Đôi điều về lãi suất khung các công ty tài chính

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có yêu cầu các công ty tài chính phải xây dựng lãi suất khung, nên hiểu điều này như thế nào?
Hiện nay, các TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận 
về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật
Hiện nay, các TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay của các công ty tài chính được tính toán theo công thức: Lãi suất huy động + biên độ (margin) = Lãi suất cho vay.

Các công ty tài chính không được huy động vốn từ khách hàng cá nhân như ngân hàng, mà huy động vốn đầu vào từ ngân hàng và doanh nghiệp, do vậy, mức lãi suất cho vay giữa các công ty này là khác nhau, phu thuộc vào nguồn vốn huy động được rẻ hay đắt.

Chẳng hạn, với những công ty như Prudential Finance, Home Credit có nguồn vốn hỗ trợ từ công ty mẹ, hay FE Credit đang có hợp đồng vay vốn với thời hạn trị giá 155 triệu USD đến từ Credit Suisse AG Singapore (Credit Suisse), điều này đồng nghĩa với việc các công ty này có nguồn vốn giá rẻ nên lãi suất cho vay sẽ thấp hơn so với các công ty tài chính khác.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ, trong cho vay tiêu dùng, lãi suất của các công ty tài chính thường cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh và lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.

Lý do bởi, về bản chất, tín dụng tiêu dùng thường có mức độ rủi ro cao hơn so với các loại hình cho vay khác của các tổ chức tín dụng (TCTD), vì chủ yếu đây là khoản vay tín chấp, hoặc có tài sản bảo đảm mà giá trị thấp hơn so với mức vay, chi phí cũng cao hơn do phải có mạng lưới phủ rộng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng vay. Các khoản vay này kỳ hạn ngắn và giá trị cho vay nhỏ nên chi phí lớn.

Điều này có thể hiểu rằng, lãi suất khung mà các công ty tài chính ban hành thời gian  tới sẽ có sự khác biệt ở mức cao nhất, thấp nhất và khách nhau giữa loại hình vay, chứ không giống các ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Home Credit cho biết: “Tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là một trong những tôn chỉ hoạt động của Home Credit Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Home Credit Việt Nam luôn tuân thủ theo các quy định của pháp luật nói chung và của NHNN nói riêng, bao gồm cả các quy định về khung lãi suất nêu trên của cơ quan quản lý”.

Về phía FE Credit, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và hiện đang phục vụ hàng triệu khách hàng trên cả nước, FE Credit luôn đề cao nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong quá trình hệ thống vận hành không tránh khỏi có những thiếu sót nhất định…

Với mong muốn đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và sự an tâm tuyệt đối cho các nhà đầu tư, từ các cấp lãnh đạo đến toàn thể cán bộ nhân viên trong Công ty đều không ngừng nỗ lực để liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng”.

Số liệu được bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, ước tính đến năm 2019, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 44 tỷ USD (tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ năm 2013 tới năm 2016 của thị trường cho vay tiêu dùng nói chung là 44% và của các công ty tài chính nói riêng là 91%.

"Với dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới, nhu cầu nâng cao hiệu quả xử lý các đề nghị vay, tăng cường quản trị rủi ro và giảm chi phí hoạt động thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình cho vay là điều rất cấp thiết", bà Dương nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục