Đội kiểm tra có quyền tước giấy phép kinh doanh của DN

Theo nghị định quy định các biện pháp xử phạt hành chính các hành vi trong lĩnh vực thương mại đoàn kiểm tra có quyền tước giấy phép kinh doanh của DN khi DN có hành vi vi phạm các quy định trong kinh doanh.
Đội kiểm tra có quyền tước giấy phép kinh doanh của DN

Ngày 5/1, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã cùng tổ chức hội nghị triển khai và thực hiện các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh giá, bao gồm Nghị định 75/2008 sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 170/2003, về thi hành một số điều của Pháp lệnh giá, và NĐ 107 quy định xử phạt hành chính các hành vi trong kinh doanh thương mại.

 

Theo thông tư số 104/2008 hướng dẫn thực hiện hai nghị định trên, để đảm bảo giá cả thị trường bình ổn, DN sản xuất và bán hàng sẽ phải kê khai, đăng ký giá với cơ quan quản lý. Nghị định 75 đưa ra danh mục bình ổn giá có 14 mặt hàng, danh mục buộc phải đăng ký giá có 20 mặt hàng, khoảng 8 mặt hàng không cần đăng ký nhưng phải kê khai.

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2008 giá cả có nhiều biến động khó lường, DN phải chống đỡ vất vả, người tiêu dùng cũng khó khăn.  Trong điều kiện đó, nếu có một cơ chế chủ động bình ổn giá, khó khăn sẽ được giảm bớt. Vậy nên việc đăng ký và kê khai giá giúp cơ quan quản lý và DN sẽ chủ động hơn trong việc bình ổn giá.

 

Có 20 mặt hàng buộc DN phải đăng ký giá. Các đơn vị phải đăng ký giá là DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn sở hữu nhà nước trong vốn điều lệ doanh nghiệp.

 

Tùy tình hình biến động giá cả thị trường ở từng thời điểm cụ thể, Chính phủ có thể sẽ bổ sung, thay đổi danh mục các mặt hàng bình ổn giá, đăng ký và kê khai giá. Bộ Tài chính sẽ thông báo bổ sung các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá.

 

Trả lời câu hỏi “Việc đăng ký giá và Nhà nước quản lý giá có ngược lại với cơ chế thị trường?”, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đây chỉ là giải pháp bình ổn giá chứ cơ quan quản lý Nhà nước không đưa ra giá ấn định buộc DN phải bán theo.

 

DN có quyền tự đưa ra giá đăng ký và bán theo giá này. Cơ quan quản lý chỉ không đồng ý khi thấy giá đưa ra cao quá mức, bất hợp lý và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự bình ổn giá. Thời gian trả lời không được quá 7 ngày.

 

Cũng chính vì thế, để đảm bảo bình ổn giá cả và thị trường, nghị định 107/2008 đã đưa ra các mức phạt cụ thể cho các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.

 

Trong các hình thức xử phạt, ngoài phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm, còn có mức phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa và tước giấy phép kinh doanh đến 12 tháng. Và điểm mới trong quy định lần này là đoàn kiểm tra có quyền tước giấy phép kinh doanh của DN vi phạm.


VNN

Tin cùng chuyên mục