Lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống ngành bảo hiểm Việt Nam vừa diễn ra đã thu hút hơn 300 quan khách đến từ Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm, cùng đại diện 59 doanh nghiệp bảo hiểm tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao bước phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam. Từ trước 1993, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp bảo hiểm và trực thuộc Nhà nước là Bảo Việt, tuy nhiên, sau 20 phát triển, hiện nay cả nước đã có 59 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong các lĩnh vực nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”. Trong thời gian tới đây, để đạt được những mục tiêu đã được cụ thể hoá trong Chiến lược, các thành viên thị trường cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của mình.
Trong đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán, cải thiện công tác quản trị điều hành... Trong khi đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), cần làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp bảo hiểm và các nhà đầu tư. Riêng với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các tiêu chí an toàn tài chính, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo thị trường phát triển nhanh, lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tham gia bảo hiểm và các nhà đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động Tập đoàn Bảo Việt cho biết, với trọng trách đảm bảo chế độ tài chính và sự an toàn tài sản cho Nhà nước, ra đời từ năm 1965, Bảo Việt đã triển khai những bước đi đầu tiên trong nghiệp vụ bảo hiểm, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vai trò là người tiên phong khai mở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo Việt khi đó đã cung cấp các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm trách nhiệm và con người, phát triển hệ thống mạng lưới, mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế và dân cư. Năm 1996, Bảo Việt trở thành doanh nghiệp đầu tiên triển khai triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch AVI cho biết, sau 20 năm phát triển, ngành bảo hiểm Việt Nam đã có sự lớn mạnh vượt bậc. Cụ thể, doanh thu tăng gần 70 lần, từ 700 tỷ đồng năm 1993, lên gần 46.000 tỷ đồng năm 2013. Tốc độ tăng trưởng bình quân bảo hiểm xấp xỉ 20%/năm.
Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn chỉnh.
Đồng tình với những đánh giá trên, song ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI cũng đưa ra nhiều điểm còn hạn chế của ngành bảo hiểm Việt Nam. Ví dụ như tình trạng cạnh tranh chưa lành mạnh dẫn đến doanh nghiệp bảo hiểm lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, thậm chí nhiều doanh nghiệp lỗ nhiều năm liên tục. Tính hợp tác chia sẻ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm không cao, trong khi đó, trong quản lý lại chưa có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng đủ nhu cầu quản lý, giám sát kịp thời, phát hiện trục lợi bảo hiểm để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh…
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bên cạnh việc đánh giá cao sự lớn mạnh và phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam, cũng nhìn nhận, so với một số nước trong khu vực, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hy vọng, với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, cùng với nhu cầu bảo hiểm của người dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội sẽ ngày càng tăng, cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển vẫn còn rất lớn.