Thông thường, doanh nghiệp chỉ đổi mới khi ở thế buộc phải thay đổi. Với các doanh nghiệp Israel thì sao, thưa bà?
Có những điều rất đặc biệt ở Israel, hầu hết mọi thứ xây dựng, khởi nghiệp là do “bắt buộc”, vì chúng tôi hầu như không có tài nguyên thiên nhiên.
Chẳng hạn, chúng tôi buộc phải xây dựng hệ thống tái sử dụng nước, nghiên cứu công nghệ khử muối. Ngoài ra, thị trường nội địa nhỏ bé nên các công ty đều phải hướng ra toàn cầu, chủ yếu xuất khẩu công nghệ cao.
Một câu chuyện khởi nghiệp thành công của doanh nghiệp Israel mà tôi muốn kể với các bạn, đó là Waze, ứng dụng chỉ đường và cảnh báo giao thông do một người dân nước tôi gặp rắc rối khi tìm đường phát minh ra, đã được Google mua lại năm 2013 với giá 966 triệu USD.
Ứng dụng này rất phổ biến tại Israel cũng như ở châu Âu và Bắc Mỹ, hiện đã được địa phương hóa tại hơn 100 quốc gia. Bản thân tôi cũng sử dụng ứng dụng này để tìm đường ở Việt Nam, hy vọng nhiều người Việt Nam biết tới và sử dụng, bởi chúng rất hữu ích.
Vậy chìa khóa thành công trong việc trở thành quốc gia khởi nghiệp của Israel là gì, vì không phải ai cũng dũng cảm rời bỏ “cái kén” an toàn để xông pha vất vả?
Đầu tiên, đó là tính sáng tạo và đổi mới. Thêm nữa là tính cách dám nghĩ, dám làm và chịu đựng được thất bại. Tôi cho rằng, việc bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng 2 - 3 năm khi công dân tròn 18 tuổi có đóng góp không nhỏ vào sự thành công của “quốc gia khởi nghiệp”.
Bà Meirav Ailon Shahar
Bởi lẽ, mỗi công dân được rèn luyện, thử thách thường xuyên trong môi trường khắc nghiệt, học được cách làm việc theo nhóm, nâng cao tính trách nhiệm, tính kỷ luật cũng như tính cộng đồng. Môi trường này còn tạo điều kiện để kết nối và mở rộng các mối quan hệ.
Tôi nghĩ, có ý tưởng khởi nghiệp là rất tốt, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những ý tưởng đó. Ở đây, vai trò “đỡ đầu” của Chính phủ rất quan trọng, giúp biến những ý tưởng thành hiện thực.
Nhiều người nói rằng, để gặt hái thành công như ngày nay, các doanh nghiệp cũng phải trải qua một hành trình đầy “ổ voi, ổ gà”. Vậy Chính phủ Israel tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như thế nào?
Thực sự, đầu tư vào khởi nghiệp là đầu tư mạo hiểm, nên vào những năm 80, khi chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm, Chính phủ Israel đã đứng ra đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tư nhân.
Chính phủ cũng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp là thành viên của các vườn ươm (incubators), các công ty này được chọn hoàn toàn dựa theo nhu cầu của thị trường và Chính phủ đầu tư tới 85% vốn trong giai đoạn ươm mầm (seed stage - giai đoạn “mạo hiểm”, dễ bị thất bại nhất của khởi nghiệp).
Israel và đổi mới:
- Đứng số 1 về thu hút đầu tư mạo hiểm (không tính Mỹ)
- Đứng số 1 về số lượng người đoạt giải Nobel
- Đứng số 1 về năng lực đổi mới
- Đứng số 2 về tinh thần doanh nhân
- Đứng số 3 về đổi mới toàn cầu
- Đứng thứ 3 về số lượng công ty được niêm yết trên NASDAQ (Mỹ).
Đồng thời, Chính phủ tạo cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu, giới học thuật với các doanh nghiệp tư nhân. Đây là mối quan hệ quan trọng, cần thiết, nhưng khó thực hiện. Chính phủ thậm chí còn hỗ trợ một phần kinh phí để thiết lập quan hệ này và tạo ra mối quan hệ tam giác giữa chính phủ - giới học thuật - doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, chẳng hạn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp gần như bằng 0%, từ đó thu hút thêm nhiều vốn đầu tư khởi nghiệp.
Tại Việt Nam, một số quỹ đầu tư nước ngoài như Dragon Capital cũng đã đổ vốn cho khởi nghiệp, nhưng dường như chưa thành công. Bà có thể chia sẻ vai trò của việc đầu tư và thoái vốn, cũng như tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo một cách bền vững?
Cần 5 yếu tố then chốt để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh và bền vững, đó là: sự hỗ trợ của chính phủ; trung tâm nghiên cứu đa quốc gia; sự tham gia của các viện, trường; quá trình đầu tư và thoái vốn. Những yếu tố này phải kết hợp và hỗ trợ nhau để tạo ra hệ sinh thái năng động và hoàn thiện.
Quỹ đầu tư mạo hiểm vào Israel ngày càng tăng. Hơn 85% tiền đầu tư từ nước ngoài rót vào các công ty khởi nghiệp ở Israel cho thấy niềm tin vào hệ thống của chúng tôi. Điều khiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp luôn lành mạnh và bền vững là nhiều công ty khởi nghiệp được các tập đoàn lớn mua lại đã vun đắp cho đổi mới sáng tạo và giữ cho Israel duy trì vị trí dẫn đầu về khởi nghiệp
Như vậy, để có thể liên tục tạo ra chuỗi đổi mới, sáng tạo và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lĩnh vực khởi nghiệp, cũng như để một công ty luôn giữ trong mình tinh thần khởi nghiệp, nhất thiết phải có vai trò “bà đỡ” từ Chính phủ?
Thực sự, sự hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng. Sáng tạo, khởi nghiệp là cả một hành trình dài và có vô vàn thách thức, doanh nghiệp phải chủ động nhưng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ như cơ sở hạ tầng, chính sách đổi mới, gây quỹ và chia sẻ rủi ro.
Đơn cử, lĩnh vực công nghệ có nhiều rủi ro và công nghệ thay đổi nhanh chóng. Rủi ro từ góc nhìn của quỹ đầu tư và Chính phủ là khác nhau, nhưng rủi ro là một phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Không thể xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo nếu quá chú trọng đến yếu tố an toàn.
Bà có thể chia sẻ đôi điều về sự hợp tác của Israel đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề
khởi nghiệp?
Trong hơn 3 năm qua, Đại sứ quán Israel đã hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp thông qua hình thức tập huấn, các cuộc thi khởi nghiệp ở cả tại Israel và Việt Nam cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ứng dụng chỉ đường và cảnh báo giao thông Waze của Israel đã được địa phương hóa tại hơn 100 quốc gia
Ngoài ra, chúng tôi làm việc với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ, chia sẻ về chính sách. Mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp có những đặc tính riêng, nhưng vẫn có những bước đi cơ bản, đó là những điều chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn, thông qua hình thức tư vấn chính sách hay mời các cán bộ nhà nước Việt Nam sang Israel tham quan các mô hình khởi nghiệp.
Trong hơn 4 năm ở Việt Nam với tư cách Đại sứ, tôi thực sự cảm nhận được sự chuyển mình của các bạn, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn có những ý tưởng tuyệt vời và tinh thần doanh nhân thực thụ. Các bạn thực sự đang theo đuổi những ước mơ của mình và cố gắng thực hiện chúng.
Hiện tại, Israel có 6.500 công ty công nghệ và có khoảng 1.000 doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm. Năm 2015, có 4,4 tỷ USD vốn được gây dựng từ các công ty khởi nghiệp Israel, trong đó có 8 thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 609 triệu USD. Mặt khác, có 104 thương vụ thoái vốn trị giá 9,02 tỷ USD (50% do nhà đầu tư Mỹ, 30% do nhà đầu tư Israel mua lại).
Israel có 24 tổ chức chuyên về ươm mầm khởi nghiệp. Mỗi vườn ươm có khoảng 180 công ty có đại diện sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường được đào tạo trong 2 năm, với ngân sách từ 500.000 - 800.000 USD. 85% ngân sách do Chính phủ tài trợ và sẽ được doanh nghiệp hoàn lại sau khi gọi được vốn.
Israel có hơn 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nghiệp các vườn ươm, 60% gọi vốn đầu tư thành công, 40% công ty vẫn đang hoạt động tốt. Vườm ươm giúp thành lập 70 - 80 doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm.