Thế hệ kế nghiệp tại doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng

(ĐTCK) Giàu tham vọng và khát khao được lãnh đạo, thế hệ kế nghiệp các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã sẵn sàng cho việc dẫn dắt doanh nghiệp phát triển khi có sự tin tưởng và trao quyền từ thế hệ đương nhiệm. 
Thế hệ kế nghiệp tại doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng

Các doanh nghiệp gia đình được xem như xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo dữ liệu từ Family Firm Institute (Viện Doanh nghiệp gia đình), ước tính hàng năm, các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 70 - 90% vào GDP toàn cầu và tạo ra 50 - 80% việc làm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp gia đình) ước tính đóng góp khoảng 42% vào GDP của cả nước năm 2018.

Một điểm đáng chú ý ở các công ty gia đình là tầm nhìn và động lực phát triển có được từ thế hệ sáng lập ngày càng mờ nhạt qua từng thế hệ.

Trên thế giới, Báo cáo nghiên cứu điều hành được thực hiện bởi Phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp gia đình, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ kế nghiệp thứ hai, 12% tồn tại được đến thế hệ thứ ba và chỉ 3% duy trì được đến thế hệ thứ tư, thứ năm…

Phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ tiếp theo.

Việc xây dựng và phát triển thế hệ kế nghiệp vì thế được coi là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình và cũng là vấn đề đáng được quan tâm hiện nay.

Muốn cống hiến và muốn được trao quyền

Hoàng Ðức Hùng, Lãnh đạo khối Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình PwC Việt Nam.

Cuộc khảo sát toàn cầu về thế hệ kế nghiệp 2019, trong đó có Việt Nam được PwC tiến hành mới đây đã đem đến những thông tin đáng suy ngẫm.

Theo đó, gần một nửa thế hệ kế nghiệp Việt Nam đang đóng góp tích cực vào các doanh nghiệp gia đình, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức độ tham gia ghi nhận được trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (73%) và trên thế giới (70%). Xét ở góc độ tích cực thì đây là con số đáng khích lệ - khi đại đa số thế hệ kế nghiệp được khảo sát tại Việt Nam ở độ tuổi trung bình từ 21 - 34, cùng với đó là tới 27% có kế hoạch tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp gia đình trong vòng 5 năm tới, con số này cao gấp đôi tỷ lệ chung 13% của châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia ngày một sâu hơn vào hoạt động doanh nghiệp, thế hệ kế nghiệp Việt Nam mang nhiều tham vọng được nắm giữ vị trí dẫn đầu để mang đến những thay đổi trong doanh nghiệp trong 5 năm tới.

Hiện 16% những người tham gia khảo sát đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành doanh nghiệp, con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025, ở mức 38%.

Những tham vọng kể trên cũng tương quan với việc có tới 60% trong số họ tự tin rằng có năng lực để đóng góp giá trị trong việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa phương pháp quản lý cho doanh nghiệp.

Ðiều này được coi là ưu tiên kinh doanh hàng đầu đối với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để doanh nghiệp có thể thích ứng với môi trường kinh doanh trong tương lai.

Có thể thấy, là thế hệ của thời đại công nghệ, lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có nhận thức rõ rệt về vai trò của công nghệ đối với doanh nghiệp.

Việc lắng nghe và ghi nhận về những yếu tố gây trở ngại hay khuyến khích thế hệ lãnh đạo kế tiếp là rất quan trọng cho kế hoạch chuyển giao trong tương lai.

Thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam muốn trau dồi bản thân để có thể dẫn dắt doanh nghiệp trước bối cảnh tương lai dự báo sẽ phức tạp, khó lường hơn.

Họ có chung mối quan tâm lớn tới việc phát triển kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn và trông cậy được thế hệ lãnh đạo đương nhiệm tin tưởng và trao quyền để có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Bên cạnh những ghi nhận tích cực về thế hệ kế nghiệp của Việt Nam thì có một thực tế tồn tại là, chưa có nhiều lối đi để thế hệ này phát triển.

Chỉ có khoảng một phần ba trong số họ được trao cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp (so với tỷ lệ bình quân 52% trong khu vực), và một tỷ lệ tương tự cho việc được lắng nghe với vai trò tham vấn.

Thách thức thay đổi

Thế hệ kế nghiệp Việt Nam nhìn nhận hai rào cản lớn nhất đối với họ trong việc tạo ra tác động mong muốn cho doanh nghiệp là cấp độ kinh nghiệm của bản thân (41%) và phương thức quản trị công ty hiện tại (33%).

Thuộc thế hệ “digitally-savvy” - thông thạo công nghệ nhất từ trước tới nay, thế hệ kế nghiệp Việt Nam cho rằng, đổi mới công nghệ đứng đầu danh sách thúc đẩy thay đổi (74%), cao hơn tỷ lệ 59% của châu Á và 61% của toàn cầu.

Trong khi đó, số hóa, đổi mới sáng tạo và công nghệ được xem như các thách thức lớn đối với sự thành công của doanh nghiệp.

Vì thế, sẵn sàng đón đầu đột phá công nghệ là yếu tố thiết yếu đối với các doanh nghiệp ngày nay.

Thế hệ lãnh đạo hiện tại cần nhận thức rằng thế hệ trẻ đón nhận và am hiểu các tiến bộ công nghệ tốt hơn họ, vì thế, doanh nghiệp có sự tham gia của các thế hệ tiếp theo sẽ giúp tận dụng triệt để những cơ hội mà công nghệ mang lại.

Tuy thế hệ kế nghiệp Việt Nam nhìn nhận thay đổi công nghệ là động lực chính thúc đẩy thay đổi, song ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị cho doanh nghiệp thích ứng với tương lai là chuyên nghiệp hóa và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực.

Ưu tiên chuyên nghiệp hóa và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực được lý giải bằng việc Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và khu vực kinh tế tư nhân đang dần phát triển và được khẳng định trong thời gian gần đây.

Sự bùng nổ của doanh nghiệp tư nhân, cùng với dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhu cầu để các doanh nghiệp gia đình đánh giá lại và cải thiện phương thức quản lý của mình.

Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp gia đình tăng trưởng về sản xuất và quy mô, việc đưa ra các quyết định trở nên ngày càng phức tạp - quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan, không còn hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh đạo sở hữu doanh nghiệp.

Chủ động để nắm bắt cơ hội và được trao cơ hội

Từ thực tế trên, PwC cũng đưa ra đề xuất cho bốn nhóm thế hệ kế nghiệp để giúp họ đạt được hoài bão vươn lên những vị trí lãnh đạo hàng đầu trong doanh nghiệp của mình.

Với các doanh nhân trẻ thuộc thế hệ “chuyển đổi”, cần hiểu rõ quan điểm của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm; đặt câu hỏi và luôn lắng nghe, nhưng hãy tin vào chính bản thân mình; hạn chế bày tỏ quan điểm theo hướng chỉ trích; trong thời đại kinh doanh đang có nhiều tác động, đừng ngại đổi mới; hãy hành động nhanh chóng.

Ðặc biệt cần thể hiện sự biết ơn, tôn trọng các lý do đưa ra quyết định của thế hệ đương nhiệm, cho dù thế hệ kế nghiệp có quan điểm cần phải thay đổi.

Hãy hợp tác nhiều hơn. Không chỉ so sánh bản thân với những đối thủ cạnh tranh truyền thống, hãy tái xác định thế nào là cạnh tranh và những giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Thường xuyên rà soát công việc, tìm kiếm phản hồi mang tính xây dựng và học hỏi từ những lỗi sai. Thế hệ chuyển đổi cần thể hiện rằng sự đột phá của mình giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với thế hệ “kế thừa”, hãy trân trọng những gì đang có; nhận thức rõ vai trò của mình, đặt mục đích và kết quả kinh doanh làm mục tiêu hàng đầu; nắm vững chuyên môn; nhận thức rõ di sản doanh nghiệp gia đình để lại cũng như những gì mà doanh nghiệp của mình đại diện cho. Không cần phải biết mọi thứ.

Sáng suốt, lắng nghe và đặt câu hỏi. Tự tìm ra động lực cá nhân và dù đã có phương pháp tiếp cận ưa thích và truyền thống, hãy luôn để ý đến những xu thế mới trong và ngoài ngành kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Với những bạn trẻ thuộc thế hệ “đột phá”, dám mạo hiểm là tốt, nhưng phải có tính toán để đạt được những mục tiêu kinh doanh và mục tiêu cá nhân. Hãy giao tiếp rõ ràng và minh bạch về tiến độ công việc.

Tìm kiếm cơ hội và tận dụng các nguồn lực cũng như mạng lưới quan hệ của gia đình để phát triển doanh nghiệp. Phát triển kiến thức chuyên sâu về thị trường và lĩnh vực mong muốn đầu tư. Không tự thỏa mãn, luôn thúc đẩy bản thân để hoàn thiện.

Công ty con mà nhóm kế nghiệp này điều hành là một phần của doanh nghiệp gia đình, vì vậy, hãy giữ gìn và đảm bảo công ty con tuân theo những giá trị mà thế hệ lãnh đạo đương nhiệm đề ra.

Luôn tìm kiếm những đổi mới công nghệ mới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà mình đang điều hành hoặc doanh nghiệp gia đình của mình.

Nhóm cuối cùng là những bạn trẻ có xu hướng tạo lập hướng kinh doanh riêng cho bản thân (thế hệ “khởi nghiệp”).

Nếu vậy, hãy kết nối với di sản sẵn có của doanh nghiệp gia đình, nền tảng gia đình chính là nguồn kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh quý báu.

Tận dụng để học hỏi mọi thứ có thể. Hãy tìm hiểu thật kỹ về lĩnh vực mà nhóm khởi nghiệp có hứng thú trước khi thử bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Ðặt ra mục tiêu kinh doanh cụ thể và đảm bảo những người tham gia đều hiểu rõ.

Bạn không nhất thiết phải làm mọi thứ một mình. Hãy học cách giao phó công việc cho người khác và lắng nghe lời khuyên cũng như sự giúp đỡ từ gia đình. Luôn đón nhận chọn lọc những ý kiến cố vấn.

Quan trọng là hãy lắng nghe chính bản thân mình và tự đưa ra quyết định, dựa trên những điều mà bản thân mình tin là đúng.

Hoàng Ðức Hùng, Lãnh đạo khối Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục