Dọn đường cho thế hệ doanh nghiệp mới

(ĐTCK) Với con số gần 1.400 DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, câu hỏi đặt ra là: Làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp, để đến năm 2025, cả nước đạt con số 10.000 - 20.000 DN hoạt động trong lĩnh vực này? 
Dọn đường cho thế hệ doanh nghiệp mới

Theo GS. Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công thương, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã hình thành và có quá trình hoạt động lâu dài hầu hết vẫn dập khuôn cách thức kinh doanh cũ, nên có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, chính sách hiện tại của Việt Nam là tạo dựng các doanh nghiệp mới, thuần khiết hơn, thông minh hơn và có cơ hội lớn hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chính phủ cần đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng xây dựng các trung tâm “lồng ấp” doanh nghiệp, mời các chuyên gia nước ngoài, các nhà lắp ráp, hãng sản xuất toàn cầu đến hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp trong nước. Từ đó, phát triển chất lượng sản phẩm và kết nối để trở thành đơn vị cung cấp cho các hãng này”, ông Tuất cho hay.

Kinh nghiệm từ “người đi trước”

Đi lên từ mô hình công ty siêu nhỏ, song không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện đã trở thành đối tác quan trọng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, nhóm doanh nghiệp này cho biết, để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp mới sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi bước chân vào một lĩnh vực đặc thù như công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường, khó khăn đầu tiên của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay là việc không có mặt bằng sản xuất ổn định. Doanh nghiệp chủ yếu đi thuê lại với thời hạn hợp đồng dăm ba năm, do đó, không thể cân nhắc đầu tư lâu dài. Công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp đa phần cũ kỹ, lạc hậu, nhưng do khó khăn về vốn nên không thể đầu tư máy móc hiện đại hơn.

Giám đốc Lê Thanh Thủy ví von, doanh nghiệp start-up như một đứa trẻ cần sữa nhưng “nguồn sữa” (vốn) đến với doanh nghiệp rất khó. Các thống kê chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp phá sản chủ yếu trong 5 năm đầu tiên do thiếu vốn. Vì đây là giai đoạn vô cùng khó khăn nên nếu không có sự hỗ trợ chính sách kịp thời, doanh nghiệp khó lòng vượt qua.

Bên cạnh khó khăn về vốn và công nghệ, yếu tố liên kết trong sản xuất cũng là vấn đề cản trở sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo ông Thủy, một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể làm hết tất cả các công đoạn sản xuất, mà cần có những doanh nghiệp vệ tinh, tuy nhiên, hiện tại, khối doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam rất yếu, doanh nghiệp còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài, dẫn tới giá thành sản phẩm bị đội lên nhiều .  

“Nói doanh nghiệp Việt Nam yếu kém đến mức không làm được ốc vít là chưa đúng, mà cái chính là làm được, nhưng không bán được vì giá của Việt Nam quá cao, không cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế”, ông Thủy khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty VPMS, hoạt động chính trong lĩnh vực gia công các mặt hàng cơ khí chính xác, thừa nhận rằng doanh nghiệp của ông từng phải từ chối những đơn hàng rất lớn vì không thể thực hiện được một chi tiết rất nhỏ.

Theo ông Huy, Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp đáp ứng thực hiện một số sản phẩm, công đoạn quan trọng, doanh nghiệp dù rất cố gắng, nhưng không thể “ôm đồm” tất cả các khâu sản xuất. “Nhà nước cần có chính sách tìm kiếm, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các công đoạn còn thiếu. Bên cạnh đó, xây dựng các chuẩn doanh nghiệp hỗ trợ để tập trung bồi dưỡng các doanh nghiệp gần đạt chuẩn một cách có hiệu quả, tránh việc hỗ trợ dàn trải. 

Giải pháp nào?

Là một doanh nghiệp sản xuất bản mạch điện tử đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn LG, ông Hoàng Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH 4P nhận định, để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần xây dựng chính sách giải quyết 3 vấn đề lớn với doanh nghiệp là môi trường kinh doanh, chính sách pháp luật và ưu đãi tiếp cận nguồn vốn.

Cụ thể, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đồng thời có quy định tối giản về pháp luật trong kinh doanh cho doanh nghiệp SME. Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp SME sử dụng dịch vụ kế toán, thuế… theo kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, nhằm giảm tải bộ máy hoạt động và hạn chế rủi ro.

Về ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, Công ty TNHH 4P đề xuất Nhà nước có chính sách lãi suất phân biệt giữa hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại.

Giải đáp những thắc mắc về vấn đề chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 111/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016 và các Thông tư 01/2016/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-BTC… đang mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, điểm mới cơ bản nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư nhà nước; miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…

Sắp tới, Bộ Công thương sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ,  Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô (VAPMA) nhằm kết nối doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới phát triển đồng bộ toàn ngành công nghiệp hỗ trợ.     

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục