Phu quân diễn viên Hồng Anh với nghiệp xây và bán công ty

(ĐTCK) Đã rất lâu mới gặp lại Nguyễn Thanh Sơn, trông anh vẫn trẻ trung lịch lãm nhưng tự nhận “mình dạo này ít điều hành, trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp rồi và mê nghề giáo hơn”.
Phu quân diễn viên Hồng Anh với nghiệp xây và bán công ty

Xuất hiện trong vai trò diễn giả,  nói về vai trò và cách xây dựng nhân hiệu tại một hội thảo nhân sự ngành tài chính do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức, bài trình bày của Sơn thu hút sự chú ý của người nghe. Tại hội thảo này, Nguyễn Thanh Sơn giới thiệu chức danh là chủ tịch, sáng lập viên Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage.

Sơn là doanh nhân gốc Hà Nội, khá đặc biệt. Thời học sinh học chuyên toán Chu Văn An, lên đại học theo nghiệp văn, tốt nghiệp xong lại mê kinh doanh. Thành lập T&A vào năm 2001 và điều hành phát triển doanh nghiệp thành một trong những công ty truyền thông mạnh nhất Việt Nam. Khi doanh nghiệp đang ở đỉnh cao, Nguyễn Thanh Sơn và các cộng sự đã bán bớt cổ phần cho Ogilvy, một trong những công ty truyền thông hàng đầu trên thế giới.

Quản lý, điều hành doanh nghiệp, song bản thân Nguyễn Thanh Sơn lại là chuyên gia thương hiệu uy tín tại Việt Nam. Anh từng là cố vấn về phát triển thương hiệu và chiến lược truyền thông cho các thương hiệu hàng đầu của Việt nam như Masan Group, Sovico Group, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Vinamilk, VNG, cũng như hàng chục các thương hiệu quốc tế khác, với kinh nghiệm trong các lĩnh vực từ công nghiệp nặng (Boeing, GE, Tata, SCG, Ford), hàng tiêu dùng (Diegeo, Unilever, Nestle, Johnson&Johnson), công nghệ - viễn thông (Yahoo! Western Digital, Beeline), dược phẩm (GSK, Roche) đến tài chính - ngân hàng (Standard Chartered Bank, Temasek và Visa)… Anh cũng phụ trách tư vấn cho Chương trình Thương hiệu Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác như Danida và USAID.

Thành công vậy, song gần chục năm trở lại đây, Nguyễn Thanh Sơn lại mê mải với nghiệp đầu tư. Anh cho biết, làm đầu tư nên phải chuyên sâu, cày kỹ trong lĩnh vực tài chính. Những ngành nhà đầu tư này bỏ vốn và công sức bao gồm truyền thông, y tế và giáo dục. Ngoài T&A, Sơn và các cộng sự đã sáng lập Sunny Vales, công ty chuyên về các giải pháp marketing trên Internet. Sau đó, doanh nghiệp đã bán cổ phần cho Yahoo.

Trong danh mục đầu tư của doanh nhân này, có một doanh nghiệp khá nổi tiếng là Forinco Invest, Công ty đầu tư xây dựng và điều hành các trung tâm chữa trị ung thư tại Việt Nam. Có lẽ kinh nghiệm làm việc, giao thương với nhiều doanh nghiệp lớn, tổ chức trong và ngoài nước đã tạo ra khả năng nắm bắt và nhìn nhận cơ hội nhạy bén ở Nguyễn Thanh Sơn. Hiện anh đầu tư vào khoảng 10 công ty, trong đó có khoảng 6 - 7 công ty đang có kế hoạch bán cho đối tác.

Được coi là một doanh nhân có tài, một dạo, người ta lại thấy anh xuất hiện với vai trò nhà phê bình văn học và gần đây là giảng viên của các trường. Học viện Sage được thành lập bởi các chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển thương hiệu và truyền thông tiếp thị, đi theo mô hình “huấn luyện” thực tiễn, chứ không nặng về lý thuyết như cách các trường đại học đào tạo lâu nay.

Đa tài, lắm nghề như vậy, nhiều người hỏi, anh thích nhất nghề gì? Nguyễn Thanh Sơn bảo: “Tôi thích nhất nghề giáo viên”. Ông giáo này đã từng tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Yonsei (Hàn Quốc) và Đại học Kyoto (Nhật Bản). Nay ngoài các giờ lên lớp ở Sage, Nguyễn Thanh Sơn dành nhiều thời gian tham gia đào tạo tại các doanh nghiệp và tổ chức. Cho nhiều sẽ được nhận nhiều. Hy vọng doanh nhân - nhà giáo Nguyễn Thanh Sơn sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.            

Trò chuyện với Nguyễn Thanh Sơn về nhân hiệu

Có thể hiểu ngắn gọn về nhân hiệu như thế nào?

Thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) là một liên tưởng khác biệt khi người khác nghĩ về bạn.

Gần đây doanh nghiệp và các doanh nhân thể hiện sự quan tâm như thế nào về việc xây dựng nhân hiệu?

Trong quá trình chúng tôi xây dựng thương hiệu công ty cho các doanh nghiệp lớn, họ có đề cập đến việc xây dựng thương hiệu cho lãnh đạo, cho các vị trí quản lý như giám đốc tài chính, giám đốc điều hành… Điều đó thể hiện doanh nghiệp và doanh nhân đã quan tâm nhiều hơn tới nhân hiệu. Đơn cử như cuối tuần này tôi có giảng lớp đào tạo người phát ngôn cho CEO các tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên lâu nay việc xây dựng nhân hiệu của lãnh đạo doanh nghiệp mới chủ yếu theo kiểu bản năng, tức là từ bản thân họ đã toát ra ấn tượng với người xung quanh chứ họ không quan tâm và không có chiến lược. Việc quan tâm đến hình ảnh cá nhân thường chỉ đến khi doanh nghiệp có vấn đề gì đó xảy ra, bị khủng hoảng truyền thông chẳng hạn. Trong khi, nhân hiệu tốt có ảnh hưởng tích cực đến nhiều việc như thu hút, gìn giữ nhân tài…

Những thách thức các anh thường gặp khi xây dựng nhân hiệu cho các lãnh đạo doanh nghiệp là gì?

Thách thức lớn nhất là cá nhân và tổ chức thường chỉ nghĩ xây dựng nhân hiệu cho bên ngoài, mà chưa cần cho chính bên trong tổ chức mình. Bên cạnh đó, các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thường chỉ giỏi về chuyên môn mà thiếu các kỹ năng mềm như biết lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn… Ngoài ra, một vấn đề khác là họ chưa đầu tư thời gian thích đáng. Việc quan tâm và xây dựng nhân hiệu chỉ mang tính nhất thời trong khi thực tế cần xác định đó là quá trình lâu dài, đi theo cả đời mình, bởi vậy cần dành thời gian nhiều hơn cho nó.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục