Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu mới được tiến hành bởi trường Đại học Kingston (London, Anh). Những người đọc sách thường có xu hướng hành động theo chuẩn mực đạo đức mà xã hội hướng đến, trong khi đó, những người có sở thích xem tivi lại có vẻ kém thân thiện, họ thường cảm thấy khó khăn trong việc thấu hiểu cảm nhận của người khác.
Nghiên cứu tâm lý của trường Đại học Kingston tiến hành với 123 tình nguyện viên. Những người này được đặt nhiều câu hỏi xoay quanh thói quen đọc sách và xem tivi, để xác định xu hướng giải trí thực sự của từng tình nguyện viên.
Sau đó, các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra những kỹ năng giao tiếp - ứng xử để đánh giá về khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác cũng như cách hành xử để giúp đỡ đối phương trong những tình huống cần sự hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu tâm lý cho thấy những người có sở thích đọc sách có nhiều phản ứng tích cực hơn những người thích xem tivi.
Đặc biệt, những người thích đọc tiểu thuyết văn học, tiểu thuyết tình cảm thể hiện khả năng cảm thông nhiều hơn hẳn; trong khi đó, những người yêu thích đọc sách khoa học hay các đầu sách giúp nâng cao tri thức cho thấy khả năng nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ đa dạng một cách thấu đáo.
Đặc biệt, người thích đọc truyện tiếu lâm có kết quả tốt nhất trong việc thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ những người xung quanh. Nghiên cứu cho rằng việc đọc sách cho phép người đọc có thể quan sát sự việc qua những góc độ khác nhau thông qua góc nhìn của các nhân vật, từ đó giúp họ có khả năng thấu hiểu người khác tốt hơn trong đời sống thực.
Nghiên cứu kết luận: Việc thường xuyên đọc sách có liên hệ tới khả năng cảm thông, khả năng thấu hiểu của một con người. Việc thích thú với những cuốn tiểu thuyết văn học có thể coi là chìa khóa giúp nâng cao khả năng thấu cảm của mỗi cá nhân.
Việc đọc sách đưa lại những cách nghĩ, cách làm tích cực trong đời sống; và những người có chiều sâu nội tâm, có tính cách tốt đẹp cũng thường có sở thích đọc sách.
Nghiên cứu này được thực hiện sau một nghiên cứu khác từng được tiến hành hồi năm 2015 với kết quả cho thấy những điều tương tự, rằng đọc sách văn học giúp người đọc trở nên thông minh và tốt tính hơn.
Đặc biệt, nghiên cứu của các nhà tâm lý học đến từ Viện nghiên cứu Xã hội (New York, Mỹ) còn chỉ ra chi tiết hơn, khi họ khẳng định rằng văn học cổ điển có nhiều tác dụng hơn trong việc cải thiện khả năng thấu cảm của con người (so với văn học thị trường).
Các nhà nghiên cứu để hàng loạt những bức ảnh chụp hình đôi mắt của các diễn viên trước các tình nguyện viên, yêu cầu người tham gia thử nghiệm gọi tên cảm xúc đang được thể hiện qua đôi mắt. Những người có xu hướng thích đọc sách văn học cổ điển có thể gọi tên cảm xúc tốt hơn hẳn.
Những người cũng đọc sách văn học nhưng chuộng văn học hiện đại, thời thượng và đọc theo thị hiếu, có kết quả khảo sát kém hơn.
Điều này được lý giải rằng nhiều tiểu thuyết văn học thị trường được ưa chuộng hiện nay có xu hướng sáng tác theo công thức, với những nhân vật không có chiều sâu; trong khi các sách văn học cổ điển đã được thời gian kiểm chứng, luôn có những nhân vật có chiều sâu tâm lý, diễn biến nội tâm đa dạng, phức tạp, đòi hỏi người đọc phải “động não” mới có thể thấu hiểu.
Ngược lại, những tiểu thuyết thời thượng, ăn khách nhất thời, dù có thể dễ đọc, dễ cảm, nhưng lại có xu hướng khắc họa nhân vật ít biến động và khá dễ đoán.