Doanh thu xuất khẩu máy tính, điện thoại đạt xấp xỉ 110 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Dù xuất khẩu giảm hàng tỷ USD so với năm ngoái, nhưng kết thúc năm 2023, 2 ngành xuất khẩu chủ lực là máy tính, điện thoại và linh kiện đã đóng góp doanh thu ước gần 110 tỷ USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện từ trở thành ngành hàng xuất khẩu dẫn đầu năm 2023 với 56 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện từ trở thành ngành hàng xuất khẩu dẫn đầu năm 2023 với 56 tỷ USD.

Năm qua, xuất khẩu Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vươn lên dẫn đầu là ngành đóng góp doanh thu xuất khẩu lớn nhất, đạt 56 tỷ USD, tăng nhẹ 500 triệu USD so với thực hiện của năm trước.

Điện thoại, linh kiện sau nhiều năm giữ vị trí quán quân đã lùi lại thứ 2, mang về doanh thu 53,7 tỷ USD, giảm 4,3 tỷ USD so với năm 2022. Ước tổng doanh thu xuất khẩu của 2 ngành này xấp xỉ 110 tỷ USD.

Đặc biệt, trong xu thế giảm chung của xuất khẩu, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang khu vực thị trường châu Á-châu Phi vẫn tăng 6,4%, đạt 28,3 tỷ USD.

Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu là điểm đến quan trọng của 2 ngành hàng này suy giảm mạnh.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, tăng 3,1% trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công của nhiều ngành, trong đó có điện tử, gỗ, dệt may, da giày... thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, các doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%,.

Mặt hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại vẫn đang đối mặt với sức mua chưa được cải thiện đồng đều tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Dự báo thương mại toàn cầu vẫn hồi phục chậm trong năm 2024, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đặt mục tiêu chinh phục khoảng 60 tỷ USD, điện thoại là 57 tỷ USD.

Bộ Công thương nhận định, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh.

Trong đó, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.

Ngoài ra, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục