Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, CEO VietSilk: Vươn ra biển lớn từ… ngõ cụt

Khởi nghiệp kinh doanh với một doanh nghiệp thua lỗ, nhưng ông Nguyễn Tiến Dũng trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên đưa lụa tơ tằm Bảo Lộc vươn ra thế giới. Đến nay, Công ty TNHH Dệt tơ tằm VietSilk do ông làm Tổng giám đốc đã trở thành công ty xuất khẩu 100% sản phẩm tơ tằm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore, Pakistan...
Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, CEO VietSilk: Vươn ra biển lớn từ… ngõ cụt

Từ ngõ cụt…

Ở tuổi ngoại lục tuần, sau khi nghỉ hưu ở Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI), ông Dũng mới quyết định cùng với một số đồng nghiệp hưu trí khác hùn vốn khởi nghiệp. Họ đã mua lại toàn bộ tài sản của Công ty liên doanh Visintex - một công ty con của VISERI đang bị cưỡng chế kê biên và “sinh” ra Công ty TNHH Dệt tơ tằm VietSilk (đặt tại số 15 - Quang Trung, phường 2, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cách đây tròn 3 năm.

Thời điểm đó, quyết định tiếp tục dấn thân vào ngành tơ tằm đầy chông gai của ông Dũng khiến nhiều người thân và đồng nghiệp lo lắng, cho rằng ông đang nhắm mắt đi vào ngõ cụt. Thực tế, đây không phải là một quyết định nông nổi, mà là kết quả của bao đêm ông trăn trở, xót xa, nuối tiếc cho một ngành nghề đang dần mai một và cuối cùng, không kháng cự nổi cảm xúc chủ đạo đó, ông đã quyết định lao vào thử thách.

Khi mới bắt tay vào hoạt động năm 2012, VietSilk gặp vô vàn khó khăn. Giàn máy dệt cũ kỹ, lạc hậu được sản xuất từ trước năm 1960. Người lao động, đặc biệt là lực lượng có tay nghề và kinh nghiệm tản mát khắp nơi. Các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu bất tín nhiệm đối với Visintex, nay ngập ngừng chưa muốn ký kết hợp tác kinh doanh với VietSilk…

Nhưng ông Dũng xác định, đó chỉ là những khó khăn trước mắt, có thể dần được khắc phục. Khó khăn đáng lo nhất chính là VietSilk phát triển trên nền một ngành nghề trì trệ, uy tín thương mại thấp (nói đến chất lượng tơ Việt Nam, thì ngay cả quốc gia yêu cầu chất lượng tơ trung bình cũng khó chấp nhận).

Với phương châm “khó thì gỡ và không được chùn bước”, ông Nguyễn Tiến Dũng cùng Ban lãnh đạo VietSilk chủ động biến khó khăn thành cơ hội. Công việc đầu tiên sau khi tiếp quản, xây dựng VietSilk là tuyển dụng đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật từng là lao động của ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Kế đến là thanh lý dần các dàn máy dệt lạc hậu không thể đại tu, lắp đặt máy dệt công nghệ Nhật Bản. Hợp đồng đầu tư 60 máy dệt Jacquard các loại để dệt vải Kimono cùng nhiều phụ tùng thay thế để đại tu 20 máy dệt cũ đã được thực hiện với đối tác Nhật Bản.

“Thời gian đầu, VietSilk phải làm quen với công nghệ để đáp ứng yêu cầu gắt gao từ đối tác. Khi đó, chúng tôi chẳng khác nào người bán dạo để có thể tự duy trì hoạt động. Sau gần 2 năm thử thách chúng tôi, phía đối tác Nhật Bản mới gật đầu chấp nhận. Niềm vui, hạnh phúc như vỡ òa sau thời gian dài nằm gai nếm mật”, ông Dũng nhớ lại.

Một dây chuyền sản xuất lụa tơ tằm tại VietSilk

… Hồi sinh ngành dệt lụa  nức tiếng

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Ban lãnh đạo VietSilk xác định, chỉ có sản xuất sản phẩm tơ tằm cao cấp (gấm, lụa) mới có thể giúp Công ty đứng vững trên thương trường. Sau cái gật đầu chấp nhận của đối tác Nhật Bản, năm 2014, mỗi tháng Công ty sản xuất và xuất khẩu được 6 tấn gấm và lụa với cấu thành 60% nguyên liệu nội địa cho thị trường này. Ngoài ra, những sản phẩm cao cấp khác từ nguyên liệu tơ tằm còn được VietSilk xuất sang Pakistan, Singapore…

Tính đến thời điểm này, sau 3 năm hoạt động, VietSilk tạo công ăn việc làm ổn định cho 150 lao động tại TP. Bảo Lộc, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng sau khi đã thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện... Doanh thu và lợi nhuận của VietSilk năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2012, doanh thu chỉ đạt 33,6 tỷ đồng, thì năm 2014 đạt 115 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế năm 2012 chỉ trên 315 triệu đồng, nhưng năm 2014 tăng gấp 10 lần.

Để có được những kết quả trên, VietSilk đã không ngừng đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác bằng cách từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu tơ tằm trong cấu thành sản phẩm xuất khẩu.

Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm 3 lần, VietSilk mời chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam trực tiếp đào tạo tay nghề cho 120 lao động đứng máy ở tất cả các khâu (xe tơ, dệt lụa, KCS). Công ty cũng đưa cán bộ kỹ thuật qua Nhật Bản đào tạo để có đủ kiến thức tiếp thu công nghệ hiện đại.

Sau khi tìm được thị trường, đổi công nghệ, công việc tiếp theo của ông Dũng là tạo nguồn nguyên liệu nội. Ông đích thân đến từng cơ sở ươm tơ uy tín vận động, hỗ trợ họ đổi mới công nghệ từ ươm tơ bằng thủ công sang máy ươm tơ tự động.

Để có kén tằm phù hợp với hệ thống máy ươm tự động, ông khơi dậy hiệu ứng Domino, với mục đích thúc đẩy các cơ sở ươm tơ chủ động tìm giải pháp khuyến nông, kêu gọi các hộ trồng dâu nuôi tằm tìm đến giống tằm, giống dâu cao sản chống bệnh.

Hiện tại, giá thu mua của VietSilk tơ đạt chất lượng giá cao hơn thị trường khoảng 30%, tương đương 1,1 triệu đồng/kg. Trước sự cam kết ổn định thu mua, minh bạch giá của VietSilk, nhiều cơ sở ươm tơ đã chủ động đổi mới công nghệ, tìm đến làm đối tác và cam kết sản xuất tơ đạt chuẩn.

Khi được hỏi bí quyết nào khiến VietSilk trụ vững, phát triển ổn định trên thị trường, ông Dũng nói: “Động lực quan trọng đối với chúng tôi là không thể phụ lòng tiền nhân đã dày công xây dựng nên một ngành nghề đầy tiềm năng trên đất Lâm Đồng và cũng không đành lòng đứng nhìn sự mai một của ngành nghề đã từng xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn lao động”.

Ông Dũng quan niệm, làm kinh doanh cũng như tham gia một cuộc chơi, phải chấp nhận rủi ro, phải chạy đua để chiến thắng bản thân mình. Lợi nhuận thu được ông không gọi là “lời”, mà cho rằng nhận được “lộc”. “Lộc” càng cao, thì số người được hưởng càng nhiều.

Vị Tổng giám đốc nặng duyên với tơ tằm cho biết, VietSilk đã vạch sẵn kế hoạch và chiến lược tung ra thị trường quốc tế các sản phẩm lụa tơ tằm xuất khẩu chất lượng cao mang thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc”. Sản phẩm cao cấp được thị trường quốc tế ưa chuộng đồng nghĩa với việc những người lao động của Công ty có thêm nhiều “lộc” để lo cho bản thân, gia đình, gắn bó hơn với ngành ươm tơ dệt lụa truyền thống tại Lâm Đồng.n 

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Tơ Tằm VietSilk Nguyễn Tiến Dũng

- Nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.

- Từ năm 2012 đến nay là Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt tơ tằm VietSilk.

-Thường có mặt ở Công ty lúc rạng sáng và ra về sau 22 giờ mỗi ngày, nhưng ông vẫn có thời gian rảnh để làm thơ, viết báo, nghe nhạc trữ tình.

Gia Hân
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục