Khi CEO trẻ vượt ra vùng an toàn để sáng tạo

(ĐTCK) Đẩy mình ra khỏi vùng an toàn, nhiều CEO trẻ tuổi đã gặt hái được thành công bằng những quyết định táo bạo, dám nghĩ dám làm. 
Khi CEO trẻ vượt ra vùng an toàn để sáng tạo

Dám nghĩ dám làm

Dương Nguyễn, CEO Vietnam Bespoke Shop đã có một năm 2018 kinh doanh thành công vượt trội khi doanh thu tăng trưởng hơn 300%, có thêm nhà xưởng, mở ra một thương hiệu mới The Finery Club bên cạnh thương hiệu Vietnam Bespoke, đồng thời khẳng định được vị trí riêng trong ngành thời trang may mặc.

 Dương Nguyễn, CEO Vietnam Bespoke Shop.

Gặp Dương Nguyễn, CEO Vietnam Bespoke Shop vào những ngày đầu năm 2019, nghe vị giám đốc 9x này chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, chúng tôi càng thấu hiểu, trong kinh doanh, dám nghĩ dám làm là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng để có được thành công.

Từng giữ vị trí tốt lĩnh vực marketing ở một doanh nghiệp tên tuổi, lương thưởng cao, nhiều cơ hội thăng tiến mở ra phía trước, nhưng Dương đóng lại cánh cửa tương lai ấy để đi tìm một chân trời hoàn toàn mới - làm ngành may mặc thủ công - xây dựng thương hiệu Vietnam Bespoke Shop. Ðiều mà nhiều người cho rằng, Dương quyết định có phần vội vàng. Chính bản thân anh cũng nhận định, mình có phần liều lĩnh khi đánh đổi công việc ổn định và có lẽ sẽ cần thêm thời gian để ấp ủ.

Chia sẻ lý do tại sao lại bắt đầu với ngành may mặc, mà không phải là một dự án nào khác, Dương bộc bạch: “Tôi có đam mê thực sự với may mặc. Tôi đã viết nhiều bài trên blog về lĩnh vực này và tâm huyết với nó. Xây dựng một thương hiệu may mặc là điều tôi ấp ủ từ lâu, như một cái duyên vậy”.

Ðể cho đam mê dẫn lối, Dương Nguyễn đã đến với thiên đường thời trang Ý để tìm hiểu về văn hóa, thời trang may đo bespoke. Nhờ những mối quan hệ được kết nối từ những bài viết trên trang blog cá nhân, Dương quen được nhiều blogger nổi tiếng về bespoke, được giới thiệu đến tìm hiểu các nhà máy cổ truyền thống của Ý, được chia sẻ những bài học, kinh nghiệm về may mặc, thấu hiệu câu chuyện đằng sau từng đường kim mũi chỉ, từng chi tiết trên bộ vest may đo…

Từ những trải nghiệm quý tại Ý, Dương trở về Việt Nam và bắt tay xây dựng viên gạch đầu tiên cho Vietnam Bespoke. Bên cạnh đó, anh dành thời gian để tới những địa phương như Hồng Kông, Thái Lan… nhằm tìm hiểu về thời trang, văn hóa, cách làm sản phẩm may mặc của những vùng đất mình đi qua, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.

Chậm mà chắc là phương châm CEO Dương Nguyễn xác định khi xây dựng thương hiệu này, đi vào phân khúc cao cấp, cẩn trọng từng chi tiết và đảm bảo chất lượng tốt nhất, chuẩn nhất cho sản phẩm, Vietnam Bespoke của Dương đã chinh phục được khách hàng. Khách hàng này giới thiệu khách hàng kia, sản phẩm bán chạy, thương hiệu ngày càng lớn mạnh. 

“Ðôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình có phần nào đó liều. Cái khác biệt lớn nhất đem đến thành công của tôi là tập trung vào chất lượng đặc biệt và dám làm điều tưởng như không thể làm được”, CEO Vietnam Bespoke cho hay.

Năm 2019, CEO Dương Nguyễn cho biết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thương hiệu Việt Nam Bespoke, đồng thời mở ra một thương hiệu mới là The Finery Club, định vị phân khúc dành cho người trẻ trung, đa dạng sự lựa chọn với cả sản phẩm may sẵn “made to measure” và sản phẩm may đo.

Bước ra khỏi vùng an toàn 

Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cũng đã gặt hái được nhiều thành công và chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới bởi cách làm sáng tạo, phá bỏ công thức cũ để theo đuổi tiêu chuẩn mới.

 Nguyễn Thị Huyền, CEO Vinasamex.

Từ việc chỉ là doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần, thu mua sản phẩm quế, hồi và xuất đi các nước, Huyền đã quyết định thay đổi, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với người nông dân từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm xuất khẩu.

CEO Vinasamex bắt tay với người nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn từ đầu vào, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đào tạo người nông dân đi theo cách làm mới này.

Tham gia nhiều hội chợ quốc tế, thấy nhu cầu về quế, hồi của các nước rất cao, Huyền có động lực để đào sâu hơn việc chuẩn bị vùng nguyên liệu, làm chuẩn từ quy trình trồng đến tiêu thụ.

CEO Vinasamex đầu tư nhà máy, công nghệ để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu được vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…, vốn được cho là rất khó tính. Những lọ tinh dầu quế, hồi, bột quế, hồi, thanh quế, hoa hồi… của Vinasamex đều có dấu ấn riêng và chất lượng cao.

Hiện nay, Vinasamex sở hữu 8 - 9 chứng chỉ quốc tế cho sản phẩm quế, hồi chất lượng, tự tin chinh phục các thị trường khó tính nhất thế giới. Năm 2018, Công ty đã xây dựng nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy hiện đại cho công suất sấy 20 tấn hàng tươi/ngày và thành phẩm 15 tấn hàng khô. Sản lượng xuất khẩu năm 2018 của Công ty đạt 1.000 tấn.

“Thành công lớn nhất của tôi chính là dám bước ra khỏi vùng an toàn để thay đổi và đương đầu với thách thức để vượt qua. Thời điểm tôi bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với người nông dân, nhiều người nói tôi “điên khùng” khi mất nhiều thời gian, tiền bạc để đào tạo bà con nơi đây. Nhưng khi tôi nhận được các chứng chỉ quốc tế như Fair Trade, Organic…, người ta lại đánh giá con đường tôi đang đi là đúng. Tôi đã tiên phong khi chuyển đổi sang làm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu”, CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Bước ra khỏi vùng an toàn để sáng tạo đã giúp cô gái trẻ 8x xây dựng được thương hiệu quế hồi nổi tiếng trong và ngoài nước, được bạn bè quốc tế đón nhận. 

Chủ động tiến về phía trước

Ðội ngũ CEO trẻ tuổi đang sẵn sàng hội nhập với tâm thế chủ động, sáng tạo. Chia sẻ về điều này, “Shark” Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan cho biết, người trẻ muốn vượt qua vùng an toàn để thành công phải sống có mục đích và lý tưởng.

Ông Dũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp với 11 năm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, dẫn dắt gần 30 startup thành công và cũng nhiều lần bước ra khỏi vùng an toàn để tìm đường phát triển cho mình.

Theo đó, ông Dũng đã rời bỏ vị trí trưởng phòng xuất nhập khẩu tại một Tập đoàn Nhật Bản - công việc vốn là mơ ước của nhiều người với lương cao, đãi ngộ tốt, tương lai rộng mở. Ông dồn tiền tích lũy được để sang Nhật du học với giấc mơ thông thạo tiếng Nhật và xác định mình phải là CEO của đời mình.

Quyết định ấy đã đưa ông sang một giai đoạn mới, khi cuối năm 2007, ông trở thành thành viên của Quỹ đầu tư CyberAgent, vượt qua nhiều khó khăn thử thách để có được vị trí như hiện tại.

“Dù bạn là ai, khởi nghiệp trong lĩnh vực nào, bạn luôn phải tiến lên phía trước. Nếu không sẽ rất dễ thụt lùi và bị giam cầm trong chính vùng an toàn của mình”, Shark Dũng chia sẻ. Chủ động hội nhập, liên tục học hỏi để phát triển là điều mỗi CEO trẻ luôn cần phải hướng đến.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ở đó cần có những doanh nghiệp trẻ, giàu sáng tạo, nhiệt huyết, mở rộng tiếp cận các thị trường.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ, giàu sáng tạo, nhạy bén trong thích ứng với những biến đổi của thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nền kinh tế hội nhập dễ nắm bắt cơ hội để đột phá.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục