Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 10,3 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
6 tháng 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam nửa đầu năm 2023 đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam nửa đầu năm 2023 đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng đã bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu của thương mại điện tử tới môi trường.

Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, các hoạt động của dịch vụ hoàn tất đơn hàng, bao gồm logistics và giao hàng chặng cuối đã sử dụng quá mức các vật liệu đóng gói không thân thiện tới môi trường cũng như phát thải lượng lớn khí carbon. Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc.

Để thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường trong những năm tới thì các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp.

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 với chủ đề “Hướng tới Thương mại điện tử Xanh”.

Diễn đàn tập trung bàn thảo các vấn đề liên quan đến Thương mại điện tử và Logistics với phát triển bền vững về môi trường; Chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững; Tối ưu hóa hoạt động logistics thúc đẩy bảo vệ môi trường; Kế hoạch hành động triển khai Kinh tế tuần hoàn – Trường hợp thương mại điện tử...

Ceo của một số doanh nghiệp lớn sẽ cùng chia sẻ tại Diễn đàn, trong đó, CEO Lazada Logistics đề cập tới câu chuyện giao vận nhanh, mở tương lai xanh; Nền tảng gọi xe công nghệ Grab: Đánh giá tác động môi trường và các giải pháp xanh; đại diện FADO đánh giá tác động tới môi trường của dịch vụ logistics/FS ...

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng.Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 ghi nhận, có đến 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (69%), thiết bị, đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)…

Còn Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt 57 tỷ USD. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục