Đổi gạo lấy điều: Không dễ!

(ĐTCK) Đề án "đổi gạo lấy điều" được CTCP Chế biến Xuất nhập khẩu Long An (Lafoco) và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khởi xướng, đang được xây dựng chi tiết để trình lên các cơ quan chức năng, song thực tế triển khai được nhận xét sẽ gặp không ít khó khăn…

Ý tưởng đổi gạo lấy điều xuất phát từ nhu cầu thực tế: nhiều đối tác châu Phi, chủ yếu đến từ các nước như Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nigeria, Tanzania... có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng khá lớn. Trong khi đó, hơn 30 DN tại Long An hiện chế biến hạt điều xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD/năm, luôn phải nhập khẩu hạt điều nguyên liệu từ Campuchia và các nước thuộc khu vực châu Phi khoảng 50.000 tấn/năm.

Theo Vinacas, khách hàng châu Phi đề nghị Hiệp hội đứng ra làm đầu mối "gom" gạo qua châu lục này để đổi lấy điều. Việc làm này sẽ giúp cung - cầu của hai bên gặp nhau. Thực tế, có nhiều DN lớn, thành viên của Vinacas, mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu USD điều nhân và nhập trên 20.000 tấn điều thô. Nếu được Chính phủ phê duyệt, Vinacas sẽ mời khách hàng qua Việt Nam hoặc DN trong nước trực tiếp sang châu Phi đàm phán cách trao đổi. Theo đó, có thể đổi theo giá tương đương (một kg gạo lấy một kg điều) hoặc theo giá thành sản phẩm… Điều này phụ thuộc vào giá gạo và điều thời điểm ký hợp đồng. Ngoài ra, trong đề án này, Hiệp hội "xin" xuất 300.000 tấn gạo để đổi một lượng điều tương đương. Vinacas sẽ phối hợp với các DN chế biến, kinh doanh gạo để thu mua. Khi có đủ gạo, các DN ngành điều sẽ trực tiếp mang qua châu Phi để giao dịch. Châu Phi không khó tính như thị trường Mỹ, Nhật Bản… nên dễ chấp nhận các phẩm cấp gạo khác nhau.

Cái lợi của phương án này là giúp DN giảm bớt chi phí đầu vào khi cắt bỏ được nhiều lớp trung gian. Trước đây, DN điều thường mua nguyên liệu thông qua trung gian, phần lớn là môi giới đến từ Ấn Độ, Singapore, mỗi tấn điều nhập về phải trả cho nhà môi giới khoảng 70 - 100 USD. Mặt khác, nếu trao đổi như trên, chi phí vận chuyển sẽ giảm khoảng 30% cho hai chiều đi và về.

Nhiều điểm lợi được chỉ ra như vậy, song phương thức trên theo nhiều chuyên gia trong ngành, nếu không cân nhắc kỹ sẽ chuốc lấy thất bại. Việc đánh giá phẩm cấp chất lượng gạo tương đối dễ, còn với hạt điều sau chế biến trải qua nhiều khâu xử lý hồi ẩm, xử lý nhiệt (chao), phân loại, tách nhân, sấy, bóc lụa, khử trùng và đóng gói, rồi mới xuất khẩu được. Một khó khăn khác ở chỗ, châu Phi là thị trường mới, thương nhân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm giao thương. Liệu Việt Nam có thể cử người sang châu Phi kiểm tra chất lượng điều, rồi lại chủ động chở gạo sang châu Phi, trường hợp hàng kiểm rồi song khi nhận chất lượng kém, theo kiện sẽ là việc vô cùng khó khăn.

Vướng mắc lớn hơn cả là Việt Nam không hạn chế xuất nhập khẩu điều, trong khi gạo là mặt hàng khống chế "quota" và không phải DN nào cũng được xuất khẩu. Hiện việc xuất khẩu gạo được giao tập trung chủ yếu cho hai đơn vị là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam, DN ngành điều không có chức năng xuất khẩu gạo nên không thể tự mang gạo sang châu Phi. Trong khi đó, giá trị gạo xuất khẩu thường được tính bằng ngoại tệ, giờ quy đổi sang điều nguyên liệu, nếu không có sự phối hợp tốt giữa ngành lương thực, ngành điều và đối tác châu Phi, sẽ khó đạt được một thỏa thuận hợp lý.

Trên thực tế, ý tưởng "đổi gạo lấy điều" đã được Lafoco, Vinacas khởi xướng và đề cập từ tháng 4/2009. Đến thời điểm này, đề án chi tiết đang được Ban chấp hành Vinacas xem xét soạn thảo, chưa trình lên các cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy, từ ý tưởng đến thực hiện sẽ là cả quãng đường dài.

Tại Việt Nam, từ những năm 80 của thế kỷ trước, DN xuất nhập khẩu chủ yếu sử dụng phương thức hàng đổi hàng nhằm trao đổi nông sản lấy các loại hàng hóa khác như phân bón, sắt thép… Lãnh đạo một DN xuất nhập khẩu lớn cho hay, có thời điểm 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của DN được thực hiện dưới hình thức hàng đổi hàng. Tuy nhiên, đây là phương thức cổ nhất trong các hình thức giao thương và điểm hạn chế là không tạo ra được những mối quan hệ đa dạng, vì trao đổi hàng hóa thường bó hẹp trong phạm vi trực tiếp. Một điểm hạn chế nữa ở chỗ, nhà xuất nhập khẩu nào sẽ là người "tiên phong" đưa hàng hóa của mình đi trước và chịu những rủi ro có thể phát sinh. Thông thường, hàng đổi hàng được áp dụng phổ biến trong trường hợp DN chủ động được cả lượng hàng xuất và có kênh tiêu thụ phân phối hàng nhập, chứ ít khi mở rộng theo mối quan hệ "tay ba" như đổi gạo lấy điều.

Trong khu vực, nhiều mạng lưới hàng đổi hàng được thiết lập, đơn cử như trang web hàng đổi hàng lớn nhất châu Á Barterxchange có tới 600 thành viên là các DN Malaysia,  Singapore... Trong mạng lưới này, thay vì áp dụng phương thức đơn giản là đổi hàng hóa và dịch vụ trực tiếp giữa từng thành viên, các thành viên đăng nhập vào một hệ thống trên mạng và sử dụng một loại "tiền" chung là điểm tín dụng. Các công ty đưa ra sản phẩm, dịch vụ họ có để trao đổi và được quy ra điểm tín dụng. Sau đó, các công ty dùng điểm này để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ mà họ muốn từ các thành viên khác. Trang web được kết nối với hơn một chục website tương tự khác trên toàn cầu. Theo Hiệp hội Trao đổi hàng hóa quốc tế (IRTA), thị trường hàng đổi hàng toàn cầu hiện nay có doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ USD. Mức độ phổ biến của hoạt động này cũng đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những thương vụ hàng đổi hàng mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, còn ở phạm vi lớn, với những đối tác mới, thị trường mới, không dễ thực hiện được phương thức truyền thống như vậy. 

Thuỳ Linh
Thuỳ Linh

Tin cùng chuyên mục