Vốn cho các start-up ở đâu?

(ĐTCK) Tại các diễn đàn về khởi nghiệp (start-up), bên cạnh những khúc mắc về hoạt động kinh doanh, một trong những vấn đề mà rất nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp gặp phải đó là làm cách nào để có tiền cho dự án?
Các bạn trẻ giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp với các "nhà đầu tư thiên thần". Các bạn trẻ giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp với các "nhà đầu tư thiên thần".

Thực trạng loay hoay bài toán vốn

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 có chủ đề “ Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, với sự tham gia chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ngành ngày 29/11/2018, ghi nhận nhiều đóng góp ý kiến từ những người trực tiếp khởi nghiệp, phản ánh các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải hàng ngày, xoay quanh thủ tục pháp lý và vốn. Đặc biệt, những câu chuyện bên lề cũng cho thấy, nhiều start-up coi sự kiện là một cơ hội để tìm kiếm vốn đầu tư.

Yêu cầu diễn đàn là nêu thực trạng và tìm giải pháp để tạo đột phá cho start-up, nhưng rất nhiều ý kiến phát biểu nói lên nhu cầu huy động vốn cho dự án của mình. Nhìn ở góc độ mục tiêu ban đầu của Ban tổ chức, thì các ý kiến trên chưa đóng góp nhiều cho cộng đồng start-up để cùng nhau tạo nên những doanh nghiệp lớn, nhưng ở góc độ khác, nó cho thấy thực trạng các start-up đang rất thiếu vốn.

Một đại diện đến từ VNPT cho biết, bản thân VNPT rất muốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Về vốn, VNPT có đủ khả năng để đầu tư.

“Tuy nhiên, đầu tư vào dự án khởi nghiệp thì có được, có mất. Còn VNPT, đặc trưng là doanh nghiệp nhà nước, thì chỉ được phép được”. Đây là lý do khiến VNPT muốn, nhưng thực tế đang gặp “khó” khi đầu tư vào các start-up.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với khoảng 3.000 start-up hiện nay, nếu trông chờ vào các quỹ đầu tư tài chính hiện đã có mặt trên thị trường Việt Nam (chỉ vài chục quỹ) thì sẽ rất khó để doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút được vốn, nên cần có một chính sách tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp start-up, thay vì các cách kêu gọi vốn thông thường. 

Dự án tốt, hãy mạnh dạn bước xa

Tại diễn đàn, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, kêu gọi vốn vay ưu đãi cho các start-up, thành lập sàn chứng khoán cho start-up, thậm chí trích nguồn hỗ trợ khởi nghiệp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp start-up đã từng huy động thành công 100 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, chỉ nên kỳ vọng Chính phủ là “bà đỡ” cho start-up về mặt chính sách, chứ không nên coi đây là “nguồn sữa” để doanh nghiệp start-up trông chờ sự giúp đỡ về mặt nguồn vốn.

“Chúng tôi khi đi gặp các nhà đầu tư quốc tế luôn nói rằng, Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ các start-up, nhưng sự hỗ trợ ấy là tạo cho start-up không gian để phát triển, chứ không phải là start-up được Chính phủ hỗ trợ bao nhiêu tiền. Nhìn sang các start-up công nghệ của các nước lân cận như Grab, Go-jek… thì rõ ràng, với nguồn vốn chính phủ, làm sao họ có thể huy động được nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD như thế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Trước những ý kiến cho rằng, start-up thiếu vốn để làm dự án, vì nguồn vốn ban đầu tư ít, giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ, ông không đánh giá cao những start-up mà khi khởi nghiệp đã không tính toán được số tiền mình cần để dự án có thể tồn tại được. Vì như vậy, hoặc dự án đã vượt ra ngoài khả năng kiểm soát, hoặc đơn giản hơn là người khởi nghiệp không biết quản lý tài chính cho dự án.

Bước ra thế giới để huy động vốn là cách mà những start-up đã thành công khuyên các start-up trẻ tuổi. Họ cho rằng, ở những vòng gọi vốn ban đầu, việc huy động vốn từ người thân, bạn bè, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã có trong nước là cần thiết, nhưng để lớn hơn nữa, thì phải mang câu chuyện ra thế giới.

“Mặc bằng chung về mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay còn thấp. Chưa kể, start-up là làm những thứ mới mẻ, nên có khi họ còn không hiểu bạn đang làm gì, thì sao họ dám tin tưởng và đầu tư cho bạn. Thế nên, việc lập sàn giao dịch chứng khoán cho các start-up là cần thiết, nhưng có lẽ sẽ chưa trở thành công cụ huy động vốn tốt cho các start-up trong ngắn hạn.

Bước ra thế giới với những nguồn vốn lớn hơn, nơi họ đã có trải nghiệm và mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn, cơ hội cho bạn sẽ lớn hơn. Cá nhân tôi cho rằng, nguồn vốn trên thị trường thế giới rất nhiều, quan trọng là start-up có đủ giỏi để kể được câu chuyện hấp dẫn và có sức thuyết phục để nhà đầu tư rót vốn hay không”, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp có quy mô nhỏ hơn, tổ chức bên lề Diễn đàn.

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục