Giấc mơ xe của Chủ tịch TMT

(ĐTCK) Thuộc thế hệ doanh nhân F1, trưởng thành từ doanh nghiệp nhà nước, bỏ vốn đầu tư và nay nắm quyền chi phối tại Công ty cổ phần Ô tô TMT, song ông Bùi Văn Hữu không có vẻ thủ cựu. Trái lại, ông khá cởi mở với cái mới và đang ấp ủ giấc mơ lớn về ngành công nghiệp ô tô.
Giấc mơ xe của Chủ tịch TMT

Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motor, mã chứng khoán TMT) hiện có cơ ngơi hoành tráng với quy mô lên tới hơn 20 ha tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Sẽ rất khó cho các doanh nghiệp mới gia nhập lĩnh vực ô tô tại thời điểm này để có được diện tích nhà máy và tổ hợp sản xuất lớn như vậy.

Thích ứng để nắm bắt cơ hội

TMT tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị cơ khí giao thông vận tải thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông Vận tải, thành lập năm 1976. Ông Bùi Văn Hữu gắn bó với Công ty từ thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa vào năm 2006, với vốn điều lệ vỏn vẹn 25 tỷ đồng. Nay TMT đã tăng vốn lên gần 400 tỷ đồng.

Vào những năm 2010, khi đạt mức vốn điều lệ 163 tỷ đồng, TMT từng được coi là hiện tượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) duy trì ở mức cao, bình quân 3 năm sau cổ phần hoá (2007 - 2009) đạt 20.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu TMT đứng ở mức 5x trong khoảng thời gian khá dài. Sản phẩm của TMT là xe tải các loại từ 1 tấn đến 25 tấn, được phân phối khắp 63 tỉnh, thành phố. Công ty chiếm tới 38% thị phần xe tải cả nước.

Tuy nhiên, thị trường thay đổi, thời thế thay đổi, cuộc đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp thương mại vào lĩnh vực xe tải, trong đó cửa nhập khẩu cho xe đã qua sử dụng dễ dãi đã khiến TMT lao dốc. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm mạnh dẫn tới lỗ lũy kế triền miên, giá cổ phiếu TMT rớt xuống dưới mệnh giá trong vài năm qua.

Dẫn khách đi trên con đường trải nhựa dọc khuôn viên nhà máy, cộng sự của ông Hữu kể, ở giai đoạn hoàng kim, những con đường này để chật kín thiết bị, nguyên vật liệu lắp ráp xe và xe thành phẩm.

Không ai sống với quá khứ, các doanh nghiệp lại càng không. Cuộc sống của hàng nghìn gia đình công nhân, cũng như hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư bỏ vào TMT sau khi Nhà nước thoái vốn, là động lực và cũng là áp lực buộc ông Bùi Văn Hữu và các cộng sự phải thay đổi, nắm bắt cái mới.

Cơ hội trở lại với ông Hữu và TMT khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP với nhiều quy định chặt chẽ về điều kiện lắp ráp, kinh doanh ô tô. Ngày 17/4/2019 là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp đáp ứng những chuẩn mới này.

Ông Bùi Văn Hữu chia sẻ, hiện chỉ có một số ít đơn vị đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp CKD. Nghị định 116 với các quy định chặt chẽ, các tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao là động lực để các doanh nghiệp có tâm huyết phát triển ngành công nghiệp ô tô thực sự, làm ăn bài bản, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo việc làm cho người lao động tại thị trường Việt Nam.

Đây cũng là lý do để các hãng nước ngoài lâu nay dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại đơn thuần phải thay đổi chiến lược. Tập đoàn Sinotruk từng là đối tác độc quyền của TMT, hai bên chia tay sau thời gian dài hợp tác trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc, nhưng nay đã quay lại “tái hợp” với TMT.

