Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà: Ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực cháy

Hành trình trở thành doanh nhân thành đạt của Nguyễn Mạnh Hà là một chuỗi những thất bại liên tiếp, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực cháy cùng với chí tiến thủ mạnh mẽ như viên kim cương bất hoại.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Thất bại nối tiếp thất bại

Nhiều người nói người tuổi Thân có chí tiến thủ mạnh mẽ, tính cách cứng rắn, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh… Với Nguyễn Mạnh Hà, điều này quả thật rất đúng.

Xuất thân từ một gia đình giáo viên nghèo miền núi Yên Bái, điều kiện kinh tế khó khăn, Hà thi đại học 3 lần đều trượt. Nhiều người khác ở hoàn cảnh này chắc đã buông xuôi, nhưng Hà không lùi bước, bởi nghĩ rằng, dù khó khăn đến mấy cũng phải học. “Thua keo này, bày keo khác”, ý chí sắt đá không gì lay chuyển đã giúp chàng thanh niên miền núi thành công trong lần thi thứ tư.

Học hành trắc trở là vậy, con đường kinh doanh của Nguyễn Mạnh Hà còn sóng gió hơn nhiều. Rời ghế giảng đường đại học năm 2004, Hà đi làm với đồng lương ba cọc ba đồng. Không chấp nhận cuộc sống an phận và nhàm chán, Hà nghỉ việc và thành lập Công ty cổ phần Minh Nhật chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc và vệ sinh theo giờ. Tuy nhiên, doanh nghiệp non trẻ, với sự chèo lái của cậu cử nhân non nớt, đã phá sản nhanh chóng sau đó.

Hai năm sau khi ra trường, tài sản của Hà vẫn chỉ là hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng ông sống trong căn nhà trọ tồi tàn rộng 8 m2 ở Lĩnh Nam (Hà Nội). Bản thân ông thất nghiệp, vợ làm nhà nước với đồng lương ít ỏi, chỉ 1 triệu đồng/tháng.

“Mỗi ngày vợ đi làm khéo léo bỏ vào ví tôi 10.000 đồng để tôi chi tiêu cá nhân trong cả ngày…”, Nguyễn Mạnh Hà hồi tưởng lại những ngày gian khó cách đây 10 năm.

Sau Công ty cổ phần Minh Nhật, Nguyễn Mạnh Hà còn nếm mùi phá sản 2 lần nữa. Ông từng xây dựng hệ thống phân phối cà phê, nhưng vì không có kinh nghiệm về cà phê và hiểu biết về thị trường, nên đã sập tiệm. Một lần khác, ông kinh doanh hệ thống thẻ tiêu dùng thông minh, nhưng do không tìm hiểu kỹ đối tác nên cũng đổ vỡ.

Thế nhưng, thất bại nối tiếp thất bại không thể đánh gục con người có ý chí “kim cương bất hoại” như Nguyễn Mạnh Hà. Những con sóng nghiệt ngã của thương trường dù hung dữ đến mấy cũng không thể nhấn chìm được sức sống mãnh liệt trong ông. Giờ đây, Think Big Group, dưới sự cầm lái của thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà, đang ngày càng vững vàng với hàng loạt công ty thành viên, công ty liên kết đang trên đà phát triển.

Nguyễn Mạnh Hà (ngoài cùng bên phải) khảo sát việc trồng ươm cây giống trên đồi tại huyện Lục Yên, Yên Bái  

Hành trình tầm sư học đạo

Hồi mới phá sản công ty đầu tiên, trong những ngày thất nghiệp nằm nhà, Nguyễn Mạnh Hà chợt hiểu ra rằng, nguyên nhân thất bại chính là lỗ hổng kiến thức. Tốt nghiệp Đại học Lao động Xã hội chuyên ngành Công tác xã hội, ông mở công ty khi không có chút kiến thức gì về kinh doanh. Bài học rút ra sau thất bại là muốn thành công phải học để có đủ kiến thức về lĩnh vực mình đang làm. Vậy là ông tầm sư học đạo, tìm kiếm sách vở về kinh doanh để đọc và học.

Định hướng tuy đã hình thành, nhưng con đường tầm sư học đạo không hề đơn giản. Kiến thức kinh doanh không phải thứ dễ tìm, những doanh nhân giỏi không mấy khi “bật mí” ngón nghề của họ vì nhiều lý do: giữ bí mật riêng, quá bận rộn, không có kỹ năng sư phạm để truyền thụ… Nhưng trong vô số những cuốn sách đã đọc, có một cuốn sách có sức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp kinh doanh sau này của ông, đó là cuốn Think and Grow Rich.

Nguyễn Mạnh Hà bước chân vào thị trường bất động sản như một cơ duyên. Cũng có thể thời thế thay đổi và ông đã may mắn hơn trong lần khởi nghiệp này nên đã có chút tài sản. Năm 2009, thời kỳ khó khăn nhất đã qua, ông đã có thu nhập thuộc loại khá, có ô tô riêng…, nhưng tất cả có thể sẽ lại chỉ là phù du nếu thời kỳ đó ông không gặp một số người thầy đã tạo nên một bước ngoặt của cuộc đời ông. Đó là ông Trần Thành Nam, ông Adamkhoo (một triệu phú Singapore)...

Qua những người thầy và kinh nghiệm bản thân, Nguyễn Mạnh Hà đã có tư duy bài bản hơn về kinh doanh, về quản lý tài chính. Trong cuốn sách viết về kinh doanh vừa xuất bản năm 2015, Nguyễn Mạnh Hà khuyên những bạn trẻ mới vào đời rằng, một trong những cách để dễ tích lũy vốn hơn khi lập nghiệp là hãy dùng tiền mặt, thay vì dùng thẻ tín dụng. Đây là một lời khuyên có vẻ ngược đời, nhưng là bài học xương máu của ông khi mới có chút thu nhập tàm tạm đã thích dùng thẻ tín dụng cho hợp thời.

Ông bảo, “tiền tươi thóc thật” sẽ giúp chúng ta quan tâm hơn đến một câu hỏi rất quan trọng mỗi khi rút ví: việc chi tiêu này có thực sự cần thiết không? Cách chi tiêu cá nhân khi còn trẻ có ý nghĩa quan trọng giúp hình thành tính cách sau khi trở thành doanh nhân. Bởi lẽ, ranh giới mong manh giữa thành và bại của doanh nghiệp đơn giản chỉ là thu và chi, kiểm soát tốt hai con số này là thắng, ngược lại sẽ là thảm họa.

Năm 2010, sau khi được thọ giáo thầy Trần Thành Nam, ý thức “tầm sư học đạo” của Nguyễn Mạnh Hà càng hình thành rõ nét hơn. Một mặt, ông dồn tiền thành lập các công ty là các hạt giống của Think Big Group hiện nay như Big Edu, Lộc Sơn Hà, Big Land... Mặt khác, ông tiếp tục đi học, với mục tiêu là tìm đến những doanh nhân thành đạt và tham gia nhiều khóa đào tạo ở nước ngoài.

Ngay ở thời điểm hiện tại, dù đã khá dày dạn kinh nghiệm thương trường, nhưng Nguyễn Mạnh Hà vẫn không dừng việc học. Ông đang theo học khóa đào tạo của Blair Singer - một doanh nhân nổi tiếng người Mỹ.

Gieo mầm khát vọng

Nguyễn Mạnh Hà ấp ủ ý tưởng thành lập Công ty Big Green (nằm trong Think Big Group) từ cách đây 2 năm. Hồi đấy, mỗi khi về quê, ông cảm thấy rất xót xa khi thấy đất đồi để trống rất nhiều, người dân thì vẫn nghèo khó. Có cách nào biến những mảnh đất núi đồi quê hương sinh ra tiền, ít nhất cũng đủ để người dân quê mình bớt nghèo khó hơn không? Nguyễn Mạnh Hà luôn đau đáu với câu hỏi ấy.

Và trong một ngày đông cuối năm 2015, những cây giống đầu tiên đã được trồng xuống những vạt đồi trống ở Yên Bái. Think Big Group dự định thí điểm dành khoảng 4 - 5 tỷ đồng cho việc hỗ trợ giống, kỹ thuật… cho dân địa phương.

Nguyễn Mạnh Hà cho biết, để đảm bảo được mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, ông sẽ cho triển khai trồng xen kẽ nhiều loại cây khác nhau, cả cây lâu năm và rau sạch kết hợp chăn nuôi. Think Big Group cũng phối hợp với người dân địa phương tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, mà ở đó người dân sẽ sản xuất, còn doanh nghiệp - với kinh nghiệm và mối quan hệ sẵn có - sẽ tìm đầu ra cho sản phẩm ở các thành phố.

Trong kế hoạch dài hơi hơn, Big Green hướng tới trồng các loại cây xanh đô thị. Trong đợt trồng đầu tiên tại Yên Bái vừa qua, Think Big Group đã trồng 3 loại cây gồm lát, sấu và quế. Trong đó, sấu và lát là các loại cây cho nhiều bóng mát, sau khi ươm giống khoảng 5 năm có thể thu hoạch để cung ứng cho các đô thị, công trình, dự án… Là một doanh nhân đi lên từ bất động sản, Nguyễn Mạnh Hà nhìn thấy rất rõ xu hướng phát triển đô thị thời gian tới, với nhu cầu rất lớn về cây xanh đô thị.

Quan sát những gì Think Big Group đang làm, nhiều người vững tin rằng, dự án cây xanh này không viển vông, trước hết là vì mục tiêu thật trong sáng và niềm tin phủ xanh những quả đồi quê hương, thay đổi cuộc sống dân nghèo. Quan trọng hơn, tác giả của dự án - doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà - có đầy đủ sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực.

Ông mang trong mình một món tài sản thiên phú là ngọn lửa khát vọng và luôn sẵn sàng truyền bầu nhiệt huyết này cho những người xung quanh, khiến người ta có cảm giác rằng đây như một nguồn năng lượng vô tận. Trong vô vàn kế hoạch trong lương lai, ông dự định sẽ xây dựng một học viện đào tạo vào năm 2018 nhằm truyền ngọn lửa nhiệt huyết đó cho thế hệ trẻ.

Ngay như cách ông làm từ thiện cũng thể hiện rất rõ điều đó. Nguyễn Mạnh Hà gọi 200 chiếc xe đạp mà Think Big vừa tặng cho trẻ em nghèo Yên Bái là “những chiếc xe chở ước mơ”. 200 chiếc xe đạp có tổng giá trị khoảng 250 triệu đồng, nhưng giá trị khó phủ nhận là những mầm xanh khát vọng mà doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà đã gieo vào lòng các em nhỏ trong một buổi nói chuyện đầy cởi mở, chân tình và trí tuệ.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục