Theo phản ánh của đại diện nhóm khách hàng tại Dự án Hà Nội Times Tower, ngay sau khi có thông tin Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup - OGC) trở thành cổ đông chi phối của PVR, vị đại diện này đã gửi thông điệp đến “ông chủ mới” của PVR về việc xin rút vốn.
Trước đó, bằng nhiều hình thức, nhóm khách hàng đã liên tục gây áp lực với chủ đầu tư PVR để đòi các quyền lợi, trong đó, có việc rút vốn khỏi Dự án. Tuy nhiên, nhiều đòi hỏi của khách hàng đã bị chủ đầu tư bác bỏ thẳng thừng.
Anh Trần Hải Trung, đại diện nhóm khách hàng tại Dự án Hà Nội Times Tower cho biết, khách hàng không muốn làm mất uy tín của chủ đầu tư, mà chỉ muốn được đảm bảo các quyền lợi của mình. Anh Trung hy vọng, với việc nắm quyền chi phối tại PVR, OGC, một DN có uy tín trong lĩnh vực bất động sản, sẽ có cách giải quyết đảm bảo được quyền lợi của khách hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn khách hàng góp vốn mua nhà tại Dự án Hà Nội Times Tower phải mua với mức giá trên 23 triệu đồng/m2, chênh khoảng 2 triệu đồng/m2 so với giá gốc. Trong khi đó, PVR thừa nhận Dự án đã huy động vốn góp cho 90% số căn hộ. Mặc dù hầu hết các dự án lân cận đều giảm mạnh giá bán từ 3 - 5 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư Hà Nội Times Tower vẫn khẳng định không có kế hoạch giảm giá sản phẩm căn hộ.
Được biết, hiện phần lớn khách hàng góp vốn mua nhà tại Dự án Hà Nội Times Tower vẫn chưa đồng ý chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, do Dự án chậm tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành phần móng và hợp đồng mua bán có quá nhiều điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư. Đối với số ít nhà đầu tư đã ký vào hợp đồng mua bán, hiện các khách hàng này cũng không tiếp tục đóng tiền do Dự án hầu như đang bị đình trệ.
Liên quan đến việc huy động vốn gây nhiều tranh cãi tại Dự án Hà Nội Times Tower, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã nêu ra những sai sót của PVR trong việc bán hàng khi chưa hoàn thành phần móng, vi phạm quy định tại Nghị định 71/2010. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc PVR khẳng định, việc PVR huy động vốn của khách hàng là đúng luật, đã được thỏa thuận giữa người bán, người mua.
Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, đến thời điểm này, chưa thể nói dự án chậm tiến độ, vì hợp đồng ghi đến cuối năm 2013 sẽ xong phần thô. Việc Dự án không đẩy nhanh tiến độ là do khi xây cọc lên cốt 00, khách hàng không tiếp tục đóng tiền. Chủ dự án này cũng lo ngại, nếu vay tiền để làm tiếp, đến khi hoàn thiện mà khách hàng không chuyển sang hợp đồng mua bán hoặc không đóng tiền tiếp thì chủ dự án sẽ bị chôn vốn và phải chịu lãi suất vay cao…
Trái ngược với những quan điểm cứng rắn của Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Anh, trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn OceanGroup cho biết, sắp tới, lãnh đạo Công ty sẽ ngồi lại với khách hàng, xem xét trên cả phương diện lý và tình, để đi đến một phương án giải quyết thống nhất.
Trong bối cảnh thị trường BĐS vô cùng khó khăn, những mâu thuẫn của chủ đầu tư với khách hàng là điều khó tránh. Tuy nhiên, việc khăng khăng cho mình là đúng và đẩy trách nhiệm về phía khách hàng không phải là giải pháp hay trong thời điểm này.