Thương hiệu cá nhân cho CEO đầu tư hết bao tiền?

Xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO đang trở thành xu hướng đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có nên đầu tư cho việc đó?
Ông Trần Hữu Đoàn (ngồi giữa) là người chơi kỳ này Ông Trần Hữu Đoàn (ngồi giữa) là người chơi kỳ này

Chưa thể nổi danh như Warren Buffett, Steve Jobs hay Bill Gates, nhưng ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam đã “định danh” được thương hiệu cá nhân của mình và những thương hiệu cá nhân đó cũng đồng thời gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Phạm Nhật Vượng với Vingroup, Mai Kiều Liên với Vinamilk, hay Võ Quốc Thắng với Gạch Đồng Tâm, Đặng Thành Tâm với Kinh Bắc…

Và thực tế là, sau một thời gian quan tâm xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhiều doanh nhân Việt Nam cũng đã bắt đầu hiểu rằng, xây dựng thương hiệu cá nhân cũng là một giải pháp tốt để nâng tầm doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu cá nhân dần bắt đầu trở thành một xu hướng.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thương hiệu cá nhân mang lại cho người sở hữu nhiều lợi ích. Không những thế, một khi nhà lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt, thì tầm ảnh hưởng của họ đối với tên tuổi doanh nghiệp là rất lớn.

Câu chuyện này có thể còn quá mới đối với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, điều này lại khá phổ biến trên thế giới. Theo nghiên cứu của hai nhà kinh tế học tại Mỹ - Joseph Halford và Hung Chia Hsu, CEO có gương mặt ưa nhìn có thể gây ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu và tạo lợi thế cho công ty trong những thương vụ M&A sau này. Với người Mỹ, thì hầu hết các doanh nghiệp Mỹ thành công đều xây dựng thương hiệu cá nhân cho các lãnh đạo công ty.

“Người Mỹ nhận ra rằng, thương hiệu cá nhân của vị lãnh đạo tạo cho doanh nghiệp những cơ hội mới nhờ mối quan hệ uy tín của lãnh đạo. Hơn nữa, những doanh nghiệp có lãnh đạo giỏi, có thương hiệu, có uy tín sẽ tạo được lòng tin, sự đồng thuận của toàn thể nhân viên trong công ty, tạo nên sức mạnh nội bộ doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển bền vững...”, vị chuyên gia này nói.

Warren Buffett, Steve Jobs hay Bill Gates, như vừa kể trên, có thể là những ví dụ điển hình. Gắn với Warren Buffett là những thương vụ đình đám. Gắn với Steve Jobs là trái táo Apple và những thay đổi chóng mặt về công nghệ. Còn Bill Gates, ngay cả khi đã thôi nắm quyền điều hành ở Microsoft, thì tên tuổi của ông cũng gắn liền với tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của các doanh nghiệp cỡ bự. Lớn như Vingroup, Vinamilk, hay Đồng Tâm, Kinh Bắc… thì đã đành. Các gương mặt Mai Kiều Liên, Phạm Nhật Vượng, hay Võ Quốc Thắng, Đặng Thành Tâm… cũng đã được định danh, mà khi nhắc tới họ là nhắc tới sự thành công và uy tín trên thương trường.

Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho một CEO mới không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận trong công ty, nhất là khi các khoản chi cho việc xây dựng thương hiệu của một cá nhân lại được lấy từ ngân quỹ đang ngày càng eo hẹp của doanh nghiệp.

“Có nhân viên cho rằng, CEO đã tận dụng chi phí của chung để lo đánh bóng tên tuổi cá nhân, mưu tính lợi riêng. Nhưng theo tôi, với một doanh nghiệp nhỏ, mới và chưa tên tuổi, thì hình ảnh và uy tín của CEO sẽ mang lại nhiều hợp đồng và lợi nhuận cho công ty. Xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO là cần thiết trong lúc này”, ông Trần Hữu Đoàn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Tư vấn và Kiểm toán Gia Cát bày tỏ quan điểm.

Ông Trần Hữu Đoàn sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Với chủ đề “Truyền thông - Thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân”, Chương trình đã đặt ra một tình huống nan giải mà không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải hiện nay. Đó là nên tập trung xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, hay chịu chi để đầu tư xây dựng thương hiệu cho cá nhân CEO.

Cuộc thảo luận sôi nổi giữa ông Trần Hữu Đoàn và hai người chơi - ông Đinh Khắc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Expertrans Toàn Cầu và ông Đặng Quốc Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Doctor Nam - ngồi ở vị trí đại diện cổ đông, sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tìm ra câu trả lời cho bài toán hóc búa nêu trên.

Nhã Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục