EVN vừa đề nghị cơ quan hữu trách cho phép Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 được sử dụng tên và mã số của Ban Quản lý để nhập khẩu các vật tư, thiết bị cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 theo danh mục miễn thuế (ngày 29/10/2012) và danh mục miễn thuế điều chỉnh (ngày 25/4/2013) đã được Cục Hải quan Quảng Ninh cấp cho EVN. Đồng thời, EVN cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 được thừa hưởng các ưu đãi về thuế của EVN.
Ông Lê Khắc Chấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 cho hay, hiện tại, Dự án đã nhập khẩu được 158 triệu USD giá trị vật tư, thiết bị trong tổng số 950 triệu USD của danh mục miễn thuế được cấp và bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm để nhập khẩu các thiết bị, phục vụ cho lắp máy. Tiến độ của Dự án hiện đã đạt 34 - 35% tổng thể công trình và đang cố gắng duy trì, đẩy nhanh bằng cách tăng ca để không bị ảnh hưởng của mùa mưa bão.
Gói thầu xây dựng nhà máy chính của Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 đã được khởi công vào ngày 22/10/2011. Theo kế hoạch, Tổ máy số 1 sẽ được hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại sau 40 tháng (quý I/2015) và Tổ máy số 2 sẽ đưa vào vận hành sau 46 tháng (dự kiến quý III/2015).
Vẫn theo ông Chấn, việc làm lại các giấy phép, chính sách ưu đãi của Dự án cho pháp nhân mới là EVN Genco 3, thay vì là EVN trước đây, được tiến hành khẩn trương ngay từ tháng 5, để không ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Nhưng do là các thủ tục hành chính, nên cần có thời gian nhất định để cơ quan hữu trách kiểm tra hồ sơ.
“Cơ quan chức năng không sai, vì ở đây đã có sự thay đổi chủ đầu tư. Nhưng nếu vài ba tháng không hoàn tất các thủ tục giấy tờ pháp lý của quá trình chuyển đổi, thì cũng lo ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án, nhất là khi vốn của EVN Genco 3 sẽ không dồi dào hay có tên tuổi được biết đến nhiều như EVN”, ông Chấn nói.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 do EVN đầu tư được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, Dự án thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu. Trên cơ sở đó, cơ quan hải quan tại địa phương đã cấp danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu (danh mục miễn thuế) lần đầu và danh mục miễn thuế điều chỉnh cho EVN.
Ở thời điểm đó, Ban quản lý Dự án Nhiệt điện 1 là đơn vị trực thuộc EVN và đã được EVN ủy quyền cho đơn vị này thực hiện nhập khẩu vật tư, thiết bị cho Dự án theo danh mục miễn thuế nói trên. Việc ủy quyền này cũng có hiệu lực đến khi Dự án hoàn thành.
Tuy nhiên, khi tiến hành sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trong EVN, Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 do Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 trực tiếp quản lý được bàn giao cho chủ đầu tư mới là Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3) - đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc EVN được thành lập theo Quyết định 3025/QĐ-BCT.
Tiếp đó, tới ngày 29/5/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Phát điện 3 - Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 với mã số khác hoàn toàn khi Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 còn trực thuộc EVN.
Dựa theo hướng dẫn của Bộ Công thương về việc chuyển chủ đầu tư các dự án nguồn điện từ EVN sang các EVN Genco, Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 cũng đã được bàn giao nguyên trạng từ EVN sang EVN Genco 3.
Tuy nhiên, cùng với việc bàn giao, chuyển Dự án về EVN Genco 3, EVN đang lo ngại tiến độ nhập khẩu vật tư, thiết bị cho Dự án Mông Dương 1 sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới tiến độ công trình ảnh hưởng theo.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, trong kiến nghị gửi tới cơ quan hải quan, đã cho hay, việc chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư và danh mục miễn thuế của Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 từ EVN sang EVN Genco 3 cần có thời gian, trong khi việc nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ Dự án lại đang trong giai đoạn gấp rút, diễn ra thường xuyên, liên tục để đảm bảo công tác lắp đặt theo tiến độ đã định. Bởi vậy, trong thời gian quá độ chuyển đổi này, EVN đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 1 được sử dụng tên và mã số thuế vừa được cấp vào tháng 5/2013 để thực hiện nhập khẩu thiết bị và vật tư, thiết bị cho Dự án theo danh mục miễn thuế đã được cấp cho EVN trước đây, cũng như được thừa hưởng các ưu đãi thuế của EVN.
Theo các chuyên gia hải quan, đề nghị của EVN là không thừa, bởi danh mục miễn thuế chỉ được cấp cho chủ đầu tư. Nay chủ đầu tư đã thay đổi, thì danh mục cũ ngay lập tức không còn giá trị. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế cho các vật tư, thiết bị, mà lẽ ra được miễn thuế theo danh mục miễn thuế đã được cấp cho chủ đầu tư cũ.
Trên thực tế, đã có nhà đầu tư vì đảm bảo tiến độ dự án đã phải ứng tiền nộp thuế nhập khẩu thiết bị và sau đó, lại bước vào hành trình dài để xin hoàn thuế, mà lẽ ra được miễn nếu không có những thay đổi về chủ đầu tư hay thời gian thực hiện quá dài khiến danh mục miễn thuế được cấp ban đầu hết hạn. Dự án Kumho Plaza Asiana Saigon (TP.HCM) là một ví dụ điển hình của tình trạng này.