Doanh nhân Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên: Quản người lao động qua… dạ dày

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với ngành may giúp ông Nguyễn Xuân Dương tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, để rồi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), ông đã giữ ổn định một đơn vị quy tụ hàng chục ngàn lao  động nữ chỉ với bí quyết “quản dạ dày” người lao động.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên: Quản người lao động qua… dạ dày

Giữ ấm dạ dày người lao động

32 năm gắn bó với ngành dệt may, trong đó 15 năm ở cương vị Phó giám đốc (1989-2004), với 5 năm kiêm Chủ tịch Công đoàn; 9 năm ở cương vị Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT, 10 năm làm Phó giám đốc, ông Dương tự nhận mình có duyên với ngành này. Ông bảo, CEO của doanh nghiệp dệt may mệt hơn những lĩnh vực khác, bởi trong môi trường phức tạp với quá nhiều lao động nữ, để giữ ổn định lao động, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh không phải đơn giản.

“Nhiều năm gắn bó với nghề này, tôi nhận thấy, tính bất ổn của lao động chính là do tâm lý. Người đứng đầu doanh nghiệp nếu quản được tâm lý lao động thì sẽ thắng, mà quản lý tâm lý chính là quản lý dạ dày. Nếu anh để dạ dày người lao động ấm, tai người ta nghe lọt, thì họ gắn bó với doanh nghiệp. Chỉ đơn giản vậy”, ông chia sẻ.

Theo ông Dương, nghề may không khác gì nghề nuôi tằm, cho tằm ăn dâu tốt thì tơ nhả ra đẹp. Nếu không trả mức thu nhập đủ để người lao động có cuộc sống ổn định, thì họ làm sao có tâm trí làm ra hàng chuẩn, hàng không lỗi.

Được biết, mức thu nhập trung bình mà Hugaco trả cho người lao động năm 2014 là 7,7 triệu đồng/người/tháng, thậm chí Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long - một doanh nghiệp thành viên của Hugaco còn trả mức thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng cho người lao động. Đó là mức thu nhập đáng mơ ước với rất nhiều lao động dệt may tại những doanh nghiệp có nhà máy đóng tại thành phố lớn.

Giờ thì có thể hiểu vì sao ngay tại cổng chính của Hugaco lại có câu khẩu hiệu: “Tiền lương và thu nhập người lao động là thước đo năng lực và đạo đức của người quản lý”. Cũng có thể hiểu vì sao ở Hugaco, có nhiều cặp vợ chồng cùng làm việc. Nếu cuộc sống của gia đình họ không được đảm bảo, thì không có lý gì họ lại gắn bó với Hugaco như vậy. Không an phận với hiện tại, ông Dương còn luôn tính toán và lường trước những khó khăn của tương lai. Chẳng thế, trong câu chuyện với tôi, ông bảo rằng, nếu chỉ chăm chăm vào những cái được trước mắt, quên đi lâu dài, sau này có vấn đề gì, người lao động phải ra đường thì đó là lỗi của người quản lý.

“Quản lý doanh nghiệp mà không lo được cho người lao động ấm lưng thì đừng nói chuyện gì to tát. Đặc biệt, với nghề may, không bao giờ được lấy vốn vay để phát triển”, ông Dương chia sẻ thêm về quan điểm quản lý của mình. 

Quan điểm “ăn chia”

Xuất phát điểm từ một người lính, rồi theo học Đại học Cơ điện Bắc Thái, đến năm 1981 ra trường, ông Dương gắn bó với Hugaco từ đó đến nay. Suốt thời gian đó, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác, từ cán bộ bảo hộ lao động, tiền lương, nhân sự, đến Phó phòng Kỹ thuật, Trợ lý tổng giám đốc và Phó giám đốc. Có thể thấy, các vị trí ông đảm nhiệm đều có liên quan đến tài chính, chế độ cho người lao động.

Vì lẽ đó, ở vị trí cao nhất của doanh nghiệp, quan điểm “ăn chia” được ông chia sẻ rất cởi mở và đầy nhân văn. Ông bảo, muốn giữ lửa doanh nghiệp, phải giữ được sự ổn định, lòng nhiệt huyết của người lao động. Nói vậy nghe có vẻ hình tượng, nhưng điều cốt lõi nằm ở bài toán ăn chia của doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo cần phải gương mẫu trong cả làm lẫn hưởng thụ để người lao động không cảm thấy bị thiệt thòi, không cảm thấy bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Giữ hòa khí trong một gia đình với 5-7 thành viên đã khó, đằng này, doanh nghiệp của ông quy tụ hàng ngàn lao động. “Nếu muốn doanh nghiệp đoàn kết thì đừng tư lợi và người giữ lửa phải có sự hy sinh cá nhân, gương mẫu, không tham lam”, bí quyết của ông chỉ có vậy.

Nhắc đến ông Dương, người Hugaco không thể quên quyết định điều chuyển công tác giám đốc một doanh nghiệp thành viên chỉ vì trót giữ lao động bằng cách giữ lại một phần tiền thưởng Tết khiến công nhân đình công và xin nghỉ việc quá nửa. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, ông Dương đã can thiệp kịp thời bằng quyết định trên cùng việc chi trả toàn bộ tiền thưởng Tết cho công nhân. Số lao động xin nghỉ việc đã lập tức quay trở lại nhà máy.

Không chỉ bằng thu nhập, ông Dương còn chủ trương giữ lao động bằng điều kiện sống tốt nhất có thể. Vì thế, Hugaco cũng được tiếng là doanh nghiệp dệt may tiên phong trong đầu tư tạo điều kiện sống ổn định cho người lao động. Hiện giờ, trường mầm non do Tổng công ty đầu tư đã có quy mô 350 cháu, trong đó con cán bộ, công nhân viên được gửi miễn phí. Hugaco cũng đã đầu tư nhà ở cho công nhân với khoảng 48 căn hộ… 

Đổi thay nhiều vùng đất               

Trong câu chuyện, ông Dương không giấu vẻ tự hào khi chia sẻ thành quả của Hugaco trong năm 2014. Hugaco đã đóng góp 357 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may, tăng 50 triệu USD so với năm 2013.

Không tự hào sao được khi dưới sự điều hành của ông, Hugaco đã tạo ra diện mạo mới mẻ tại không ít vùng đất. Đó là vùng đất nghèo tại An Lập, huyện Sơn Động, TP. Bắc Giang khi Nhà máy May Sơn Động được Hugaco đầu tư hơn 33,5 tỷ đồng và đưa vào sản xuất năm 2010. Sau 4 năm hoạt động, đến nay, Nhà máy có quy mô 1.000 lao động đã thu hút, tạo việc làm cho 500 lao động với mức lương 4,8 triệu đồng/người/tháng.

Đó là vùng đất Ninh Bình, khi Nhà máy May xuất khẩu Ninh Bình trong tình trạng thua lỗ nặng đã được Hugaco bơm vốn, trực tiếp điều hành và chỉ sau 1 năm đã cắt lỗ toàn bộ. Xí nghiệp thứ hai vừa được đưa vào hoạt động cuối tháng 1/2015, sẽ tạo nên quy mô và diện mạo mới cho Nhà máy tại vùng đất này trong những năm tới.

Không thể không nhắc tới thương vụ mua lại Xí nghiệp May Gunyong (nay là May Hưng Long II) đang làm ăn thua lỗ của ông chủ Hàn Quốc tại TP. Hưng Yên vào 3 năm trước. Với kinh nghiệm của mình, ông đã kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại sản xuất và tăng cường cán bộ quản lý, kỹ thuật để đưa Nhà máy hoạt động trở lại.

Thời điểm nhận bàn giao chỉ có 70 công nhân thì nay thu hút trở lại 600 lao động. Hiện May Gunyong đã trở thành 1 trong 12 mắt xích quan trọng trong hệ thống Hugaco.

Vậy cái được lớn nhất của Hugaco trong năm 2014 là gì? Không chút đắn đo, ông Dương cho rằng, đó là giữ được khách hàng ổn định, nâng cao đời sống người lao động, nhận được đánh giá cao từ khách hàng, phát triển thêm khách hàng mới. Mục tiêu của Hugaco là công nghiệp đi tới đâu, tạo việc làm, an sinh xã hội tới đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng xuất khẩu.

Hải Yến
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục