Đọc gì thời “bội thực thông tin”?

(ĐTCK-online) Khoan hãy nói đến chuyện thông tin bạn đọc cung cấp cho bạn những gì, đúng hay sai, nên hay không nên, bản thân việc bạn đọc quá nhiều cũng khiến đầu óc bạn rơi vào trạng thái “loãng”. Đã lúc nào bạn ngồi đọc tin cả buổi, và sau khi nhìn lại bạn vẫn chẳng thể quyết định nổi mình sẽ làm gì chưa? Nếu có, có lẽ bạn đã nạp vào đầu một mớ thông tin hỗn hợp, đầu óc bạn không đủ thời gian để tổng hợp, phân tích chúng.

Một ngày của nhà đầu tư

Nếu bạn là nhà đầu tư luôn theo sát thị trường, ắt hẳn một ngày của bạn phải được bắt đầu bằng việc lên sàn, hoặc vào mạng theo dõi bảng giao dịch trực tuyến. Kế đó, bạn sẽ theo dõi những thông tin liên quan trực tiếp đến cổ phiếu trong danh mục hoặc trong tầm ngắm. Cuối cùng, bạn sẽ xem đến bài phân tích thị trường của các báo, các nhà phân tích tên tuổi. Một ngày của bạn vẫn còn rất dài, bạn sẽ mở nhiều website, mua nhiều báo khác nhau với niềm tin sắt đá rằng, càng có nhiều thông tin bạn càng hiểu thêm về thị trường, đồng nghĩa với việc bạn càng có nhiều khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt.

Bạn không hẳn là một nhà đầu tư theo trường phái chú trọng vào các thông tin, nhưng có thể khẳng định rằng, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư hiện nay có diễn biến một ngày đúng như vậy.

 

Bội thực thông tin

Khoan hãy nói đến chuyện thông tin bạn đọc cung cấp cho bạn những gì, đúng hay sai, nên hay không nên, bản thân việc bạn đọc quá nhiều cũng khiến đầu óc bạn rơi vào trạng thái “loãng”. Đã lúc nào bạn ngồi đọc tin cả buổi, và sau khi nhìn lại bạn vẫn chẳng thể quyết định nổi mình sẽ làm gì chưa? Nếu có, có lẽ bạn đã nạp vào đầu một mớ thông tin hỗn hợp, đầu óc bạn không đủ thời gian để tổng hợp, phân tích chúng.

Bạn thấy nhiều bài viết kêu rằng, nhà đầu tư nhỏ lẻ còn hạn chế về thông tin, chưa hiểu biết về thị trường… Trong thời kỳ đầu thì đúng là có chuyện đó thật. Nhưng mỗi thời mỗi bệnh, khi truyền thông đã bắt kịp thị trường thì ta lại nghe đến một căn bệnh khác, đó là căn bệnh bội thực thông tin. Cũng giống như chuyện năm 1945, nước ta có hàng triệu đồng bào chết đói, nhưng tới năm 2045, ai biết sẽ có bao nhiêu người phải vào viện trị bệnh béo phì?! Và căn bệnh “béo phì” thông tin đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đầu tư nếu bạn không biết tiêu thụ chúng thế nào cho hợp lý.

 

Câu chuyện thú vị

Đầu tiên, tôi phải khẳng định rằng, báo chí vẫn là một sáng tạo tuyệt vời; nó cũng giống như thức ăn trong thời đại mới, bạn không thể sống thiếu nó; đặc biệt, nếu bạn là một nhà đầu tư.

Bạn đọc rất nhiều thứ, và tôi tin chắc rằng, bạn ít khi được đọc những bản tin toàn con số khô khan; thông thường, mỗi bài viết dù thế nào cũng thêm vào đó vài dòng phân tích hoặc chí ít là nêu lý do rằng, tại sao thị trường hôm đó lại như vậy. Nếu bạn theo dõi thường xuyên, chắc hẳn bạn cũng nhận thấy một câu chuyện rất thú vị xảy ra là khi thị trường giảm mạnh thì có bài viết cho rằng, đó là do ảnh hưởng của thuế thu nhập cá nhân đánh vào chứng khoán, ảnh hưởng tâm lý về đợt IPO Vietcombank, Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN siết vốn cho vay đầu tư chứng khoán… Nhưng một vài hôm sau, khi thị trường tăng giá, có bài viết lại lý giải là nhà đầu tư đã lạc quan hơn với thị trường, ảnh hưởng thuế, IPO Vietcombank… đã nguôi ngoai. Sau đó, thị trường bất ngờ sụt giảm thì có bài viết diễn bài giải thích cũ, nào là ảnh hưởng thuế, Chỉ thị 03, rồi IPO Vietcombank… vẫn còn mạnh, mặc dù bản chất sự việc không hề thay đổi! Vậy, với tư cách là một nhà đầu tư, bạn thu hoạch được gì sau khi đọc những bài nhận định đó?

Một vấn đề khác là việc cóp thông tin từ trang web này sang trang web khác, báo nọ đăng lại tin của báo kia; thậm chí, có những trang web chỉ có một việc đơn giản là tổng hợp tin từ các trang web khác sau đó ghi nguồn bên dưới. Bạn mở nhiều trang web khác nhau nhưng phải vất vả lắm mới có thể tìm được một thông tin không “đụng hàng”. Đa số trường hợp, bạn sẽ gặp những cái tít rất kêu của một bài viết nào đó đã đọc rồi.

Ắt hẳn bạn đã nghe thấy câu nói rằng, cái sai nhắc lại nhiều lần cũng… bớt sai đi nhiều. Tuy nhiên, dù tất cả thông tin lặp lại mà bạn đọc đều chính xác, nhưng việc lặp lại quá nhiều (có thể không cóp-py 100% nhưng một vấn đề do nhiều người viết) sẽ khiến bạn có sự cảm nhận thái quá. Đơn cử như chuyện IPO Vietcombank, có lẽ tâm lý bạn sẽ bớt nặng nề nếu không có chuyện trang web nào cũng có những bài phân tích, nhận định không mấy tích cực về thị trường giai đoạn hậu IPO Vietcombank.

 

Bạn nên làm gì?

Tất nhiên, tôi không bao giờ khuyên bạn đừng đọc tin nữa. Một nhà đầu tư thành công phải biết cách tìm và xử lý thông tin. Tôi nghĩ rằng, trước khi đọc bất cứ một thông tin gì, nên đặt ra câu hỏi, mình tìm gì trong đó? Tốt nhất, bạn nên xây dựng cho mình một nguyên tắc đọc tin theo thứ tư ưu tiên, tùy theo phong cách của bạn.

Nhưng bạn nên dành sự quan tâm đến các tin gốc, tin thực sự có ảnh hưởng tới cổ phiếu, tới thị trường. Tất cả những bài phân tích, nhận định bạn chỉ nên tham khảo. Sở dĩ như vậy là vì trong thời gian qua, dự đoán của các chuyên gia cũng không chính xác được bao nhiêu. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, chưa ai “khôn” hơn thị trường được!

Bạn hãy mạnh dạn tìm lấy hướng đi cho mình, chỉ có bạn mới biết phải làm gì với những đồng tiền của mình. Tôi xin khẳng định rằng, 5 nhà đầu tư vĩ đại nhất của phố Wall chưa bao giờ nhắc tới cái gọi là “ý kiến chuyên gia” trong các bí quyết thành công của họ!

Theo tôi, bạn nên tìm cho mình một kênh thông tin “ruột”, tức là trung thành với một tờ báo hoặc trang web nào đó nhằm hạn chế tối đa khả năng “loãng” thông tin, sự việc được nhìn nhận khách quan hơn. Điều này không chỉ giúp ích cho bạn mà còn giúp ích cho cả thị trường. Tuy nhiên, kênh thông tin đó phải được kiểm chứng bằng thực tế trên thị trường trong một thời gian đủ dài, có nhiều tính năng ưu việt, nhanh, cập nhật liên tục, cung cấp hầu hết những thông tin cần thiết.        

Hoàng Oanh
Hoàng Oanh

Tin cùng chuyên mục