Triết lý hạt café nâng chất nhân sự Việt

(ĐTCK) Chị Nguyễn Hoài Phương, sáng lập viên Công ty TNHH Đào tạo Tư vấn và Đầu tư AFTC và Học viện amiCoach chia sẻ, chị dấn thân vào con đường kinh doanh, đào tạo nghề cho người đi làm, luyện thi các chứng chỉ quốc tế, vì lòng tự hào người Việt, nhân sự Việt Nam không có lý do gì để thua kém thế giới.
Triết lý hạt café nâng chất nhân sự Việt

Đam mê xây sứ mệnh "thế giới phẳng" với nhân sự việt

“Ngày mới ra trường, mình làm việc cho một ngân hàng nước ngoài, công việc khá tốt theo đánh giá của nhiều người, nhưng mình cảm nhận năng lượng tốt nhất của bản thân không nằm ở đây. Vì thế, mình chuyển qua làm giảng viên Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Ðại học Hà Nội). Ðây đúng là công việc mình yêu thích. Nhưng cá nhân mình cũng có máu kinh doanh.

Ban đầu, mình mở cửa hàng bán đồ, cho đến khi anh bạn rủ về làm cùng AFTC, để vừa đáp ứng nhu cầu được dạy, vừa được làm kinh doanh”, chị Phương chia sẻ các công việc trước khi trở thành thành viên sáng lập AFTC năm 2007 (từ tháng 7/2017, mảng đào tạo của AFTC có tên mới là Học viện amiCoach).

Với đặc thù đào tạo nghề cho người đi làm, luyện thi các chứng chỉ quốc tế, mà đối tượng học viên chủ yếu là người đã đi làm và sinh viên, nên một ngày làm việc của chị Phương thường kết thúc vào lúc 9 giờ tối và ít có ngày nghỉ cuối tuần.

Khi mọi người bắt đầu kết thúc giờ làm việc để trở về chuẩn bị cho bữa cơm tối cùng gia đình, hoặc đi chơi cùng nhau ngày cuối tuần, thì đó lại là lúc chị miệt mài đứng lớp.

Triết lý hạt café nâng chất nhân sự Việt ảnh 1

Chị Nguyễn Hoài Phương.

Vậy chị thực hiện nghĩa vụ gia đình như thế nào?

“Thực sự thì không phải lúc nào mình cũng bận đến tối khuya, vì sẽ có những dịp nghỉ giữa các kỳ luyện thi… Ðó là khoảng thời gian mình dành cho gia đình, người thân. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của của bố mẹ 2 bên, thì khó mà theo đuổi công việc hiện nay được. Bố mẹ mình rất hiểu đam mê của mình và giúp đỡ để mình đạt được đam mê ấy”, chị nói.

Triết lý hạt café

amiCoach không phải là cái tên quá nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục nói chung, nhưng với nhân sự lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán tại Hà Nội, TP.HCM thì đây lại là cái tên, địa chỉ quen thuộc.

Trong những năm gần đây, amiCoach đã đào tạo trên 5.300 lượt học viên tham gia học và luyện thi các chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) - chứng chỉ được công nhận toàn cầu dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính, tổ chức thi bởi Viện CFA; chứng chỉ FRM (Financial Risk Management) - chứng chỉ quản trị rủi ro tài chính được công nhận trên toàn cầu, được tổ chức thi và cấp bởi Hiệp hội Các chuyên gia quản trị rủi ro (GARP). amiCoach tự hào là tổ chức duy nhất tại Việt Nam được chứng nhận bởi cả Học viện CFA và Hiệp hội GARP.

Con đường này không đơn giản, khi nội dung các chương trình thi CFA, FRM được cấu trúc thay đổi theo từng năm, buộc người dạy phải tự học, thi vượt qua và cập nhật liên tục.

“Chương trình được thay đổi liên tục để đáp ứng với thực tiễn. Ví dụ, khi vấn đề rủi ro lên cao, thì cấu trúc chương trình học khác, khi tiền điện tử (crypto) bắt đầu bùng nổ, thì chương trình học và thi cũng có luôn. Bên mình chủ trương là luyện thi để học viên có thể thi đỗ, nhưng phải áp dụng vào thực tế được. Ðó là thách thức rất lớn, khi tài liệu học thi rất dày và rất nhiều, hoàn toàn bằng tiếng Anh, còn thời lượng giảng dạy thì lại không có nhiều”, chị Phương chia sẻ.

Triết lý hạt café nâng chất nhân sự Việt ảnh 2

Vậy tại sao AFTC và AmiCoach lại lựa chọn cách đi này?

Trả lời câu hỏi ấy, chị Phương cho biết, có nhiều lý do. Năm 2007, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, nhân sự ngành tài chính, chứng khoán bắt đầu thiếu. Chứng chỉ CFA được coi như “passport” để nhân sự ngành tài chính có thể đi bất cứ nơi nào trên thế giới, với mức thu nhập tốt. Thế nhưng, Việt Nam lại mới chỉ có vài người có chứng chỉ CFA.

“Ban đầu, mình thấy hay nên tìm hiểu, rồi tự mở lớp, mấy anh chị em học với nhau. Sau đó, mọi người đề nghị dạy, vì với lượng kiến thức khổng lồ, thời gian ngắn, để tự học và hiểu hết là rất vất vả. Từ những lớp tự phát ban đầu mang tính tổ nhóm, AFTC có khóa học đầu tiên. Mình cảm thấy rất vui khi có thể giúp mọi người tiếp cận và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các chuẩn mức quốc tế về tài chính.

Bạn cứ thử tưởng tượng nhé, với 7 cuốn sách dày cộp bằng tiếng Anh, để hiểu hết đã khó, chưa nói đến hiểu xong phải thuộc, phải làm bài thi, rồi áp dụng vào thực tế. Với việc có các chứng chỉ được công nhận toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, quản trị rủi ro tài chính, nhân sự Việt Nam không có lý do gì để thua kém thế giới”, chị Phương hào hứng nói.

Về lý do vì sao AFTC vẫn tập trung cho luyện thi các chứng chỉ toàn cầu có nhiều thách thức, thay vì chọn đào tạo một mảng khác thuận lợi hơn, thu nhập có thể cao hơn…, chị Phương chia sẻ, đó là sự lựa chọn vì đam mê.

“Mình cũng đã nhiều lần đặt bài toán về kinh doanh lên để suy nghĩ. Có nhiều lựa chọn khác dễ hơn, có thu nhập cao hơn, nhưng mình đã không chọn. Có lẽ, số phận và cá tính mình thích chọn con đường khó để chinh phục. Mười mấy năm làm đào tạo, chưa một lúc nào mình được ngồi im, không phải học cả. Nhưng điều đó tạo ra thử thách và khi chinh phục được thử thách đó, mình thấy tràn đầy năng lượng. Và bạn không biết đâu, điều sung sướng nhất của nghề này là việc nhận được nhiều phản hồi rất xúc động từ các học viên, để biết rằng mình đã có ích, đóng góp được một phần nào đó cho sự phát triển chung của cộng đồng nhân sự ngành tài chính”, chị Phương nói.

Với số lượng học viên đông đảo, nhiều người nghĩ rằng, AFTC thu lợi lớn từ công việc đào tạo, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Vào giai đoạn chương trình đào tạo luyện thi CFA của AFTC bùng nổ cách đây vài năm trước, Công ty đã bị hacker tấn công, lấy toàn bộ thông tin. Dữ liệu tài chính của AFTC bị phát tán ra ngoài cho thấy, lợi nhuận Công ty không như dự đoán.

Với chị Phương, đó là sự đánh đổi để theo đuổi đam mê. Trên facebook cá nhân, người đọc cảm nhận được tình yêu công việc giảng dạy và niềm tự hào “cô giáo nghèo” như chị tự nhận.

Thời gian gần đây, amiCoach dành nhiều tâm huyết để thúc đẩy chương trình FRM tại Việt Nam. Chị Phương cho biết, nhìn bài học kinh nghiệm từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới và xu hướng vận động của ngành, chị nhận ra đây là lĩnh vực rất cần, nhưng chưa được chú trọng ở Việt Nam.

“Hy vọng những nỗ lực của mình có thể đóng góp phần nào đó cho sự phát triển bền vững của ngành tài chính. Mình không kỳ vọng amiCoach có thể tạo ra một sự thay đổi toàn diện trong chuyên môn của người làm việc cũng như nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp, nhưng mình thích triết lý hạt café, cứ nỗ lực hết sức để lan toả những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, như vậy là đủ”, chị Phương tâm sự. 

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục