Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chuyên gia cấp cao nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phân tích những bước đột phá mà nghị quyết này mang lại.
Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia?
Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính chiến lược và tạo bước ngoặt cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây là văn kiện thể hiện sự nhận thức rõ nét và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc thúc đẩy các yếu tố then chốt để đưa đất nước tiến nhanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Nghị quyết này khẳng định, để phát triển khoa học, công nghệ trong giai đoạn tới, cần dựa trên các tư liệu sản xuất mới và đổi mới toàn diện phương thức quản trị quốc gia. Đây là thông điệp cho thấy sự thay đổi lớn về nhận thức và cách tiếp cận của Đảng, khi thừa nhận rằng, chúng ta đang bước vào một “cuộc chơi mới”, nơi mà những yếu tố truyền thống cần được kết hợp với các yếu tố đổi mới, hiện đại.
Một điểm nổi bật trong Nghị quyết là sự khẳng định vai trò của “người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt”. Quan điểm này không chỉ nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và người dân trong việc vận hành nền kinh tế số, mà còn tạo cơ sở để chuyển đổi toàn diện cấu trúc thượng tầng, từ khung pháp lý, thể chế đến các chính sách thực thi.
Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu các khung thể chế, luật pháp phải thay đổi để thừa nhận những tư liệu sản xuất mới, như tài sản số và dữ liệu, vốn trước đây chưa được pháp luật Việt Nam công nhận đầy đủ. Một ví dụ cụ thể là Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến đưa vào các điều khoản công nhận tài sản số. Đây là bước đi phù hợp với xu thế toàn cầu, khi các quốc gia có nền kinh tế và công nghệ phát triển đã luật hóa việc này từ nhiều năm trước.
Tóm lại, Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ vạch ra con đường cho Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng” với các nước tiên tiến, mà còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
|
NIC đóng vai trò tiên phong trong việc quy tụ các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn |
Theo bà, những đột phá nào từ Nghị quyết 57-NQ/TW có thể tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
Theo tôi, Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định rõ 3 đột phá quan trọng, tạo nền tảng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, Nghị quyết đã chính thức công nhận dữ liệu và tài sản số là những tư liệu sản xuất mới. Đây là yếu tố mang tính cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời đại số. Việc công nhận này không chỉ tạo điều kiện cho các công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghiệp bán dẫn phát triển, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hạ tầng số, bao gồm các trung tâm dữ liệu và công nghệ tiên tiến, sẽ được ưu tiên phát triển, qua đó thúc đẩy việc tạo ra các tài sản số. Những công nghệ như blockchain, với khả năng minh bạch hóa và bảo mật dữ liệu, hay AI, với ứng dụng rộng rãi từ sản xuất đến dịch vụ, đều sẽ trở thành động lực chính cho sự đổi mới trong mọi ngành nghề.
Thứ hai, Nghị quyết nêu rõ chiến lược khai thác triệt để “chất xám” từ nguồn nhân lực nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng, không chỉ mang lại tri thức và kinh nghiệm quốc tế, mà còn là cầu nối đưa Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết đã đưa ra giải pháp cụ thể, đó là “ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống”. Giải pháp này không chỉ thúc đẩy khối tư nhân tham gia phát triển khoa học và công nghệ, mà còn cho phép Nhà nước tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có hợp tác công tư.
Thứ ba, Nghị quyết nhấn mạnh việc loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và thay thế bằng tư duy cởi mở, sáng tạo. Khi quyết tâm chính trị đã có, các quy định pháp luật sẽ phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn và xu thế. Chính phủ không còn dừng lại ở việc quản lý từng ngành nghề, mà sẽ tập trung xây dựng một hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nơi các doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân và Chính phủ có thể hợp tác chặt chẽ, hiệu quả.
Những đột phá trên không chỉ mang ý nghĩa về mặt lý thuyết, mà còn hứa hẹn tạo ra những thay đổi thực chất, đưa Việt Nam tiến nhanh hơn trong kỷ nguyên số.
Đổi mới sáng tạo đang được coi là động lực chính để Việt Nam tiến nhanh trong kỷ nguyên mới. Theo bà, những ngành hoặc lĩnh vực nào cần ưu tiên đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội?
Trong bối cảnh hiện nay, có 2 lĩnh vực công nghệ nổi bật mà Chính phủ đã xác định ưu tiên là công nghiệp bán dẫn và blockchain, được nêu rõ tại Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những lĩnh vực được đánh giá là xương sống cho nền kinh tế số, đồng thời là nền tảng cho các ngành công nghệ khác phát triển.
Công nghiệp bán dẫn đã được Chính phủ chú trọng từ những năm 2010 - 2011, nhưng khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp trong nước chưa thực sự rõ ràng.
Đối với blockchain, đây là công nghệ có sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ trong việc tạo ra tài sản số như tiền mã hóa, token hay hợp đồng thông minh, mà còn mở ra những mô hình kinh doanh mới. Việt Nam, với tiềm năng sáng tạo mạnh mẽ, đã lọt top 6 quốc gia sở hữu nhiều tài sản số nhất thế giới.
AI cũng là một lĩnh vực cần được ưu tiên, đặc biệt là sau sự ra đời của các ứng dụng như ChatGPT. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào AI, không chỉ để bắt kịp xu hướng, mà còn để tạo ra giá trị mới từ tài nguyên số.
Trong 9 ngành công nghệ ưu tiên của NIC tại cơ sở Hòa Lạc, công nghiệp bán dẫn và AI đều nằm trong số đó. Đối với bán dẫn, NIC đã đóng vai trò tiên phong trong việc quy tụ các thành phần trong hệ sinh thái, giúp Chính phủ nhận thức rõ hơn vai trò của ngành này. Về AI, NIC đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước gia nhập cuộc chơi toàn cầu thông qua mạng lưới trí thức người Việt.
Với blockchain, Việt Nam hiện nằm trong top 6 quốc gia sở hữu tài sản số lớn nhất thế giới. NIC đã tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái blockchain, nhưng cũng gặp những vướng mắc do thiếu khung pháp lý. Nghị quyết 57-NQ/TW và tới đây là Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ mở đường cho các doanh nghiệp và NIC hoạt động thuận lợi hơn trong nhiệm vụ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong những lĩnh vực công nghệ tiên phong.
Vậy Việt Nam cần hoàn thiện thể chế như thế nào để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đổi mới sáng tạo?
Hoàn thiện thể chế là yếu tố then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra.
Trước hết, cần xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, vốn được coi là đòn bẩy quan trọng nhất trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hiện tại, các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là quỹ quốc tế, do luật pháp trong nước chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực này. Việc sửa đổi Nghị định 38/2018/NĐ-CP và đưa ra khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa phát triển, từ đó hỗ trợ mạnh mẽ cho các start-up Việt.
Ngoài ra, các cơ chế thử nghiệm như sandbox cho fintech hay sàn giao dịch tài sản số cũng cần được thúc đẩy. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thí điểm hoạt động này tại các trung tâm tài chính sắp hình thành ở TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là một bước đi phù hợp với xu thế của các nước phát triển.
Tóm lại, việc hoàn thiện thể chế không chỉ đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Có như vậy, các chính sách mới đi vào thực tiễn hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho xã hội và kinh tế.