Tháng 2/2016, TMT đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền sản xuất, lắp ráp CKD, phân phối xe tải với Sinotruk. Theo đó, TMT được nhận chuyển giao các công nghệ sản xuất từ phía Sinotruk. TMT đã đầu tư dây chuyền lắp ráp hiện đại, cùng với sự chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp, sự hợp tác của thương hiệu hàng đầu Trung Quốc. Hiện nay, TMT có thể lắp ráp, xuất xưởng các xe có chất lượng tương đương xe tải sản xuất tại Sinotruk. Hai sản phẩm mới nhất là ô tô tải ben 6x4 và 8x4 Sinotruk có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 đã xuất xưởng tại Nhà máy ô tô Cửu Long, Văn Lâm, Hưng Yên vào đầu năm nay.

Trong lần tái hợp với Sinotruk, ông Hữu còn tiến thêm một bước, quyết định chuyển đổi tâm thế của TMT Motors không chỉ đơn thuần là đơn vị sản xuất mà còn là đơn vị cung cấp dịch vụ khi quyết tâm đầu tư đồng bộ cho các khâu từ lắp ráp, bán hàng đến cung cấp dịch vụ hậu mãi.

Tại đại bản doanh của TMT ở Hưng Yên, ông Hữu chia sẻ, chính TMT Motors là người đã dắt Sinotruk vào Việt Nam với hợp đồng phân phối độc quyền từ năm 2007. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian hai doanh nghiệp tạm “chia tay” vì những bất đồng. Và khi Chính phủ Việt Nam đưa ra những quy định khắt khe về trách nhiệm của nhà nhập khẩu với các vấn đề hậu mãi như phải có showroom đạt chuẩn 3S, xe lỗi phải triệu hồi…, thì Sinotruk lại tìm về với TMT Motors.

TMT Motors đã đàm phán với Sinotruk để lần đầu tiên đem đến một chế độ bảo hành chuẩn quốc tế cho dòng xe tải từ Trung Quốc. Theo đó, Sinotruk sẽ đầu tư hàng triệu USD để cùng TMT xây 3 tổng kho linh kiện tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Các xe Sinotruk mà TMT đưa ra thị trường sẽ được bảo hành 24/24 tại các showroom 3S của TMT. Bên cạnh đó, toàn bộ xe của Sinotruk tại Việt Nam sẽ do TMT đại diện thực hiện việc bảo hành, bảo trì, kể cả những xe không do TMT bán. Công ty cũng sẽ mở bán phụ tùng cho người tiêu dùng có xe Sinotruk mua từ năm 2007 đến nay.

Giấc mơ vươn ra biển lớn

Quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: đến năm 2020, sản lượng xe tải sản xuất trong nước đạt 97.960 chiếc, đáp ứng 78% nhu cầu nội địa; xe từ 10 chỗ ngồi trở lên đạt 14.200 chiếc, tương đương 90% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa xe tải đạt 30 - 40%; tổng lượng xe xuất khẩu đạt 20.000 chiếc, trong đó xe tải 10.000 chiếc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hữu nhiều lần nhắc đến mục tiêu đến năm 2022 xuất khẩu được 1 tỷ USD xe nguyên chiếc và 1 tỷ USD về phụ tùng của Chính phủ.

“Tầm nhìn chiến lược của TMT Motors là thị trường Đông Nam Á”, ông Hữu cho biết. TMT đã ký thỏa thuận với công ty mẹ của Sinotruk để sản xuất động cơ ở Việt Nam. Khi sản xuất động cơ tại Việt Nam, TMT Motors sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 43% và đủ điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi xuất khẩu xe sang thị trường Đông Nam Á.

“Hiện chúng tôi đang trình dự án này lên Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. Khi Chính phủ và Bộ Tài chính có thông báo chính thức các chế độ ưu đãi về sản xuất động cơ, chúng tôi sẽ triển khai và có thể khẳng định là đến năm 2022 sẽ xuất khẩu được xe tải Việt Nam”, ông Hữu nói.

Đây là một kế hoạch tham vọng và theo đánh giá của ông Dương Chính Húc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tập đoàn Ô tô hạng nặng Trung Quốc, cũng rất hấp dẫn. Trên thực tế, mỗi năm, Sinotruk xuất khẩu khoảng 70.000 xe tải hạng nặng sang các nước ASEAN với thuế suất 30 - 40%. Nếu lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại đây, sản phẩm có thể hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Một bước đi win-win cho tất cả.

Lăng kính doanh nhân Bùi Văn Hữu

Ông chia sẻ rằng, TMT đã có những thay đổi về tư duy, về cách làm mới. Đó cụ thể là gì?

Chúng tôi giờ đây quan niệm và nhất quán rằng, sự hài lòng của khách hàng là tôn chỉ của TMT. Trong 3-5 năm tới, TMT sẽ chuyển đổi mạnh mẽ, chúng tôi xác định đi phục vụ dịch vụ, chứ không chỉ sản xuất, bán hàng.

Thị trường xe tải trong vài năm gần đây vẫn rất khó khăn, sức tiêu thụ giảm. Ông nhìn nhận tới đây thị trường sẽ có chuyển động như thế nào?

Sinotruck đã chuyển giao hoàn toàn công nghệ cho TMT. Với cách làm này, chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí. Chúng tôi cũng thỏa mãn các điều kiện để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu. Tôi tin, khi giá thành sản phẩm giảm sẽ kích thích nhu cầu sử dụng xe. 

Với một thị trường phân mảnh như Việt Nam, cũng không dễ dàng để doanh nghiệp có thể bứt phá vì quy mô còn nhỏ, thưa ông?

Việt Nam là đất nước đang phát triển, với nhiều cơ hội giao thương, hội nhập quốc tế. TMT có tầm nhìn sang Đông Nam Á, chúng tôi đã ký với công ty mẹ của Sinotruck về thỏa thuận sản xuất động cơ, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%, từ đó có thể xuất khẩu xe tải nặng sang các nước trong khu vực. Thuế nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc và các nước khác vào ASEAN hiện ở mức hai con số, nếu sản phẩm từ Việt Nam đảm bảo chất lượng mà thuế ưu đãi 0% thì việc xuất khẩu là hoàn toàn khả thi.

Làm được điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế đối với người tiêu dùng và người sản xuất, mà còn đối với các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho TMT. Đầu tư sản xuất phụ tùng mới đi lâu dài được. 

Ông thấy lãnh đạo doanh nghiệp trước và sau khi Nhà nước thoái hết vốn có điều gì khác?

Nhà nước đã thoái hết vốn tại TMT cách đây 2-3 năm. TMT hiện nay áp dụng mô hình quản trị mới, áp dụng các phần mềm, thay đổi hoàn toàn quản trị và sản xuất theo chuẩn mực quốc tế. Trong năm 2019 và 3 năm tiếp theo, chúng tôi quan tâm đào tạo, cập nhật công nghệ mới, cách bán hàng mới, dịch vụ sau bán hàng. Tôi rất coi trọng đào tạo và tin rằng, đào tạo sẽ thay đổi con người TMT, thúc đẩy TMT tiến kịp các doanh nghiệp khu vực.

Trước đây, khi chưa áp dụng phần mềm quản lý, rất nhiều vấn đề phức tạp do có hàng nghìn con người, hàng nghìn công nhân, rồi hoạt động của 57 đại lý trên toàn quốc. Giờ quy mô tương tự, nhưng tôi thấy nhẹ nhàng, tính đồng bộ cao, cung cách quản trị bán hàng và sau bán hàng thay đổi hoàn toàn so với trước đây. 

Đã có những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ấp ủ giấc mơ xe ô tô và thất bại. Nhìn vào những trường hợp ấy, ông có cảm thấy chùn bước?          

Sự thất bại của một đơn vị nào đó là không bám sát thị trường. Với TMT, tôi chủ trương phải luôn cập nhật thông tin, phương thức quản lý trước, trong và sau bán hàng, trong sản xuất của khu vực và quốc tế. Tôi tin, cách làm ấy sẽ giúp doanh nghiệp đi đường dài. 

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục