Đốc thúc giải ngân đầu tư công cuối năm

(ĐTCK) Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9/2016, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách ước đạt 130,2 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40% dự toán được giao. 
 
Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là một số bộ ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn 2016 Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là một số bộ ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn 2016

Như vậy, so với tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được giao năm 2016 là 250.000 tỷ đồng, mức giải ngân trong những tháng cuối quý III đang chậm hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là một số bộ ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016; việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm trễ; trong khi đó thủ tục thực hiện còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tình trạng này đã tồn tại từ lâu và cho đến nay hầu như chưa có chuyển biến đáng kể, khiến quy trình, tốc độ giải ngân vẫn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của cả quý III, nhiều khả năng dẫn tới không hoàn thành kế hoạch giải ngân trong các tháng cuối năm.

Theo phản ánh của một số địa phương, việc thực thi triển khai còn gặp nhiều vướng mắc do những tồn tại như chậm trễ và thiếu kiên quyết giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng các dự án đang được triển khai, năng lực của nhà thầu không đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, theo phản ánh của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, quy trình quản lý phê duyệt đầu tư của một số bộ ngành vẫn còn rất bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai của nhà đầu tư.

“Hiện nay, Bộ Xây dựng đang quản lý và phê duyệt đầu tư đối với hầu hết các công trình xây dựng cấp 1. Tuy nhiên, quy định quản lý này sẽ gây rườm rà, phức tạp cho nhà đầu tư bởi trên thực tế, công trình cấp 1 bao gồm rất nhiều các dự án hợp phần nhỏ, không nên đòi hỏi dự án nào cũng phải ra Hà Nội để xin phê duyệt của Bộ Xây dựng”, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết.

Theo đề xuất của ông Sơn, quy trình thủ tục này cần được các bộ xem lại, đặc biệt là Bộ Xây dựng, cơ quan trực tiếp quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, từ đó có thể đẩy nhanh được tiến độ triển khai.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tạo chuyển biến đột phá trong việc giải ngân những tháng cuối năm để đảm bảo có thể hoàn thành kế hoạch cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có công văn yêu cầu các bộ ngành trung ương, địa phương báo cáo tình hình thực hiện giải ngân đến nay, nêu rõ lý do giải ngân chậm trong các tháng đầu năm, tích cực đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các tháng còn lại, đồng thời đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện để khắc phục các tồn tại, hạn chế về chậm giải ngân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu báo cáo dự kiến khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch cả năm 2016 của các bộ, ngành trung ương và địa phương, bao gồm đề xuất cắt giảm kế hoạch năm 2016 nếu không có khả năng thực hiện trong năm nay, báo cáo chi tiết kết quả giải ngân của từng dự án đến ngày 30/9/2016 và báo cáo chi tiết kết quả thực hiện và giải ngân của từng dự án đến ngày 31/1/2017. Đây là một động thái khẩn trương nhằm nỗ lực cùng các bộ ngành, địa phương có phương án tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân để tạo động lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cuối năm.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ cần triển khai đúng quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2017 cho các dự án giao kế hoạch vốn năm 2016 vào đợt 2, đợt 3, nhưng đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30%. Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định này nhằm bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay của Chính phủ. Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ hàng năm hiện nay đều từ nguồn vốn vay của Chính phủ (thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, vay nợ nước ngoài và các khoản vay khác).

Các địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao nhưng Chính phủ vẫn phải vay, phải trả gốc, trả lãi rất lớn. Nếu các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2016 đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch, thì đến hết năm 2016 không thể giải ngân hết số vốn được giao. Vì vậy, sang năm 2017, các địa phương này cần tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân hết số vốn năm 2016 chuyển sang.

Đại diện Bộ khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm các quy định này và không sửa đổi các chế tài quy định tại Nghị quyết này.      

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục