“Giấc mơ vang” của Chủ tịch Ladofoods

(ĐTCK) Là người đam mê rượu vang, doanh nhân Đỗ Thành Trung đã mạnh tay đầu tư vào Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods) để nắm quyền quản trị doanh nghiệp và thực hiện khát vọng đưa tên tuổi vang Việt Nam ra thế giới.
Chủ tịch Ladofoods trực tiếp khui vang từ thùng gỗ sồi trong hầm ủ vang mời Thứ truởng Bộ Công thương và các lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Chủ tịch Ladofoods trực tiếp khui vang từ thùng gỗ sồi trong hầm ủ vang mời Thứ truởng Bộ Công thương và các lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Ông Ðỗ Thành Trung sinh năm 1972, nổi danh trong giới người Việt kinh doanh tại Cộng hòa Séc khi sáng lập, điều hành Tập đoàn Elmich Châu Âu và Elmich Việt Nam, tập đoàn sản xuất và kinh doanh đồ gia dụng cao cấp. Elmich đã gây dựng được tên tuổi và chiếm thị phần ở thị trường châu Âu và bắt đầu xuất khẩu mạnh sang châu Á.

Khi Elmich Việt Nam đã hoạt động tương đối bài bản với hệ thống nhân sự và quy trình quản trị chặt chẽ, từ năm 2018, ông Trung dành tâm huyết cho Ladofoods khi quyết định để Elmich chào mua công khai cổ phần chi phối tại doanh nghiệp xứ núi.

Thương thảo thành công việc mua lại cổ phần từ cổ đông lớn của Ladofoods từ GTN, hiện ông Trung và Elmich Việt Nam được cho là nắm cổ phần đa số tại Ladofoods, các cổ đông cá nhân khác sở hữu không đáng kể.

Sức hấp dẫn lớn nhất của Ladofoods nằm ở thương hiệu Vang Ðà Lạt. Hiện Vang Ðà Lạt đang chiếm thị phần trên 80% đối với các sản phẩm vang trong nước sản xuất, tiêu thụ hơn 4 triệu chai/năm.

Mảng kinh doanh rượu vang đóng góp gần 80% lợi nhuận của Công ty. Với quy mô lợi nhuận sau thuế từ 20 - 25 tỷ đồng, Ladofoods chia cổ tức đều đặn 10% bằng tiền mặt mỗi năm.

Nhưng hưởng cổ tức không phải là đích đến của một doanh nhân đã dạn dày kinh nghiệm thương trường quốc tế.

Với tư tưởng kinh doanh hiện đại, ông Trung đang đem đến làn gió mới tới Ladofoods, từ việc đổi mới thương hiệu cho tới kênh phân phối.

Nếu như trước đây, hoạt động sản xuất của Công ty chủ yếu dựa trên các hợp đồng có sẵn, danh mục sản phẩm và kênh phân phối nghèo nàn, thương hiệu chủ yếu phục vụ phân khúc trung bình thấp thì nay danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng như Vang Ðà Lạt, Chateau Dalat, Nouvo Sangria, Vivazz.

Trong đó, Chateau Dalat, dòng vang cao cấp được đầu tư xây dựng thương hiệu tầm quốc tế khi thường xuyên được mang đi tham dự các giải thưởng quốc tế, trưng bày tại Bảo tàng vang thế giới Vineum Bodensee (Ðức) hay có mặt trong các buổi tiệc chiêu đãi quan khách quốc tế của Việt Nam…

Ông Trung cũng yêu cầu đội ngũ Công ty mở rộng kênh phân phối thông qua việc xây dựng các đại lý bán hàng, định hướng bán hàng chủ động, định vị thương hiệu hướng đến nhóm khách hàng trung cao cấp… Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, Ladofoods sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Milan Novosad, Thành viên Hội đồng quản trị Ladofoods, Công ty đã xuất khẩu vang đi nhiều nước như Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng ở thị trường quốc tế.

Khẳng định thị trường nước ngoài sẽ là định hướng chiến lược của Công ty trong thời gian tới, ông Ðỗ Thành Trung chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi sẽ kế thừa và tiếp bước những thành công của các thế hệ đi trước, tiếp tục đưa vang Việt tiến xa hơn trên thị trường quốc tế”.

Một trong những chiến lược xây dựng thương hiệu mới của Ladofoods là Công ty đã triển khai và đưa vào hoạt động Dự án du lịch Lâu đài Vang chuẩn châu Âu tại thủ phủ Ðà Lạt.

Trên địa hình cảnh quan đồi núi Phát Chi, hầm vang Ðà Lạt hiện ra như mô phỏng chiếc lá hình elip. Lâu đài có bốn tầng kiến trúc sang trọng, đẳng cấp, gồm tầng hầm có hầm ủ vang nằm sâu dưới lòng đất, lưu trữ hàng trăm thùng gỗ sồi và hàng chục ngàn chai vang cao cấp.

Tầng 1 là showroom trưng bày để du khách ngắm nhìn những kiệt tác rượu vang Việt đã ghi dấu trên bản đồ vang thế giới.

Tầng 2 là phòng thưởng thức rượu vang - nơi du khách có thể trải nghiệm những xúc cảm tinh tế từ những chai rượu vang đặc sắc nhất. Trên cùng là nơi thưởng ngoạn toàn cảnh không gian nhà máy vang từ trên cao và ngắm nhìn Vườn thượng uyển thơ mộng.

Hầm vang do các kiến trúc sư châu Âu thiết kế và trực tiếp giám sát thi công. Theo ông Ing. Martin Bukolsky, thiết kế chính của hầm vang, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của một hầm vang tại châu Âu là phải đạt được yếu tố giữ nhiệt độ và độ ẩm đều quanh năm, mà không cần hệ thống điều hòa.

“Chúng tôi phải tính toán rất kỹ khi khảo sát cũng như thiết kế, từ vị trí, địa thế, độ sâu và cửa hầm cũng như phương án xây dựng….”, chuyên gia này chia sẻ.

Là người đặt tâm huyết lớn nhất vào dự án, ông Trung không giấu mục tiêu đưa Lâu đài Vang trở thành điểm đến mới trong hành trình du lịch của du khách đến với Ðà Lạt, trở thành điểm hội ngộ của những người yêu vang trong và ngoài nước.

Giới chuyên môn lại đánh giá, dư địa để Ladofoods và ông Trung phát triển là rất lớn, không chỉ ở thị trường toàn cầu mà ngay trên sân nhà.

Hiện nay, Việt Nam đang được nhiều công ty rượu vang Pháp, Italia nhắm đến, bởi đây là thị trường tiêu thụ rượu vang tốt nhất Ðông Nam Á với tốc độ tăng trưởng 10%.

Theo thống kê của Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát Việt Nam, hiện cả nước có hơn 15 doanh nghiệp sản xuất và đóng chai rượu vang với sản lượng mỗi năm tăng khoảng 12 - 13 triệu lít.

Kim ngạch nhập khẩu vang mỗi năm lên tới hơn 100 triệu USD. Với quy mô doanh thu của Ladofoods hiện chỉ ở mức trên 500 tỷ đồng năm, Công ty có thể mở rộng thị phần lớn hơn hiện nay rất nhiều.

“Giấc mơ vang” của Chủ tịch Ladofoods ảnh 1

Nhắc đến Đà Lạt, ngoài việc liên tưởng đến một thành phố ngàn hoa, với nhiều người, đây còn được coi là cái nôi sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất Việt Nam: Vang Đà Lạt. 

Nằm ở độ cao 1.500 mét, Đà Lạt mang đặc tính khí hậu miền núi ôn hòa, nhưng điều thú vị lại nằm ở chỗ, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, trung bình khoảng 11 độ.

Đây là một trong những “đặc sản” khí hậu của Đà Lạt, điều mà nhiều vùng khác ở Việt Nam không có được.

Với ngành sản xuất rượu vang, điều này có ý nghĩa tối quan trọng, bởi nó làm chậm quá trình chín của trái nho, giúp đảm bảo độ acid tự nhiên và độ tannins được tốt hơn. 

Là doanh nghiệp sản xuất rượu vang hiếm hoi tại Việt Nam có được vùng nguyên liệu tại chỗ và vùng mở rộng (Ninh Thuận), điều này giúp Ladofoods hoàn toàn chủ động được trong việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, từ lựa chọn giống nho, trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Tuy nhiên, nó cũng khiến người ta băn khoăn, bởi trái nho đôi khi phải trải qua một chặng đường nhất định trước khi được ép và lên men. Trong khi với ngành sản xuất rượu vang, việc trái nho được ép ngay sau khi hái giữ một vai trò quan trọng khi giữ lại tốt nhất các hương vị vốn có.

Những chai Vang Đà Lạt đầu tiên có giấy khai sinh vào năm 1988, đến nay đã hơn 30 năm. Ba thập kỷ là quãng thời gian ít ỏi, nếu không muốn nói là quá ngắn so với lịch sử lâu đời của ngành rượu vang các quốc gia thuộc nhóm thế giới cũ (Pháp, Italia, Tây Ban Nha) và nhóm thế giới mới (Mỹ, Chi Lê, Newzeland, Canada, Australia…), nhưng cũng không quá khi nói rằng, với hơn ba thập kỷ đó, Vang Đà Lạt chính là sản phẩm biểu tượng viết lên trang sử đầu cho ngành rượu vang non trẻ Việt Nam.

Vượt trên chuyện kinh doanh đơn thuần như bao doanh nghiệp khác, suốt chặng đường hơn ba thập kỷ của mình, điều đáng trân trọng là Ladofoods không chỉ góp phần tích cực truyền bá văn hóa vang vào việt Nam, mà còn giúp nâng tầm cho ngành sản xuất đồ uống vốn rất đặc thù này.

Vang Đà Lạt nổi tiếng đến độ, đã có thời nhãn hiệu này bị xâm phạm. Và một điều thú vị mà không nhiều người biết, đó là Ladofoods chỉ giữ được nhãn hiệu này bởi chính “niềm tự hào từ khi khai sinh ra nó”.

Cụ thể, khi có doanh nghiệp khác tung ra các sản phẩm tương tự, với các tên gần giống gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, thì kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nêu rõ: sản phẩm rượu vang bao gồm 2 thành phần: "Vang" và "Đà Lạt".

Thành phần "Đà Lạt" chính là tên địa lý và chỉ được bảo hộ trong thành phần nhãn hiệu khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do đó, với sản phẩm cùng loại (là vang) và doanh nghiệp khác dùng thêm thành phần”Đà Lạt” là dễ gây nhầm lẫn và không được phép.

Trước đó, Ladofoods đã xin và được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho đăng ký nhãn hiệu gắn với địa danh này.

Và nếu chỉ nhìn vào nhãn hiệu Vang Đà Lạt, có lẽ nhiều người cho rằng nó đơn thuần là một chỉ dẫn địa lý, nhưng trên hết, nó được hình thành bằng niềm tự hào về sản phẩm, mong muốn tạo nên một đặc sản mới cho Đà Lạt của chính những người Ladofoods.

Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục