Hỗ trợ start up, bài học từ Hàn Quốc

(ĐTCK) Dù được kỳ vọng có thể tạo được một nền tảng thị trường và xã hội để ươm tạo các kỳ lân công nghệ, song thực tế lại có nhiều khó khăn cản trở các startup Việt vươn mình lớn nhanh.  
Hỗ trợ start up, bài học từ Hàn Quốc

“Trèo qua rất nhiều ngọn đồi”

"Với M_Service, thất bại của khởi nghiệp là đi quá nhanh so với sự phát triển của thị trường" và rằng "Công ty này đã phải trèo qua rất nhiều ngọn đồi mới có được MoMo như ngày hôm nay", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch M_Service, công ty sở hữu ví điện tử MoMo đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị Công nghệ - Tech Summit 2019 do Forbes Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Ông Tường kể, 10 năm trước, khi công nghệ di động gần như chưa có mặt ở Việt Nam và điện thoại phổ biến nhất là Nokia cũng không có nhiều tính năng, nhưng M_Service vẫn muốn thực hiện tham vọng đi theo mô hình thanh toán di động. Công ty đã làm việc với nhà mạng Vinaphone, phát triển một ứng dụng điện thoại dưới 20 kb cung cấp dịch vụ thanh toán, trả hóa đơn, nhưng người tiêu dùng phải đổi SIM mới sử dụng được dịch vụ. “Thất bại đầu tiên do hạ tầng ở Việt Nam có nhiều khác biệt”, ông Tường nói.

Sau đó, MoMo bắt đầu lại là một công ty phát triển dịch vụ thanh toán nhưng gặp khó khăn trong việc phổ biến dịch vụ ở khu vực nông thôn. Ðến năm 2013, khi tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng cao, MoMo thay đổi lần nữa và tập trung nguồn lực để phát triển ứng dụng thanh toán trên di động.

"Dù đoán đúng hướng phát triển của thị trường công nghệ, nhưng chúng tôi đã đi quá sớm và giai đoạn đầu gặp phải rất nhiều rủi ro, giai đoạn đó không hy vọng phát triển mà chỉ cần Công ty có thể tiếp tục tồn tại”, ông Tường chia sẻ bài học kinh nghiệm và nói rằng, sau những thất bại thì hiện tại là điều kiện rất thuận để tiếp tục phát triển bởi trong vài năm qua, MoMo tăng trưởng 20 - 30 lần so với thời kỳ đầu.

Những khó khăn giai đoạn đầu MoMo trải qua cũng là khó khăn mà Moca gặp phải. Theo ông Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập và CEO Moca, năm 2013 - 2015, thanh toán di động không nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng và Moca cũng không có vốn, vì hầu hết mọi người đều nghĩ thanh toán, nhất là thanh toán bán lẻ rất khó phát triển tại Việt Nam. Vì vậy, các nhà đầu tư không dám rót vốn vì nghĩ rằng biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao.

"Thú thực, tôi đã phải quyết định bán nhà để tiếp tục khởi nghiệp" ông Nam nói.

Qua giai đoạn khó khăn, hiện Moca đang bắt tay với Grab và nhân rộng quy mô nhờ ứng dụng được nhiều người sử dụng của Grab. "Với Moca, chúng tôi không khởi nghiệp để trở thành kỳ lân, mà muốn góp tay vào thay đổi thị trường thanh toán của Việt Nam," ông Nam nói. 

Cần cơ sở hạ tầng đồng bộ, Internet đến với mọi người

Câu chuyện của các start up Việt nhận được sự đồng cảm của ông Lee Jae-woong, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành SoCar.

“Mẹ tôi đã khóc và rất lo lắng khi tôi nói chuyện với bà về ý tưởng kinh doanh. Bố thì nghĩ rằng chỉ một năm sau khi tôi thất bại, tôi sẽ phải tự đi tìm công việc khác”, ông Lee Jae-woong chia sẻ về bước khởi đầu có những giọt nước mắt.

Khoảng thời gian bắt đầu xây dựng và gọi vốn cho Công ty Daum Communications với ông Lee Jae-woong cực kỳ khó khăn. “Các nhà đầu tư Hàn Quốc lúc đó không có hứng thú đầu tư vào các startup công nghệ. Tôi chuyển hướng tìm các nhà đầu tư châu Âu và tự email giới thiệu dự án cho một nhà đầu tư Ðức và được đồng ý rót số vốn ban đầu là vài triệu USD.

Số tiền tuy nhỏ nhưng nó đã làm thay đổi xu hướng đầu tư của thị trường Hàn Quốc khi đó. Khoản vốn đầu tiên Daum kêu gọi được đã làm giảm bớt sự hoài nghi của các nhà đầu tư, thúc đẩy họ dịch chuyển đầu tư vào những lĩnh vực mới”, ông Lee Jae-woong nói.

CEO SoCar cũng khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện rất giống với Hàn Quốc và ông muốn trở thành người tư vấn dẫn dắt những startup Việt Nam đến thành công.

Trả lời câu hỏi Chính phủ nên đóng vai trò thế nào trong việc hỗ trợ phát triển startup, ông Lee Jae-woong nói, Chính phủ không nên can thiệp quá nhiều. Tuy nhiên, có một bài học từ Hàn Quốc là Chính phủ nước này đã thực hiện một công việc rất quan trọng, đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa Internet đến với mọi người - điều này đã thực sự giúp các startup tại Hàn Quốc đạt được thành công.

Tại Hội nghị, ông Tom Setiawan, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho biết, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán di động đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn và sự đồng thuận với nhà sáng lập doanh nghiệp là yếu tố then chốt quyết định việc các quỹ bỏ vốn vào.     

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục