Start-up Việt đến thời kỳ bùng nổ

(ĐTCK) Ghi nhận từ Diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019, tổ chức tại TP.HCM ngày 12/6 vừa qua, mọi nghi ngại mà cộng đồng đầu tư từng có về tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là sự hào hứng, thậm chí là cạnh tranh khốc liệt để tìm được start-up rót vốn.
Start-up Việt đến thời kỳ bùng nổ

Bước phát triển mới

Tại Diễn đàn, có thể thấy rõ sự phấn khởi trên khuôn mặt hơn 100 nhà đầu tư ngoại khi nhắc đến thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Quan điểm chung của các quỹ đầu tư này là giới start-up Việt Nam đã “đủ lớn” để tự tin đón nhận dòng vốn và bắt tay hợp tác với các quỹ mạo hiểm (venture capital).

Đặc biệt, các nhà đầu tư nhấn mạnh sự thay đổi trong cách nhìn của cộng đồng quỹ đầu tư quốc tế về thị trường Việt Nam. Trước đây, đầu tư vào start-up Việt Nam được nhìn nhận là một bước đi mạo hiểm, thậm chí là “phiêu lưu” vì thị trường còn sơ khai và gặp nhiều khó khăn pháp lý, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan hay Singapore.

Theo ông Eddie Thai, đến từ Quỹ 500 Startups có trụ sở tại Mỹ và Singapore, chỉ mới vài năm trước, nhiều đồng nghiệp của ông còn rất ngần ngại khi nhắc đến chuyện đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 -3 năm trở lại đây, góc nhìn của họ đã hoàn toàn thay đổi khi nhận ra bước phát triển vượt bậc của cộng đồng khởi nghiệp Việt.

“Bây giờ, không ai muốn “bỏ lỡ chuyến đò” cả, mọi người đang sôi sục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và số liệu cũng cho thấy dòng vốn vào Việt Nam đã tăng đến 400% chỉ trong vòng vài năm qua”, ông Eddie nhấn mạnh. Quỹ 500 Startups do Eddie và các cộng sự thành lập một quỹ trị giá 14 triệu USD dành riêng cho Việt Nam vào cuối năm ngoái.

Tương tự, bà Shuyin Tang, từ Quỹ Patamar Capital cho biết, chỉ trong vòng 3 năm, “câu chuyện khởi nghiệp Việt Nam” đã thay đổi. Việt Nam, từ một thị trường được đánh giá là “tiềm năng nhưng đầy rủi ro”, nay đã trở thành quốc gia ASEAN hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn mạo hiểm.

“Tôi có thể nhấn mạnh rằng, rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn viết tiếp “câu chuyện khởi nghiệp” tại Việt Nam. Ngoài việc được tiếp sức từ chính sách, thị trường Việt Nam còn thu hút nhà đầu tư nhờ giới trung lưu mới nổi và thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân, cũng như dân số trẻ sẵn sàng thử nghiệm cái mới”, bà Shuyin cho biết.  

Một phần quan trọng khác, theo các nhà đầu tư tại Diễn đàn, là xu hướng “chảy máu chất xám ngược”. Cụ thể, những năm gần đây, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đang chào đón nhiều doanh nhân, nhà đầu tư là Việt kiều dưới 40 tuổi, hoặc du học sinh Việt từng sinh sống, làm việc lâu năm ở nước ngoài.

So với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại các nước phát triển, Việt Nam rất hấp dẫn nhờ chính sách thu hút nhân tài và thị trường bùng nổ. Các Việt kiều và cựu du học sinh, nhờ lợi thế ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc tại các thị trường lớn và cả mối quan hệ với cộng đồng đầu tư nước ngoài chính là một lực đẩy quan trọng để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trong nước.

Còn theo ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ Đầu tư công nghệ VinaCapital, sau thời kỳ phát triển kinh tế vừa qua, Việt Nam đã xuất hiện một số doanh nhân thành đạt sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ thế hệ trẻ. Các doanh nhân này chính là “nhà đầu tư thiên thần” đầy tiềm năng cho start-up Việt giai đoạn mới thành lập, bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài.

Để startup vươn ra biển lớn

Theo các nhà đầu tư, trong thời kỳ phát triển mới của giới start-up Việt Nam, không khó để quỹ đầu tư tìm được ý tưởng hay từ các doanh nhân trẻ. Các nhà đầu tư thậm chí còn đánh giá khả năng công nghệ, lập trình của người trẻ Việt thuộc top đầu khu vực, cùng với các ý tưởng ứng dụng công nghệ rất thú vị và sáng tạo.

“Chúng tôi thường đùa là start-up ở đâu cũng nên có kỹ sư người Việt Nam”, ông Justin Nguyen, nhà đầu tư từ Quỹ Monk’s Hill Ventures hóm hỉnh chia sẻ. Ông cho biết, điều quan trọng mà các start-up Việt cần làm được là kiếm tiền thành công từ ý tưởng của mình và có thể nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn mạnh. Hiện nay, nhiều start-up Việt đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quản lý cấp trung, lẫn việc quản lý các hoạt động hành chính - nhân sự.

Chuyện giúp start-up Việt lớn mạnh, thành công tại thị trường trong nước và vượt ra khỏi biên giới như Go-Jek (Indonesia) cũng là điều khiến nhiều quỹ mạo hiểm ưu tư. Ông Yinglan Tan, Giám đốc Quỹ Đầu tư Insignia Ventures (Singapore) cho biết, Việt Nam là một mảnh ghép quan trọng của toàn bộ khu vực ASEAN nói chung, đặc biệt khi ASEAN tăng cường hợp tác nội khối trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Theo bà Linh Thái, từ Quỹ Vingroup Ventures, Quỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ start-up Việt tham gia hệ sinh thái của Vingroup và đây cũng là “dấu chứng nhận” để các doanh nghiệp sau này dễ dàng gọi vốn hoặc hợp tác với nước ngoài. Nhà đầu tư nổi tiếng trong chương trình Shark Tank cho biết Quỹ cũng đầy mạnh việc rót vốn cho start-up nước ngoài muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Trong khuôn khổ Diễn đàn tại TP.HCM, nhiều start-up trong các lĩnh vực cho thuê xe tải, dược phẩm, cho thuê nhà hoặc đặt vé du lịch cũng có cơ hội trình bày ý tưởng của mình với các nhà đầu tư. Quỹ VinaCapital Ventures cũng công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào một start-up trong lĩnh vực công nghệ bất động sản.

Đây là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn tại Hà Nội và TP.HCM, thu hút sự tham gia của Chính phủ, các quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài và cộng đồng start-up Việt. Nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, kiến tạo môi trường khởi nghiệp và sự phối hợp giữa nhà đầu tư với start-up đã được mang ra thảo luận.      

Nam Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục