Theo đó, những năm trước DOC sử dụng Bangladesh làm nước thay thế để tính mức thuế với Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm nay, một nhóm chủ tàu và nhà chế biến Hoa Kỳ đã khiếu kiện, viện dẫn các quyết định của chính phủ liên bang là không sử dụng Bangladesh vì lạm dụng lao động.
Ủy ban đặc biệt về Hành động Thương mại Tôm (Ủy ban tôm) đã khởi kiện và Tòa đã ra lệnh thẩm định lại quyết định của DOC.
Sau khi xem xét lại, Bộ Thương mại đã chọn cách đánh giá tôm của Việt Nam dựa trên số liệu lương từ Ấn Độ và lưu ý rằng nước đông dân thứ hai trên thế giới này không bị ghi nhận về tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm như Bangladesh.
Quyết định này có nghĩa là các nhà nhập khẩu được lựa chọn phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu cao hơn trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2013 (đợt rà soát hành chính lần thứ 9). Mức thuế đã tăng từ 1,16% lên 1,42% do Tòa yêu cầu xác định lại mức thuế.
Các công ty nhập khẩu sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ phải nộp tiền đặt cọc, từ đó chính phủ trừ tiền thuế. DOC tiến hành các cuộc rà soát hành chính như trên theo định kỳ để cập nhật và tính toán lại các mức thuế.
Cuộc rà soát tiếp theo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới. Theo ông Nathan Rickard- luật sư đại diện cho Ủy ban Tôm, Ủy ban này sẽ thúc giục DOC từ chối chọn Bangladesh làm nước so sánh đối với các đợt rà soát trong tương lai.
Xuất khẩu tôm là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh thu từ xuất khẩu tôm của Việt Nam là 1,56 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, tăng gần 16% so với năm ngoái.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đã từng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệpxuất khẩu tôm Việt Nam, tuy nhiên, VASEP lưu ý rằng hiện nay Nhật Bản mới là nhà nhập khẩu hàng đầu.