng dày đặc hơn. Thông thường, một khi đối tác áp dụng biện pháp kiện bán phá giá thì khả năng để DN thắng cuộc là rất thấp. Để vượt qua các rào cản này, cách tốt nhất là các DN cần phòng bị thật tốt cho mình bằng nhiều cách. Hội nhập kinh tế sẽ giúp các DN có thể tận dụng nhiều cơ hội để phát triển, song nếu không cẩn thận, không có kiến thức sẽ bị “chìm” trong biển lớn. Đây là quy luật.