Đòi nợ thuế ở 2 công ty vàng: Vừa đòi vừa lo bị… kiện!

Việc thu hồi nợ thuế của 2 Công ty Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại Quảng Nam đang rơi vào bế tắc.
Vàng được tinh chế tại nhà máy vàng Phước Sơn Vàng được tinh chế tại nhà máy vàng Phước Sơn
Khoáng sản là tài sản quốc gia, công ty nước ngoài vào đào vàng bán đi không nộp thuế cho ngân sách, đáng nhẽ họ phải sợ cơ quan nhà nước kiện, nhưng ngược lại, cơ quan nhà nước lại lo bị…kiện do Luật khoáng sản nhiều sơ hở.

Vận dụng hết quy định vẫn không thu được thuế

Từ hơn 2 năm nay, câu chuyện nợ thuế của 2 Công ty Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại Quảng Nam đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Thuế không thu được mà phát sinh từng ngày, đến nay đã lên đến gần 430 tỷ đồng. Trong đó, Cty vàng Phước Sơn nợ hơn 334 tỷ, Cty vàng Bồng Miêu gần 100 tỷ.

Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam phải thừa nhận, việc thu hồi nợ thuế của 2 Cty vàng này đang rơi vào bế tắc. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành, bộ cũng đã vào cuộc nhưng không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc báo cáo Thủ tướng. 

Theo ông Bốn, vì dính đến yếu tố nước ngoài nên tất cả phải được tính toán xem xét chặt chẽ. Và dù cơ quan thuế Quảng Nam đã áp dụng tất cả các bước đúng trình tự của pháp luật  nhưng đến nay vẫn không thu được đồng nào. Trong khi đó, qua theo dõi suốt thời gian qua không có đồng vốn nào từ nước ngoài chảy về để 2 Cty này trả nợ. Trong số các nguyên nhân có việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến 2 Cty này chuyển vàng ra nước ngoài bán cho Cty mẹ với giá rẻ để gian lận thuế.

“Rất may thời gian qua chúng ta làm đúng nên họ (2 Cty vàng – NV) không thể kiện”, ông Bốn nói. Câu chuyện lo 2 Cty của nước ngoài này kiện không phải lần đầu tiên lãnh đạo cơ quan Thuế và lãnh đạo tỉnh này  đề cập khi bàn về khoản nợ thuế.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay cả việc ra quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh của Cty vàng Phước Sơn (nợ thuế gần 240 tỷ đồng) vì liên quan doanh nghiệp nước ngoài nên cũng cần tính toán tham mưu chặt chẽ nên chậm hơn so với dự kiến.

Trong khi đó, riêng về khoản nợ thuế gần 100 tỷ đồng của Cty vàng Bồng Miêu, dù Cục Thuế đã áp dụng các biện pháp nhưng theo ông Bốn “không có lối ra” và nguy cơ không thu được đồng nợ thuế nào. Nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ tuyên bố phá sản và khi phá sản theo quy định nợ sẽ được xóa.

Thu nợ thuế bằng… niềm tin!

Đề cập việc tái cơ cấu của Cty vàng Phước Sơn, ông Ngô Bốn cho biết: Hiện nay, cơ quan Thuế đang yêu cầu phía Ngân hàng Việt Á làm lại chứng thư bảo lãnh. Chứng thư này, phía ngân hàng ghi rõ chỉ gửi 1 bản duy nhất cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh muốn biết nội dung chứng thư cũng chỉ được đưa cho xem, không được sao chép. Do đó, nội dung chứng thư bảo lãnh cơ quan Thuế không thể công bố, quyền này thuộc về phía ngân hàng.

“Chứng thư chưa đảm bảo nên đang yêu cầu làm lại. Việc bảo lãnh, tái cơ cấu sẽ có các điều kiện cụ thể, trong đó điều kiện đầu tiên phải trả nợ thuế. Bảo lãnh phải đảm bảo đúng pháp luật nhà nước về bảo lãnh, cũng như luật về trả nợ thuế. Nếu đến hạn, Cty không trả được nợ thuế, cơ quan Thuế sẽ cưỡng chế ngân hàng”, ông Bốn cho biết.

Nói về cơ sở của việc thu hồi số nợ thuế mà Cty vàng Bồng Miêu đang thiếu thông qua việc bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á, theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam: Ngân hàng Việt Á là đơn vị thuộc tập đoàn tài chính mạnh và có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản nên rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế được hay không sau khi được bảo lãnh theo người đứng đầu cơ quan Thuế của tỉnh này cũng chỉ mới dừng ở “Hi vọng thời gian tới sẽ có chuyển biến”.

Ngoài ra, theo ngành Thuế, tài sản máy móc của doanh nghiệp này đã đầu tư rất hiện đại, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư công nghệ tương đương hoặc cao hơn nên quan điểm của lãnh đạo tỉnh là ủng hộ và đặt niềm tin vào việc tái cơ cấu này.

Chủ trương tái cơ cấu là biện pháp tốt nhất để thu hồi thuế. Bởi việc phá sản và thu hồi toàn bộ nợ thuế là rất khó khăn vì phải tuân thủ theo quy trình thanh toán đối với doanh nghiệp phá sản. Tài chính của Cty này đang âm nặng nên chỉ còn công bố phá sản. Nếu phá sản, Cục Thuế cũng chỉ là chủ nợ để chia tài sản sau này mà thôi”.

Lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam

Theo VOV/Tiền Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục