Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần: Biến thách thức thành động lực thay đổi

(ĐTCK) Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được triển khai mạnh mẽ hàng chục năm qua.
Ban lãnh đạo FPT, với nòng cốt là nhiều đảng viên, luôn tiên phong đổi mới. Ban lãnh đạo FPT, với nòng cốt là nhiều đảng viên, luôn tiên phong đổi mới.

 Sau chuyển đổi, hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi, nhiều doanh nghiệp có quy mô tăng trưởng gấp cả chục lần, nhiều thương hiệu đã vươn tầm quốc tế. Đóng góp trong những thành công này, có vai trò lớn của các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Song, trong bối cảnh kinh doanh mới, hoạt động của các tổ chức Đảng (hoạt động Đảng) trong nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước thấp hoặc Nhà nước đã thoái hết vốn, nảy sinh nhiều thách thức, lúng túng.

Thực trạng này đòi hỏi mỗi đảng viên cũng như các tổ chức Đảng phải liên tục đổi mới, chủ động, để giữ vai trò trong môi trường doanh nghiệp đang thay đổi như vũ bão.

Bài 3: Biến thách thức thành động lực thay đổi

Trong cuộc chuyển mình của nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo, linh hoạt. Nhưng vai trò đầu tàu và nêu gương của các đảng viên, đặc biệt là tâm và tầm của người đứng đầu chưa bao giờ mất ý nghĩa và tính thời sự. 

Vững định hướng, rõ mục tiêu

Môi trường doanh nghiệp, cơ cấu sở hữu dù có thay đổi theo hướng nào, vẫn có một mục đích là nhằm đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển.

Bởi vậy, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco cho rằng, bí quyết thành công của Traphaco ở chỗ, các đảng viên của Công ty luôn luôn nhận thức đúng vai trò của mình là phục vụ sự nghiệp phát triển của Công ty, đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp, thậm chí ở nhiều thời điểm quan trọng, phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi chung của doanh nghiệp, từ đó mới xây dựng được uy tín và giành được sự tín nhiệm của quần chúng.

“Đảng viên không gương mẫu, không đi trước thì không thể thuyết phục được người lao động làm theo”, bà Thuận đúc kết về một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công trong hành trình đổi đời của Traphaco gần 20 năm trước.

Từ khi nắm được chủ trương cổ phần hóa, Traphaco chỉ mất 45 ngày để chuyển đổi sang mô hình cổ phần, nhưng để chuyển được mô hình từ giám đốc cử (cấp trên cử, phân công) ở doanh nghiệp nhà nước thành giám đốc bầu (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị bầu), Traphaco cũng mất quãng thời gian tương tự (từ 16/11/1999 đến 1/1/2000) mới ngã ngũ.

Khi đó, bà Thuận được Chi bộ, Hội đồng quản trị tín nhiệm giới thiệu ghế Giám đốc, đảm nhận cương vị mới trong bối cảnh bộn bề khó khăn mà chỉ có thể mô tả ngắn gọn là “Traphaco không có gì ngoài truyền thống”.

Song với sự đồng thuận cao giữa các đảng viên, đồng thời là lãnh đạo chủ chốt của Công ty, cả doanh nghiệp lăn xả vào công việc. Không một ai mang tâm lý “lương thế nào, làm việc thế ấy”, mà xem doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai của mình, gắn bó, sống chết cùng Công ty.

Bà Thuận kể, phát triển doanh nghiệp chính là điều thiết thực nhất mà người đảng viên làm, để gìn giữ doanh nghiệp, chăm lo cho người lao động - những người luôn sát cánh bao năm với sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Chính sự đi đầu của các đảng viên, quần chúng thấy đúng và nghe theo.

Kết quả khảo sát mới đây được Alphabe công bố, người lao động Traphaco có chỉ số Gắn kết lý trí và tình cảm, có xu hướng cam kết gắn bó lâu dài thuộc nhóm xuất sắc trên thị trường Việt Nam, hơn hẳn trung bình ngành dược, là minh chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất về vai trò của đảng viên, những người dám nghĩ, dám làm, nêu gương trong Công ty.

Đảng viên không gương mẫu, không đi trước thì không thể thuyết phục được người lao động làm theo. 

- Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco   

Ông Lê Thành Liêm, Đảng ủy viên, Giám đốc Tài chính Vinamilk chia sẻ quan điểm, mỗi cá nhân tham gia trong tổ chức Đảng phải xác định rõ vai trò của mình, cũng như tổ chức Đảng phải xác định được vai trò của mình và trả lời được những câu hỏi, mình sẽ làm gì cho doanh nghiệp, có đóng góp gì cho sự phát triển của doanh nghiệp. Khi các cổ đông tư nhân, cổ đông nước ngoài thấy tổ chức Đảng, đảng viên toàn tâm, toàn ý vì doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp liên tục phát triển, họ chắc chắn sẽ ủng hộ.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhiều thời gian quan sát công tác Đảng tại các doanh nghiệp nhà nước sau chuyển đổi mô hình hoạt động, ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng ban Tổ chức, Đảng ủy Khối cơ quan trung ương chia sẻ, ông rất ấn tượng với mô hình sinh hoạt tại Công ty cổ phần FPT. Hàng tháng, ông Trương Gia Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đều có một buổi mời cơm Ban Thường vụ.

Tại bữa cơm đó, mọi người cùng trao đổi, bàn bạc, đóng góp thẳng thắn cho những vấn đề lớn trong những tháng tới, cũng như nhìn lại những việc đã qua cần rút kinh nghiệm. Hiệu quả, thiết thực, vào thẳng vấn đề là tiêu chí mỗi người đều đặt ra khi tham dự các cuộc họp đảng mang phong cách chuyên nghiệp, đổi mới của FPT.

Ông Thái còn nhớ các đại hội chi bộ của Công ty cổ phần Machino có trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội, ông chủ người Nhật Bản đều mang hoa đến chúc mừng.

Trò chuyện với vị này, ông được biết, Hội đồng quản trị Công ty đánh giá rất cao tính nêu gương của các đảng viên trong doanh nghiệp. Họ là những cán bộ có chuyên môn sâu, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có đóng góp lớn cho doanh nghiệp và thường xuyên có những đề xuất hữu ích, làm lợi cho doanh nghiệp.

“Không ủng hộ họ thì chúng tôi tự chặt mất những cánh tay nối dài của mình”, vị chủ tịch người Nhật Bản chia sẻ bí quyết quản trị doanh nghiệp.

Ở những doanh nghiệp như Machino, không phải không có mâu thuẫn nảy sinh như chế độ lương thưởng, ngày công, chế độ phúc lợi cho người lao động, nhưng các đảng viên trong doanh nghiệp đã thuyết phục, tuyên truyền người lao động, cùng họ đấu tranh một cách khéo léo, linh hoạt để các nhà quản trị doanh nghiệp nước ngoài “nhượng bộ”, chấp nhận kiến nghị “cùng có lợi cho các bên”.

Khi doanh nghiệp phải chi nguồn lực cho hoạt động của các tổ chức như đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, họ muốn thấy được vai trò của các tổ chức chính trị này trong việc tạo ra môi trường làm việc tốt trong doanh nghiệp, không “mất nguồn lực để hô khẩu hiệu”.

Do đó, hoạt động của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có thuận lợi hay không, phần lớn phụ thuộc vào năng lực, tâm huyết của các đảng viên, đặc biệt là bản lĩnh và cái tầm của người đứng đầu tổ chức Đảng. Đây là kinh nghiệm được những đảng viên kỳ cựu trong các doanh nghiệp thành công chia sẻ.

Trở lại với câu chuyện về FPT. Suốt hành trình 30 năm hoạt động, từ khởi đầu với 13 nhà khoa học trẻ, là các thành viên sáng lập ra FPT, cho đến ngày nay khi FPT đã sánh vai với các tập đoàn công nghệ tên tuổi hàng đầu thế giới, đều thể hiện rõ nét bản lĩnh của những người đảng viên, đồng thời là cán bộ chủ chốt của Tập đoàn, luôn tiên phong đi những con đường mới.

“Chúng tôi đã từng đi khi chưa có con đường”, ông Trương Gia Bình kể về hành trình của FPT gắn liền với công cuộc khai phá, mở đầu nhiều xu hướng ở Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, báo điện tử, giáo dục, chuyển đổi số…

Tinh thần dám nghĩ, dám làm của các đảng viên FPT đã truyền lửa cho cả đội ngũ tự tin triển khai chiến lược toàn cầu hóa, vươn ra các thị trường quốc tế.

Tôi tin rằng, khó đến đâu rồi cũng có đường. Cuộc sống luôn luôn có những con đường, vấn đề là mình có tìm ra nó không. Mình có dám đi không, mình sẽ đi như thế nào. Tận lực và sáng tạo sẽ thấy con đường thích hợp.

- Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Năm 2016, 2017, FPT lấy lại tốc độ tăng trưởng 2 con số, 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 18% so với cùng kỳ, thị trường nước ngoài hiện chiếm tỷ trọng 39% doanh thu toàn Tập đoàn và liên tục đạt tốc độ tăng trưởng 40 - 50%.

“Nếu phải lựa chọn, tôi vẫn chọn cốt lõi của FPT là làm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chúng tôi vẫn tiên phong và tiên phong hơn nữa. Nỗ lực và nỗ lực hơn nữa. Tôi tin rằng, khó đến đâu rồi cũng có đường.

Cuộc sống luôn luôn có những con đường, vấn đề là mình có tìm ra nó không. Mình có dám đi không, mình sẽ đi như thế nào. Tận lực và sáng tạo sẽ thấy con đường thích hợp”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Là một mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chuyển đổi thành công sau cổ phần hóa và thoái hết vốn nhà nước, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội có cách làm đáng chú ý.

Đảng bộ Tổng công ty đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng xóa bỏ các hình thức hành chính hóa. Không chỉ bầu người có tâm tham gia cấp ủy, Đảng bộ đã thông qua các quy chế, quy định để gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo động lực cho người làm công tác Đảng.

“Để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động tốt, nhất quyết phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa đảng ủy, hội đồng quản trị và ban giám đốc”, ông Phạm Hữu Sơn, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Tedi cho biết.

Kinh nghiệm tại Tedi là ngay khi cổ phần hóa, tổ chức Đảng cần chủ động, bám sát các hoạt động của doanh nghiệp, tránh tạo khoảng trống khó lấp về sau theo phương châm “Hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả là mục tiêu động lực của công tác xây dựng Đảng”.

Vấn đề quan trọng là phải chọn được người lãnh đạo phù hợp, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có sức thu hút, tập hợp đảng viên.

 - PGS.TS Phan Hữu Tích, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Quả thực, câu chuyện cổ phần hóa tại Tedi cho đến thời điểm này vẫn mang đậm dấu ấn của những đảng viên tiên phong. Khi Tedi cổ phần hóa vào năm 2014, có không ít lo lắng về việc doanh nghiệp ế cổ phần.

Các đảng viên đã “noi gương” đăng ký tham gia, trong đó có người thế chấp cả “sổ đỏ” để mua cổ phần với niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Toàn bộ Ban giám đốc của Tedi đều là các chuyên gia đầu ngành, nhiều người là cán bộ uy tín, giàu kinh nghiệm, có tính Đảng cao. Nhờ sự tận tâm của các cán bộ đảng viên, Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và các cổ đông lớn đến từ Nhật Bản đã sớm tìm được tiếng nói chung vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích cốt lõi của người lao động. 

Chủ động trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh môi trường doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ, đã có những ý kiến đề xuất ban hành thêm các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn.

Chẳng hạn, tại một hội nghị gần đây, ông Bùi Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Hà Nội kiến nghị, Trung ương có quy định, chế tài khi Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp thì các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thể nhân với số lượng cổ phần nắm giữ trên 50% vốn điều lệ doanh nghiệp phải có trách nhiệm duy trì hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Cần có cơ chế thực hiện nhất thể hóa, chủ doanh nghiệp đồng thời là bí thư cấp ủy trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% kể cả các doanh nghiệp sau khi đã thoái hết vốn nhà nước.

Hay Trung ương có chính sách khi thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên ưu tiên cán bộ, công nhân viên chức lao động trong doanh nghiệp được mua cổ phần ưu đãi đảm bảo tối thiểu 36% vốn điều lệ của công ty để đảm bảo quyền làm chủ của người lao động cũng như có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp.

Đã dấy lên tranh luận quanh những đề xuất trên. Có thể đó là những đề xuất với mục đích tốt trong việc hỗ trợ nâng cao vai trò của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp, nhưng sẽ không khả thi bởi rất dễ tạo ra những va chạm, xung đột với các quy định pháp luật hiện hành.

Đơn cử, Điều 135 Luật Doanh nghiệp quy định: “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông có các quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị…”.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hiện nay, số tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã chiếm tỷ lệ lớn và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên.

Để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động tốt, nhất quyết phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa đảng ủy, hội đồng quản trị và ban giám đốc.

 - Ông Phạm Hữu Sơn ,Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Tedi

Chính vì thế, đối tượng lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đã thay đổi, đòi hỏi thay đổi về nội dung, phương thức lãnh đạo tương ứng.

Các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp mặc dù không giữ vai trò quyết định phương án sản xuất - kinh doanh, trong công tác nhân sự cũng như phân phối, song tổ chức cơ sở Đảng phải khẳng định vị trí của mình, tham gia với hội đồng quản trị, ban giám đốc những ý kiến có giá trị cũng như đề xuất giới thiệu những nhân sự tốt tham gia quản lý điều hành… để hội đồng quản trị, ban giám đốc thấy cần phải phối hợp, tham khảo ý kiến của tổ chức Đảng trong quá trình quyết định.

PGS.TS Phan Hữu Tích, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trình độ và tâm huyết của người đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của tổ chức Đảng đó. Tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với doanh nghiệp, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp.

“Vấn đề quan trọng là phải chọn được người lãnh đạo phù hợp, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có sức thu hút, tập hợp đảng viên.

Bí thư cấp ủy phải là những đồng chí thực sự tiêu biểu về đạo đức, có kiến thức về doanh nghiệp, am hiểu doanh nghiệp, tích cực tham gia với hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), ban lãnh đạo doanh nghiệp để xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, PGS.TS Phan Hữu Tích nhấn mạnh.

Tại Hội thảo chuyên đề “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp” do Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức tháng 6/2017, nhiều đại biểu đều đồng tình rằng, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp ủy đảng là phải nhanh chóng thay đổi nội dung, phương thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp để phù hợp với mô hình quản trị doanh nghiệp mới.

Đặc biệt, phương thức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp phải thay đổi về hình thức, không cứng nhắc hay hành chính hóa để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng thống nhất kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để phù hợp với bối cảnh mới.

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một trong những trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.

Diễn ra trong môi trường cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý và sản xuất trên toàn cầu, mọi doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với những biến động nhanh và khó lường, vì thế, hoạt động của các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp chắc chắn cũng chịu nhiều tác động chưa từng có tiền lệ.

Hơn lúc nào hết, bối cảnh mới đòi hỏi mỗi đảng viên phải bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn, thông tuệ hơn để giữ vững vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, trong tình hình mới.     

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục